Với lòng nhiệt tình, tâm huyết, họ đã góp phần làm nhiều làng nghề "sống" lại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Họa sĩ Hạ Bá Định tâm huyết với gốm cổ truyền
Trong 10 người được Sở Công thương trình UBND tỉnh xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề tiểu, thủ công nghiệp" lần này, họa sĩ Hạ Bá Định là người lớn tuổi và có nhiều năm làm nghề nhất. Trong 54 năm làm nghề, ông đã lăn lộn nhiều lò gốm và nhà máy nổi tiếng như: lò gốm Lương Yên (Hà Nội), Nhà máy Sứ Hải Dương. Ngoài việc ghi nhớ được các mẫu gốm, hoa văn cổ, ông Định còn cùng các họa sĩ thiết kế sáng tạo ra hàng trăm kiểu dáng mẫu mã, hoa văn khác nhau, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát triển nghề gốm tại tỉnh ta. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xây dựng Công ty CP Gốm Chu Đậu (trước đây là Xí nghiệp Gốm Chu Đậu) để khôi phục nghề gốm ở đây nhưng không tìm được người trong xã giữ được bí quyết làm gốm cổ truyền. Sau khi tìm hiểu, họ đến gặp ông Định, mời ông làm cố vấn kỹ thuật. Lứa công nhân đầu tiên của Công ty CP Gốm Chu Đậu có 80 người. Do cơ sở sản xuất còn trong quá trình xây dựng nên ông Định phải dạy nhờ ở nhà văn hóa của thôn Chu Đậu. Ông Định cho biết: "Do công nhân của công ty đều có tuổi đời trẻ, chưa biết gì về gốm nên tôi phải dạy những kiến thức cơ bản nhất về chọn đất, pha đất, pha men, các hình vẽ, nung gốm... Sau 6 tháng, khóa học kết thúc, họ được tuyển dụng vào làm việc cho công ty và trở thành những công nhân lao động chính". Ông Định cùng với nhiều người khác khôi phục được gần 1.000 mẫu gốm cổ đã thất truyền trước đây. Ngoài sản phẩm được tiêu thụ trong nước thì các sản phẩm của Công ty CP Gốm Chu Đậu còn được xuất sang các nước Nga, Nhật, Tây Ban Nha, Đức, Pháp... Ông còn xây dựng một xưởng nhỏ ngay tại gia đình và một xưởng nhỏ tại thôn Chu Đậu để... thoải mái sáng tác.
Là người phụ nữ duy nhất trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề tiểu, thủ công nghiệp" đợt này, bà Nguyễn Thị Viến ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng có nhiều đóng góp trong việc phát triển nghề thêu của địa phương. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nghề thêu ở Hưng Đạo rất khó khăn do không có thị trường tiêu thụ. Các HTX thêu, ren phải giải thể. Trước tình hình đó, bà Viến đã mạnh dạn đứng lên tập hợp 15 chị em thân thiết có tay nghề cao để tiếp tục duy trì nghề thêu của địa phương. Để có hàng cho chị em làm, bà Viến lặn lội đến Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, trực tiếp vào các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặt vấn đề gia công sản phẩm cho họ. Bà Viến cho biết, lúc khó khăn, bà đã làm cả việc đính hạt cườm trên túi xách, thêu áo ki-mô-nô của Nhật, han-búc của Hàn Quốc, gia công may cho các công ty... Tuy nhiên, sản phẩm chính của cơ sở vẫn là tranh thêu tay. Thời kỳ cao điểm nhất cách đây chục năm, bà có gần 400 lao động và 50 nhóm gia công tại nhà, mỗi năm xuất khoảng 30 nghìn sản phẩm sang Nhật Bản, Trung Quốc... Trong quá trình làm nghề, bà đã sáng tạo được 25 mẫu tranh thêu và 60 mẫu túi thêu, trong đó có một số bức tranh được nhiều người yêu thích như sen cạn, tùng, hạc, hoa hồng, đồng quê...
Bà Nguyễn Thị Viến (người đeo kính) vẫn miệt mài dạy thêu tay cho lớp trẻ
Sinh năm 1943, ông Vũ Văn Nhượng ở thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) có công lớn trong việc khôi phục nghề mộc cổ truyền tại địa phương. Ông Nhượng cho biết, trước năm 1970, nghề mộc ở Đông Giao gần như tàn, thôn chỉ còn ông và một vài người làm nghề, nhưng quy mô nhỏ, chỉ là làm cửa nhà, bàn ghế, tủ chè, sửa chữa nhỏ. Với trăn trở không để nghề truyền thống mai một, ông tìm tòi, nghiên cứu nhu cầu của người dân để mở rộng thị trường. Qua tìm kiếm, ông biết nhu cầu làm các loại đồ thờ như câu đối, giường thờ, tủ thờ... đang thịnh hành nên ông chuyển sang làm các loại đồ này. Ngoài việc làm những mẫu truyền thống, ông còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mới. Do đó, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Họ không chỉ đặt ông làm đồ thờ mà còn làm nhiều đồ dùng khác như bàn ghế, giường, tủ, các con giống... Năm 2003, ông Nhượng thành lập Công ty TNHH Hoàng Anh. Hiện nay, công ty của ông đang làm hơn 1.000 mẫu sản phẩm, tạo việc làm cho 400 lao động với mức thu nhập từ 2,8 - 15 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng xuất từ 4 tỷ đồng tiền hàng trở lên sang Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Xinh-ga-po... Trong 36 năm làm nghề, ông Nhượng đã sáng tạo được 16 mẫu sản phẩm, góp phần đa dạng hóa thị trường đồ gỗ Đông Giao.
Đây là năm đầu tiên tỉnh ta xét tặng "Nghệ nhân làng nghề tiểu, thủ công nghiệp". Những người được lựa chọn là những người có nhiều đóng góp trong việc khôi phục và phát triển các nghề truyền thống đã bị thất truyền, đưa sản phẩm hàng hóa làng nghề đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sở Công thương qua xem xét đã đề nghị UBND tỉnh phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề tiểu, thủ công nghiệp" cho 10 người. Đây là một việc làm có ý nghĩa tích cực, vừa ghi nhận những đóng góp của những người luôn trăn trở với nghề truyền thống, vừa góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc. Nó không chỉ là nguồn động viên với những người đã có thời gian dài gắn bó với nghề cổ truyền mà còn giáo dục thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.
Tỉnh ta hiện có 61 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề tiểu, thủ công nghiệp", tạo việc làm cho hơn 35 nghìn lao động, giá trị sản xuất năm 2012 đạt 2.500 tỷ đồng. Để có được kết quả đó, phải kể đến những người có công khôi phục và phát triển nghề truyền thống.
|
THANH HÀ