Việc trả nghĩa các liệt sĩ là trách nhiệm của chúng tôi, những người may mắn trở về.
Một buổi sáng mùa hè yên tĩnh. Yên tĩnh đến lạ lùng. Chợt có tiễng gõ cửa. Rất khẽ và ngắn. Dường như nó ngập ngừng, đắn đo. Ai nhỉ? Tôi ngước nhìn đồng hồ. Mới có hơn bảy giờ. Dẫu ngạc nhiên, tôi vẫn phải đứng dậy ra mở cửa. Trước mặt tôi là một người đàn bà chừng ngoài sáu chục tuổi. Trông chị còn khỏe mạnh, gương mặt hơi thô, sạm nắng. Bộ quần áo chị mặc nhàu nhĩ, hai vai đẫm mồ hôi. Hẳn người đàn bà này vừa vượt qua một chặng đường rất dài. Chị nhìn tôi bằng đôi mắt nửa lo âu, nửa hy vọng. "Chào ông. Đây có phải nhà ông Hoàng không ạ?". Người đàn bà cất tiếng hỏi. Giọng chị nghe là lạ. Như đồng bào dân tộc nói tiếng Kinh chưa sõi. Ngập ngừng và đứt đoạn. Hình như chị khá vất vả chọn từ ngữ. Tôi mau mắn trả lời: "Vâng, tôi là Hoàng đây. Mời chị vào". Người đàn bà nói như reo: "Ồ, may quá. Tôi là Vàng Thị Mua, em gái anh Vàng A Vĩnh".
Vĩnh là ai nhỉ? Hiện tôi cũng có một hai người bạn tên Vĩnh, nhưng không ai có em gái cả. Để che sự lúng túng của mình, tôi đẩy chén nước đến trước mặt Mua: "Mời chị xơi nước. Chị cần gặp tôi có chuyện gì vậy?". Mua nâng chén nước trên tay, không uống ngay. Chị đưa đôi mắt lướt quanh cái phòng khách chật chội nhà tôi. Mắt chị dừng lại rất lâu vào một tấm ảnh. Tấm ảnh này do một phóng viên chiến trường chụp vào cuối năm 1972, tại chiến khu C. Ngày hòa bình, tình cờ tôi thấy nó được treo ở phòng truyền thống sư đoàn. Tôi chụp lại và phóng to làm kỷ niệm. Những người trong ảnh là một phần cán bộ, chiến sĩ Đại đội 12, do tôi là Đại đội trưởng. Giờ thì người đã hy sinh, người thì mang đầy thương tật. Số lành lặn nguyên vẹn hơi ít, trong đó có tôi. Mua đặt vội chén nước xuống, bước đến gần tấm ảnh. Rồi chị chỉ vào một người: "Tôi là em của người này". Tôi hiểu và nhớ ra. Thì ra đây là "Vinh ngã", xạ thủ B40. Vĩnh đã hy sinh trong một trận chống lấn chiếm của địch tại chiến khu. Những người lính trong chiến trường rất lạ, nhiều khi nhớ cái tên do đồng đội đặt cho còn hơn tên thật. "Xin lỗi chị, do đột ngột quá nên chưa kịp nghĩ ra. Hồi ở với nhau, chúng tôi gọi cậu ấy là Vinh ngã". Vì sao lại thế? Vĩnh sinh ra và lớn lên ở rừng núi, người dân tộc Tày, quen vượt núi trèo đèo hơn lội sình lầy lau lách. Mỗi bước đi, mỗi lần ngã. Cái tên này do cậu Tùy, dân phố thị, lém lỉnh và tài hoa đặt cho. Tùy giải thích: "Đây là cách chơi chữ của người xưa. Vinh ngã Vĩnh, cũng là Vinh hay ngã". Phải mất một thời gian Vĩnh mới quen với đồng nước sình lầy. Tiếng Mua kéo tôi trở lại với thực tế và chuyển ngôi thứ: "Anh thứ lỗi, cuối năm 1974, gia đình em nhận được giấy báo tử của anh Vĩnh. Trên giấy ghi: Hy sinh tại mặt trận phía nam". Mặt trận phía nam nghĩa là toàn miền Nam. Rộng lớn quá, biết chỗ nào mà tìm. Mấy chục năm rồi, gia đình em vẫn chưa tìm thấy. Năm nay, mẹ em đã gần 90 tuổi. Nguyện ước cuối cùng của bà là được nhìn lần cuối di cốt của đứa con trai, rồi mới yên tâm nhắm mắt. Gần đây, qua tìm dò mới biết anh là Đại đội trưởng của anh Vĩnh. Gia đình em rất hy vọng". Mua nói thật chậm, thật rõ ràng. Tôi giật mình. Ngày Vĩnh hy sinh cùng sáu chiến sĩ, sau khi chôn cất, chính tay tôi đục bia và vẽ sơ đồ mộ chí cẩn thận, rồi gửi về Ban chính sách trung đoàn. Sao lại thất lạc được nhỉ? Mãi sau này, trong quá trình đi tìm, tôi mới biết cuối năm 1974, Ban chỉ huy trung đoàn trúng pháo kích, giấy tờ bị cháy gần hết.
