Xe máy

Những nỗi lo khi sử dụng xe máy điện

Theo VnExpress 02/11/2023 19:32

Khó đạt tốc độ cao, không an toàn khi mưa, nguy cơ cháy nổ cao, không đi được xa là lo ngại thường thấy khi lựa chọn xe máy điện.

Xe máy điện xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ lâu, với những dòng xe chủ yếu nhập khẩu Trung Quốc, bán nhỏ lẻ tại các cửa hàng, đến nay là những dòng xe chính hãng có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Tuy vậy, nhiều người sử dụng vẫn còn băn khoăn về cách sử dụng, bảo dưỡng và nguy hiểm tiềm tàng bởi yếu tố "điện". Dưới đây là những vấn đề của xe điện mà người dùng lo ngại.

Xe máy điện có sức mạnh kém hơn xe xăng, chạy khó đạt tốc độ cao?

Thực tế xe máy điện có khả năng tăng tốc tốt hơn nhiều so với xe xăng nhờ khả năng đáp ứng gần như tức thời của động cơ điện. Đối với xe xăng, việc tăng tốc lâu hơn vì quá trình đốt nhiên liệu và truyền động mất nhiều thời gian hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, TS ngành kỹ thuật cơ khí, CEO công ty xe điện Selex Motors, hiệu suất chuyển đổi từ năng lượng điện sang năng lượng cơ học có thể đạt tới 85-90%, cao gấp 2-3 lần so với hiệu suất chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. Cùng một công suất, xe điện thường có khả năng tăng tốc tốt hơn và đạt được tốc độ cao hơn xe xăng.

Ngoài ra, để một chiếc xe điện đạt tốc độ và gia tốc cao phụ thuộc phần lớn vào động cơ điện. Không như động cơ xăng là bí quyết công nghệ của các hãng, động cơ điện là một thành phần khá đơn giản và có nhiều lựa chọn sẵn có trên thị trường.

BMW CE04 - xe điện phong cách viễn tưởng đang bán tại Việt Nam. Ảnh: Thành Nhạn

BMW CE04 - xe điện phong cách viễn tưởng đang bán tại Việt Nam

Xe máy điện kỵ nước, không an toàn khi chạy khi trời mưa hoặc đường ngập?

Một trong những lo ngại thường thấy của người tiêu dùng là xe máy điện sẽ không an toàn khi chạy dưới trời mưa hoặc khi đường ngập. Xe điện sử dụng nhiều thành phần điện, điện tử, về mặt lý thuyết tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy điện khi tiếp xúc với nước.

Tuy nhiên trên thực tế, các mẫu xe máy điện có thương hiệu, được cấp phép sản xuất, bán đến người tiêu dùng phải trải qua các bài thử nghiệm an toàn, trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Ngoài ra các xe được làm đúng chuẩn thường có nhiều lớp bảo vệ chống cháy, chống chập và chống nước thâm nhập.

Do đó trong một số trường hợp, các xe máy điện có khả năng kháng nước chuẩn IP67 hoặc IP68, giúp lội nước những nơi mà xe xăng không thể đi, trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến độ an toàn. Điều đó không có nghĩa có thể sử dụng xe điện để đi được ngập nước cao trong thời gian dài.

Xe điện có rủi ro cháy nổ pin cao hơn xe xăng, do đó xe điện kém an toàn so với xe xăng?

Nghiên cứu vào giữa 2023 do Cơ quan Dự phòng dân sự Thụy Điển thực hiện cho thấy xe điện có nguy cơ cháy thấp hơn 20 lần so với xe chạy xăng/dầu, số vụ cháy xe điện chỉ chiếm 0,004% tổng số xe điện tại Thụy Điển, so sánh với cháy xe động cơ đốt trong chiếm 0,08% tổng số xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, ông Nguyên lưu ý rằng rủi ro cháy nổ của một chiếc xe điện cũng như xe xăng phụ thuộc nhiều vào chất lượng của chiếc xe đó, nhất là chất lượng pin. Do đó người dùng cần lưu ý lựa chọn những sản phẩm, nhất là cell pin, có nguồn gốc rõ ràng, có đăng kiểm chất lượng và từ những hãng có uy tín.

Ngoài ra, chỉ nên sạc pin theo đúng khuyến cáo nhà sản xuất, không nên sạc mà không có người trông và ở những ổ cắm điện không bảo đảm tiêu chuẩn.

