Những nhà giáo con liệt sĩ

29/07/2017 06:27

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, những nhà giáo là con liệt sĩ luôn nỗ lực học tập, giảng dạy để làm tốt sự nghiệp trồng người...



Cô giáo Vũ Thị Hường (Trường THCS Nguyễn Huệ, Cẩm Giàng) không ngừng tự học hỏi để thực hiện tốt nhiệm vụ


Tự hào về người cha

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, cô giáo Thái Thị Duy Liên ở Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương) đã mất cha. Cha cô hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị. Sau này lớn lên được mẹ kể lại sự hy sinh của cha, cô rất cảm phục, tôn thờ người. Cha cô vốn là giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội). Ông thuộc diện được ưu tiên nhưng vẫn cùng nhiều sinh viên hăng hái lên đường chiến đấu. "Cha tôi hy sinh là mất mát lớn nhưng ông luôn là niềm tự hào của gia đình. Xương máu của ông và các đồng đội đổ xuống để mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc", cô Liên tự hào nói.

Cha cô giáo Vũ Thị Hường (Trường THCS Nguyễn Huệ, Cẩm Giàng) cũng hy sinh khi cô mới gần 2 tuổi. Ở tuổi này, cô không thể nhớ được hình ảnh, sự chăm sóc của cha. Những lúc nhớ nhung, cô lại mang di ảnh của cha để xem. Cô Hường kể: "Một ngày cuối tháng 6.1981, trong chuyến đi công tác cùng đơn vị tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia), xe của cha tôi đã bị đạn pháo của quân Khmer Đỏ đánh trúng. Ông và một số đồng đội đã hy sinh. Năm 1987, gia đình tôi mới đưa được hài cốt của ông về an táng tại quê nhà". Hải Dương hiện có hơn 500 cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục là con liệt sĩ. Mặc dù gặp thiệt thòi hơn đồng nghiệp nhưng những nhà giáo luôn cảm thấy tự hào. Việc họ lựa chọn đi theo nghề giáo phần nào do ảnh hưởng từ tấm gương hy sinh của người cha.

Nhiều đóng góp

Hiện nay, các nhà giáo con liệt sĩ đang công tác ở những vị trí khác nhau, có người là lãnh đạo quản lý, còn phần lớn đang giảng dạy. Dù ở vị trí nào, họ cũng luôn nỗ lực hết mình vì thế hệ tương lai - điều mà các Anh hùng liệt sĩ hướng tới khi ngã xuống.

Giữ chức Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ được 13 năm, thầy giáo Trần Văn Khái tâm đắc nhất với việc đã động viên nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Nhiều em đã thành đạt và không quên công ơn của thầy. "Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cũng suýt phải bỏ học giữa chừng. Khi tôi được 5 tuổi, trước lúc vào chiến trường, cha tôi có dặn lại mẹ tôi dù khó khăn đến đâu cũng phải cho con học hành đến nơi đến chốn. Lời dạy của cha luôn là động lực giúp tôi phấn đấu vươn lên và không muốn bất kỳ em học sinh nào phải nghỉ học", thầy Khái tâm sự.

Thầy Khái luôn quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, phương pháp học tập cho học sinh. Thầy cũng chỉ đạo các nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học; quan tâm phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội trong học đường. Thầy Khái có nhiều giải pháp trong quản lý cán bộ, quy hoạch mạng lưới trường học các cấp; chỉ đạo việc đánh giá thi đua của ngành khách quan, coi trọng phát huy trí tuệ tập thể nhằm tạo động lực phấn đấu cho mỗi nhà trường, mỗi cán bộ, giáo viên. Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự phấn đấu của các nhà trường, nhiều năm nay huyện Tứ Kỳ có chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT liên tục đứng trong tốp đầu của tỉnh.

Làm công việc giảng dạy từ năm 1992 đến nay, cô giáo Thái Thị Duy Liên luôn quan tâm giáo dục kỹ năng sống, uốn nắn từng con chữ, lời nói, hành động, tác phong, giáo dục truyền thống cho học sinh. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cô Liên chịu khó tìm tòi, học hỏi, cập nhật những phương pháp, kỹ năng dạy học mới. Say mê, trách nhiệm với công việc, năm nào cô Liên cũng đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cấp cơ sở và nhiều lần đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, thành phố. "Chúng tôi luôn sát sao đến từng em và phối hợp tốt với gia đình để kịp thời uốn nắn cũng như phát triển được năng lực, sở trường của học sinh. Đồng thời, nắm bắt tốt tâm lý, hoàn cảnh của mỗi em để có cách giáo dục phù hợp", cô Liên cho biết.

Năm 2014, cô Vũ Thị Hường chuyển về dạy học ở Trường THCS Nguyễn Huệ sau 14 năm gắn bó với Trường THCS Lương Điền ở cùng huyện. Ở ngôi trường mới, ngoài việc dạy đại trà, cô Hường còn được giao nhiệm vụ dạy đội tuyển môn địa lý để thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Cô Hường cho biết: "Lên trường mới, tôi gặp nhiều bỡ ngỡ và công việc áp lực hơn. Tôi được Ban giám hiệu và đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, bản thân không ngừng tự học hỏi nên nhanh chóng đáp ứng yêu cầu công việc. Trong mỗi tiết dạy, để giảm sự khô khan, tạo hứng thú cho học sinh, tôi thường sử dụng giáo án điện tử, tích hợp liên môn, video clip, tranh ảnh, mô hình và nhiều đồ dùng khác liên quan".

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Ngành giáo dục tỉnh đánh giá, các nhà giáo là con liệt sĩ đều có những đóng góp quan trọng vào xây dựng, phát triển ngành giáo dục tỉnh nhà. Họ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đạo đức, lối sống tốt ở cơ quan cũng như nơi cư trú. Những năm qua, hầu hết các nhà giáo đều phát huy tốt năng lực, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng ngày càng cao sự nghiệp đổi mới của ngành và đất nước.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Những nhà giáo con liệt sĩ