Từ ngày cởi áo lính, mải lo toan miếng cơm manh áo, tôi đã quên những ngày tháng ở rừng cùng bao gian nan cũng như cái chết luôn rình rập. Lúc nghỉ làm việc, chúng tôi mới tìm lại nhau. Tôi nhấc điện thoại gọi cho Quân và vài người cùng đơn vị cũ. Tất cả đều sẵn sàng đi cùng tôi trở lại chiến trường xưa tìm Vĩnh. Người cuối cùng tôi báo tin là Tùy. Khác với mọi người, Tùy không vồ vập hỏi han. Hắn bảo: "Dạo này em bận quá, công việc ngập đầu ngập cổ. Nói vậy thôi, các anh chị cứ vào. Giúp được gì em xin cố gắng". Tôi hẫng hụt. Đành rằng hắn bận thật. Công ty hắn mới cổ phần hóa năm ngoái. Mọi chức vụ quan trọng trong công ty hắn nắm cả. Nhưng làm gì hắn không dứt được ra vài ngày để đi tìm hài cốt người bạn đã cứu hắn tới hai lần. Cái ống nghe ngưng giữa khoảng không. Cho đến khi nó kêu tút tút tôi mới giật mình đặt xuống. Có lẽ Tùy đã ngắt máy ngay khi dứt câu. Thật ra tôi cũng không cần đến sự giúp sức của mọi người. Và cả Tùy nữa. Tôi còn khỏe, trí nhớ còn tốt, còn nhớ được những điều cần nhớ. Chỉ lo mấy chục năm rồi địa hình địa vật thay đổi. Tôi quyết định chọn Quân. Vào trong kia nhập thêm Tùy nữa là gọn nhẹ. Những ngày hành quân vượt Trường Sơn vào Nam như cuốn phim vô hình hiện lên trong ký ức tôi. Vốn dĩ là một chàng trai dân tộc, khỏe mạnh, Vĩnh như con hổ được thả về rừng. Thông thạo và tháo vát. Vĩnh mang vác cho đồng đội nhiều khi còn hơn cả quân trang quân dụng của chính mình. Khi thì thêm mấy cái ba lô nặng trĩu, lúc thì thêm vài khẩu AK. Vĩnh thương Tùy nhất, vì dáng vẻ thư sinh ẻo lả. Tùy ăn nhiều ngủ nhiều mà lúc nào cũng như đói ăn đói ngủ. Có lần Tùy kể: "Đêm qua em nằm mơ được mẹ cho một cặp bánh dày với miếng chả quế vừa to vừa thơm. Tỉnh dậy cứ ngỡ mùi chả quế còn vương vất quanh đây. Tiếc quá". Chả quế là gì? Chúng tôi chưa hề nghe tới. Nghe Tùy mô tả, đứa nào đứa nấy nuốt nước miếng. Một bận nghỉ tại binh trạm vài ngày, Tùy xin tôi cho vào rừng kiếm chút gì cải thiện. Đến chiều tối không thấy Tùy về. Tôi vô cùng lo lắng. Có người bảo: "Chắc gian khổ, hy sinh nhiều quá nên nó tụt tạt thôi". Vĩnh lại cam đoan: "Tùy bị lạc rừng". Tôi hiểu lạc rừng là cực kỳ nguy hiểm. Hoặc chết đói, hoặc bị thú dữ tấn công. Vĩnh xin đi tìm ngay trong đêm. Một ngày tiếp theo không tin tức. Đến trưa ngày thứ ba, Vĩnh trở về vác theo cái thân hình tả tơi như dải khoai nướng của Tùy. Đúng như Vĩnh nói, Tùy mải đuổi theo con mồi nên bị lạc.