Xe máy điện bất tiện hơn xe xăng do không đi được xa và mất thời gian sạc?

Xe máy điện có nhiều mức giá cho người tiêu dùng lựa chọn theo yêu cầu, thông thường giá càng cao quãng đường di chuyển càng xa và sức mạnh của xe được nâng cấp, vì pin và động cơ là những linh kiện giá cao nhất trên chiếc xe.

Có nhiều giải pháp cho vấn đề này, một số nhà sản xuất giới thiệu những dòng xe có pin với quãng đường vừa phải nhưng đi kèm dịch vụ đổi pin để giải quyết phần sạc, một số khác sử dụng pin dung lượng lớn nhưng tích hợp sạc nhanh, hoặc lắp đặt hệ thống trụ sạc nhanh cho người tiêu dùng. Đây là những cách thức giúp giải bài toán quãng đường di chuyển và thời gian sạc của xe điện, tăng sự thuận tiện cho khách hàng.

Các thắc mắc khác xung quanh vấn đề sạc nhanh trên xe máy điện

Theo ông Nguyên, sạc nhanh cho xe máy điện là một công nghệ tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cũng mang theo một số rủi ro. Công suất sạc pin được định nghĩa bởi lượng năng lượng được nạp vào pin trên một đơn vị thời gian, có đơn vị là kW. Tuy nhiên, để phân biệt tốc độ sạc nhanh hay chậm, ngoài công suất sạc chúng ta cần quan tâm tới cả dung lượng pin.

Do đó, có định nghĩa C-rate: 1C có nghĩa là pin được sạc đầy trong 1 tiếng, 5C có nghĩa là pin được sạc đầy trong 12 phút (60 phút/5). C-rate có thể được tính đơn giản bằng cách lấy công suất sạc chia cho dung lượng pin. Ví dụ công suất sạc là 1 kW, dung lượng pin là 3 kWh thì C-rate là C/3, tức 3 tiếng thì sạc đầy pin.

Tuy chưa có 1 định nghĩa toàn cầu, thông thường sạc nhanh được hiểu là tốc độ 1C trở lên, sạc chậm là 1C trở xuống, sạc siêu nhanh là từ 5C.

Đa phần sạc xe máy điện hiện có trên thị trường đều là sạc chậm. Để tăng tốc độ sạc, chúng ta hoàn toàn có thể tăng công suất sạc.

Trên thực tế, về mặt kỹ thuật không khó để tăng công suất sạc lên cao, ví dụ 3C (20 phút đầy pin), thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, đây là giải pháp tiềm ẩn nhiều vấn đề. Thứ nhất, sạc pin ở tốc độ cao sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ pin, đây là chi phí tiềm ẩn người dùng phải chịu nếu họ mua pin.

Thông thường các nhà sản xuất cell pin khuyến cáo chỉ nên sạc pin chậm với C-rate thấp để tối ưu tuổi thọ pin. Thứ hai, sạc pin là thời điểm nguy hiểm nhất của pin; sạc pin ở công suất cao khiến rủi ro cháy nổ cao hơn.

Cuối cùng, sạc ở công suất cao có thể khiến quá tải lưới điện tại điểm sạc, gây nên các rủi ro hỏa hoạn. Do đó, để bảo đảm an toàn, người dùng cần lựa chọn các trụ sạc đúng chuẩn, dùng đúng đầu cắm theo xe, không độ chế phần pin và sạc.

Quãng đường đi được của xe điện phụ thuộc chủ yếu vào dung lượng pin ở trên xe. Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể thiết kế các xe điện với dung lượng pin lớn để có quãng đường đi được như xe xăng, thậm chí hơn. Tuy nhiên việc này sẽ dẫn tới xe đắt, nặng và sạc lâu. Đây là lý do vì sao hầu hết các xe trên thị trường có quãng đường vừa phải để giải quyết phần nào các vấn đề này.

Để giải quyết triệt để, một số hãng đã ứng dụng giải pháp đổi pin tự động. Với giải pháp này, xe điện được đưa về cùng mặt bằng với xe xăng, không còn khái niệm quãng đường đi được, không còn phải chờ sạc, khách cũng không phải mua pin. Tuy nhiên với giải pháp này cần phải có nhiều điểm đổi để bảo đảm tiện lợi.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nỗi lo khi sử dụng xe máy điện