Những người thợ sáng tạo

19/11/2014 05:23

Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp, những công nhân đã không ngừng tìm tòi, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong sản xuất...



7 năm qua, năm nào anh Phạm Anh Tuấn cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho doanh nghiệp


Họ là những công nhân, lao động trực tiếp tham gia sản xuất. Bằng khả năng sáng tạo và tình yêu nghề họ đã có những sáng kiến mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho đồng nghiệp.

"Cây sáng kiến"

Nhìn dáng vẻ thư sinh, hiền lành của công nhân Phạm Anh Tuấn, Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc, ít ai nghĩ rằng anh chính là "cây sáng kiến" của đơn vị. Anh Tuấn sinh năm 1981, quê ở thành phố cảng Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp và tự động hóa Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, anh  làm việc cho Nhà máy Sản xuất gạch Đồng Tâm khu vực miền Trung được khoảng 3 năm thì chuyển về Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc ở Cẩm Giàng. 7 năm qua năm nào anh cũng có sáng kiến cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất cho công ty. Anh Tuấn cho biết: "Đến giờ tôi cũng không thể nhớ hết là đã có bao nhiêu sáng kiến được áp dụng. Trong quá trình làm cứ thấy cái gì vướng mắc là tôi lại trăn trở tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều sáng kiến tôi không ghi lại hoặc chỉ hướng dẫn cho đồng nghiệp đứng tên".

Trong số những sáng kiến của anh Tuấn, ấn tượng nhất có lẽ là chiếc máy kéo sỏi. Nhìn vào hệ thống này có vẻ rất đơn giản, chỉ gồm một chiếc xe goòng được gắn vào khung sắt có dây kéo tự động để kéo sỏi từ dưới hố sâu 2,5 m lên mặt đất. Trước đây, khi chưa có hệ thống này, công ty phải bố trí ít nhất 4 người để chuyển sỏi lên mặt hố. Công việc này cũng chỉ làm được khi dây chuyền vận chuyển cát xuống sàng ngừng hoạt động. Với chiếc máy kéo sỏi của anh Tuấn, chỉ cần 1 người có thể dọn sỏi thường xuyên, kể cả khi băng chuyền sàng cát đang hoạt động. Thời gian để vận chuyển sỏi lên cũng được rút ngắn xuống còn 1/4 trước đây. Một sáng kiến nữa của anh Tuấn cũng được áp dụng mang lại hiệu quả cao là thiết bị hỗn hợp chống dính khuôn ngói lợp. Trong sản xuất ngói, công ty phải sử dụng hỗn hợp dầu DO và mỡ lợn. Việc trộn các hỗn hợp này trước đây phải làm thủ công nên chất lượng thấp. Anh Tuấn đã mày mò chế tạo ra hệ thống máy hâm và khuấy hỗn hợp chống dính tự động, có thể kiểm soát được nhiệt độ ra. Máy đã giúp giảm tỷ lệ ngói bị vỡ và khuyết tật từ mức 3-5% xuống còn khoảng 0,3%. Hiện nay, mỗi ngày Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc sản xuất khoảng 25-30 nghìn viên ngói. Nếu đem các số liệu trên so sánh với nhau ta có thể thấy giá trị làm lợi rất lớn do hệ thống máy hâm và khuấy hỗn hợp chống dính của anh Tuấn mang lại.

Dám bứt phá

Đó là cách mà anh công nhân trẻ Phạm Văn Công (sinh năm 1986) làm việc ở Công ty TNHH Fuji Việt Nam (Đại Đồng, Tứ Kỳ) đã thể hiện. Hệ thống máy móc công ty đang sử dụng đều do Nhật Bản sản xuất, có tính năng khá hiện đại và hoàn thiện. Tuy nhiên, bằng tài quan sát của người công nhân thường xuyên phải lao động trực tiếp, anh Công đã nhận ra hệ thống băng chuyền vận chuyển ngói thành phẩm chưa thật sự hợp lý. Mỗi khi đưa ngói ra phải mất một nhân công xếp thành gỗ bên cạnh và mỗi hàng ngói trên băng chuyền cũng chỉ xếp được 4 viên. Khi sơn ngói, lượng sơn văng khỏi băng chuyền rất lớn, vừa lãng phí sơn vừa tốn nhân công vệ sinh sau giờ nghỉ.



Các sáng kiến của anh Phạm Văn Công đã làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm


Vốn có kiến thức về chuyên ngành hàn, anh Công đã chủ động mày mò làm thí nghiệm ý tưởng của mình rồi mạnh dạn đề nghị lãnh đạo công ty cải tiến. Theo đó, anh cho hàn cố định các hộp sắt hình chữ U vào băng chuyền để thay thế cho việc đặt thành gỗ như trước đây, đồng thời chế tạo khay phủ ni-lông để hứng lượng sơn văng ra. Kết quả, băng chuyền vẫn hoạt động bình thường, không chỉ cắt giảm được 1 nhân công đặt thành gỗ mà còn nâng số ngói xếp theo hàng trên băng chuyền lên 5 viên. Nhờ có khay hứng nên sau mỗi ca sản xuất, công ty cũng thu về được khoảng 15 kg sơn để tái sử dụng mà không mất nhân công làm vệ sinh. Anh Công cũng là người đã nghĩ ra cách xếp ngói thành phẩm cố định theo khuôn mà không cần dây buộc, giúp công ty vừa tiết kiệm nguyên liệu vừa có thể tiết giảm một nhân công xếp ngói. Những sáng kiến của anh Công đã làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sáng kiến nhỏ, giá trị lớn

Mấy năm nay, công nhân trong các chuyền may của Công ty TNHH May Đồng Tâm (TP Hải Dương) đã quen thuộc với những chiếc gá nhựa giúp việc may các chi tiết của quần áo được nhanh hơn, đẹp hơn. Tuy là một chi tiết rất nhỏ được áp dụng trong sản xuất nhưng đã làm lợi cho công ty khoảng 100 triệu đồng và giúp các công nhân may tăng tiền lương, tiền thưởng. Người làm nên giá trị đó chính là anh Nguyễn Thế Quang, công nhân tổ kỹ thuật của công ty. Anh Quang thấy việc may mẫu trên phòng kỹ thuật cũng như hoạt động sản xuất tại các chuyền may có nhiều chi tiết như nẹp áo, túi, khóa... đều phải làm thủ công rất mất thời gian và tốn nhân công. Những công nhân làm công đoạn trước chưa xong, công nhân ở giai đoạn sau lại phải ngồi chờ. Hậu quả là nhiều khi do đơn đặt hàng lớn, công nhân không làm kịp lại phải làm thêm vào ngày nghỉ, thậm chí tăng ca vào ban đêm. Sau khi quan sát công nhân may làm việc anh đã nảy ra ý tưởng áp dụng những chiếc gá vào quy trình sản xuất. Điều mà anh tâm đắc nhất là nhờ những chiếc gá, anh chị em công nhân may không phải làm thêm giờ nhiều mà thu nhập vẫn bảo đảm, chất lượng hàng hóa được nâng lên đáng kể. Các sản phẩm sử dụng gá có độ đồng đều và đẹp hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhờ tiến độ sản xuất được đẩy nhanh đã giúp công ty hoàn thành nhiều đơn đặt hàng đúng tiến độ, tránh được thiệt hại có thể xảy ra. Sáng kiến này của anh Quang có thể áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất may gia công.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người thợ sáng tạo