Mùa khô năm 1973, một mùa khô đầy biến động. Chiến khu không còn là nơi bất khả xâm phạm nữa. Từng mảng rừng bị pháo tầm xa, máy bay địch phá trụi. Hố bom chồng lên hố bom. Ban ngày các loại máy bay vè vè trên đầu. Ban đêm pháo sáng rực trời. Ngày nào quân đội Sài Gòn cũng nống ra lấn chiếm. Thiên nhiên dường như cũng khắc nghiệt hơn. Rất nhiều chiến sĩ bị sốt rét. Nó tràn lan như một bệnh dịch. Rét đùng đùng trên võng, trên sạp. Bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Cơ thể nóng như lò lửa, mắt lờ đờ, da tím tái. Từng cơn sốt thoắt đến thoắt đi. Có đợt gần chục chiến binh nằm bẹp. Tuy vậy không ai chịu lui về tuyến sau. Tùy nói vui: "Ăn của rừng, ở trên đất của rừng thì phải nộp thuế rừng. Chỉ có điều thuế rừng cao quá. Bằng cả một thời thanh xuân".
Đầu năm 1974, một tiểu đoàn quân đội Sài Gòn đánh lấn ra vùng chiến khu. Kẻ địch ỷ vào máy bay, pháo tầm xa, xe tăng, thiết giáp tấn công ào ạt. Súng nổ ran. Khói bụi mù mịt. Những cơn bão lửa của hai bên dội sang nhau. Chớp đạn liên hồi. Không gian như sôi lên. Tiếng nổ B40 của nhóm Tùy, Vĩnh, Quân, chính xác và hiệu quả. Sau nửa giờ giao tranh đầy quyết liệt và căng thẳng, chúng tôi đánh bật được kẻ địch. Hai chiếc xe tăng bị bắn cháy. Xác kẻ thù nằm rải rác trước mặt. Phía đại đội cũng hy sinh sáu người. Kẻ địch lùi ra ngoài lộ, gọi pháo bắn tới. Pháo tầm xa tầm gần, cả pháo cối 62, tới tấp như giã gạo vào trận địa chúng tôi. Mặt đất rung lên, chao đảo như đang bị một cơn địa chấn. Bất ngờ một quả pháo cối của địch rơi ngay trước mặt tổ B40. Chẳng hiểu nguyên nhân gì mà quả cối không nổ ngay. Nó xè xè quay tròn. Trong khoảnh khắc cả nhóm Tùy đối diện với thần chết, Vĩnh hét lên: "Nằm xuống". Nhưng chính Vĩnh lại lao ra, đè lên quả đạn. Đạn nổ...
Đúng hẹn, Tùy tiếp tôi, Quân và chị Mua trong phòng khách của công ty do Tùy quản lý. Phòng khách sang trọng và rộng lớn. Cô lễ tân chắc được thông báo từ trước nên chúng tôi vừa ngồi xuống đã nhẹ nhàng đặt lên bàn nào đồ ăn nhẹ, nào đồ uống. Tùy như một ông chủ hào phóng và lịch thiệp: "Mọi chuyện nói sau. Muốn gì cũng phải no cái bụng đã. Có phải vậy không anh Hoàng?". Tôi cười. Suốt mấy ngày qua, ba anh em tôi theo tàu Bắc Nam, ăn ngủ thất thường. Mắt ai cũng thâm quầng. Người lúc nào cũng như bay lơ lửng. Thì ra ở cái tuổi bảy mươi đâu còn sung sức như xưa. May mà Quân còn khá khỏe. Mua lúc nào cũng tỏ ra áy náy. Chị nói rằng vì công việc của gia đình mình mà hai lão già phải rời bỏ chăn êm nệm ấm để cơm bờ nằm bụi. Tôi động viên chị: "Ăn thua gì với những ngày lửa khói". Và vẽ ra cho chị thấy bây giờ được thế này là quá sung sướng. Chị cười tủm tỉm. Trong lúc tiếp chúng tôi, Tùy luôn ngừng lại vì phải chỉ đạo nhân viên dưới quyền. Bữa ăn có vẻ kém hào hứng. Có những khoảng lặng không rõ nghĩa. Xong bữa, Tùy nói giọng đầy vẻ tiếc nuối: "Anh Hoàng và mọi người hiểu cho. Em không thể dứt công việc ra được. Thanh tra đang kiểm tra việc cổ phần hóa. Xin hẹn cơ hội khác, em sẽ về tạ tội với Vĩnh - người đã cứu sống em đến hai lần. Giờ có chút tiền gọi là tấm lòng, gửi mọi người làm lộ phí". Nói rồi Tùy ấn vào tay tôi một cục tiền khá lớn bọc trong tờ báo cũ. Tôi đưa mắt nhìn Quân, nhìn Mua như dò hỏi. Muốn nói gì thì nói, đồng tiền lúc này thật cần thiết. Dự kiến chuyến đi khoảng một tuần, nhưng ai biết được những khó khăn nào đang chờ trước mắt. Có thể kéo dài nửa tháng hoặc hơn nữa. Có tiền sẽ giúp chúng tôi giải quyết được rất nhiều việc. Ít ra sau này cũng đỡ đần được gia đình Vĩnh. Lúc ở ngoài Bắc, người thì không đủ sức, người thì không được đi, đều quyên góp ủng hộ kinh phí cho chuyến đi này. Vậy thì tại sao Tùy ủng hộ mà tôi lại không nhận? Tôi chưa kịp cất lời, tiếng Quân nói đầy hờn giận: "Tiền thì chúng tao có đủ sang đến tận nước Mỹ cơ. Cảm ơn mày. Thôi, bọn tao đi". Tùy nói như van nài: "Anh Hoàng, mong anh và mọi người nhận cho, để lòng em đỡ tủi". Tùy còn nói thêm nữa. Hình như là những kỷ niệm thời sống cùng nhau. Hình như có cả sự dằn vặt. Đột ngột Tùy bật khóc. Nước mắt giàn giụa. Tôi thấy xốn xang. Có một cái gì đó đang khuấy động trong lòng Tùy. Tôi cảm ơn Tùy và nhận tiền, trước vẻ mặt không đồng ý của Quân.
Cuộc tìm kiếm mộ chí của Vĩnh cùng đồng đội thuận lợi và nhanh chóng đến không ngờ. Nơi đây đã thành khu di tích lịch sử. Đường sá mở mang rộng khắp. Ông trưởng phòng chính sách bảo: "Hơn chục năm trước, một đơn vị thi công mở đường, phát hiện ra bảy ngôi mộ, những tấm bia bằng vỏ thùng lương khô đã mục nát, không đọc được. Tuy vậy, chúng tôi xác định đây là các liệt sĩ đã hy sinh trong chống Mỹ, cứu nước, nên cho chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Giờ các đồng chí biết được cụ thể tên họ thì quý quá". Chị Mua mừng rơi nước mắt: "Biết được tin này chắc chắn mẹ em sẽ khỏe ra. Cảm ơn các anh, cảm ơn địa phương nhiều lắm! Việc di chuyển hài cốt anh Vĩnh về quê, gia đình em lo được". Tôi nói với chị: "Việc trả nghĩa các liệt sĩ là trách nhiệm của chúng tôi, những người may mắn trở về".
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN