Bìa tiểu thuyết “Mùa gấc chín” của nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa
Trải dài suốt những năm giữa thập niên 60 thế kỷ 20, đến những năm gần đây, với hàng chục nhân vật, phần đông là thanh niên, nhà văn đã dựng lại cả một giai đoạn ở hậu phương lớn miền Bắc sẵn sàng “chia lửa” với tiền tuyến lớn miền Nam, thông qua những con người không chỉ bằng tên tuổi, địa chỉ mà còn bằng cả số phận, tính cách và hành động theo lý tưởng sáng láng do chính họ tự chọn.
Tiểu thuyết trải dài suốt mấy chục năm với bao chuyện nhân tình thế thái, nhưng tác giả biết cách sâu chuỗi các sự kiện, nhân vật theo những ngả riêng, để cuối cùng hòa về một hướng chính, đó là tình cảm chân thành, thắm thiết của những người cùng quê hương, xứ sở, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể rời xa nhau. Vẫn là lối viết tiểu thuyết truyền thống chương hồi, nhưng trong “Mùa gấc chín”, Đỗ Thị Hiền Hòa đã cố gắng thu hút người đọc qua việc đặt cho mỗi chương một tên riêng với chủ đề tư tưởng khá rõ; chẳng hạn, chương 1: “Tuổi trẻ ở quê hương” hay chương 25 (chương cuối) cũng là tên sách: “Mùa gấc chín”. Kết cấu tiểu thuyết theo cách này người đọc ít phải “động não”, đọc dễ hiểu, và cũng không mất nhiều thì giờ mường tượng, lần theo “dấu chân” nhân vật. Bởi những gì liên quan đến tính cách, hành động và sự kiện mà nhân vật chứng kiến, trực tiếp hay gián tiếp, đều được nhà văn dẫn dắt khá mạch lạc. Không những thế, tiểu thuyết lại được viết theo lối tự sự, chân thực, những suy nghĩ và hành động của nhân vật diễn ra tuần tự, lớp nang nên đôi khi có cảm giác những nhân vật ấy có thực ở ngoài đời.
Tiểu thuyết mang đầy hơi thở cuộc sống đời thường, từ cách sống hồn nhiên, vô tư của một cô gái nông thôn trên vành tai không mấy khi không dắt bông hoa, lúc là hoa mẫu đơn, lúc là hoa sim, không ai biết cô gái tên Nhỡ ấy dắt bông hoa để làm gì. Chỉ có Nhỡ mới biết mình dắt hoa là để “làm duyên với núi rừng”, vì cả làng nam thanh niên đã nhập ngũ hết, chỉ còn Thụy có sức khỏe, lại học giỏi, đi khám sức khỏe luôn loại A, nhưng hiềm nỗi hồi cải cách ruộng đất gia đình bị quy địa chủ, nên Thụy không được gọi nhập ngũ, và Thụy cũng không được “quan hệ” với ai ở làng xã. Nhưng oái oăm thay, hai con người ấy (Nhỡ và Thụy) lại thầm yêu trộm nhớ nhau. Rồi Thụy bằng mọi cách để được nhận vào bộ đội và đi gần như biệt tăm không có tin tức gì, đến khi thống nhất cũng không về và cũng không thư từ gì cả. Bà Lởi mẹ Thụy, sống vò võ một mình với một giàn gấc chỉ mỗi năm một lần ra quả chín đỏ, cùng một ước mơ chờ người con độc nhất khi nào về cưới vợ thì có gấc trẩy xuống nấu xôi mời mọi người chung ngày vui với mẹ con bà. Nhưng sau bao năm trông đợi giàn gấc mà không thấy con về. Trước khi qua đời, bà Lởi chỉ có một ước muốn nhờ chị Nhỡ trông nom giúp bà giàn gấc để chờ Thụy về. Thụy nhất định sẽ về, bà tin thế, Thụy về lấy vợ thì có gấc nấu xôi mời mọi người. Không biết có điều linh ứng không, nhưng quả niềm tin của bà cụ Lởi rằng con trai nhất định sẽ về, và về đúng mùa gấc chín đã thành sự thật. Sau bao năm đợi tháng chờ, cuối cùng con trai bà đã về tới nhà, nhưng người mẹ gần cả cuộc đời mỏi mòn chờ con đã không còn nữa. Chuyện viết cảm động, làm người đọc không chỉ xúc động về sự hy sinh của bà Lởi. Những năm người con duy nhất đi bộ đội bặt vô âm tín, ở nhà bà vẫn lặng lẽ vượt qua gian nan thử thách, dù Mỹ đánh phá ác liệt, bà vẫn cùng các bà mẹ chiến sĩ sớm hôm phục vụ bộ đội đánh máy bay Mỹ. Bên cạnh bà là chị Nhỡ. Dù giữa Nhỡ và Thụy là “mối tình câm”, nhưng sau khi Thụy lên đường cứu nước, Nhỡ ở nhà mặc nhiên như một nàng dâu hiếu thảo sớm hôm tận tụy công việc để mẹ Thụy bớt phần nhớ con. Và chính chị mỗi lần lai vãng nhà Thụy cũng cảm thấy như có Thụy lẩn quất đâu đây. Chuyện chân thực và đầy xúc động, làm người đọc như gặp lại một thời thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang” diễn ra thấm đẫm tình người trong các vùng nông thôn những năm đánh Mỹ.
Đỗ Thị Hiền Hòa là nhà văn thành công với những tác phẩm văn học viết về nông thôn. Trong tiểu thuyết mới “Mùa gấc chín”, một lần nữa người đọc lại gặp những con người sinh trưởng từ nông thôn, bình dị, chất phác, cần cù, gan góc, luôn có ý chí vươn lên trong thử thách. Đấy là những người như Hiền, Dũng, Lâm, Tâm, nhất là Hiền, một cô gái làng học hết cấp 3, đi y tá quân đội không nề hà bất cứ việc gì, kể cả khi tắm cho thương binh nặng bị nhiếc mắng thậm tệ vẫn nén lòng kỳ cọ cho anh sạch sẽ. Hay Thụy, một nhân vật ít xuất hiện nhưng để lại dư âm dai dẳng đi suốt tiểu thuyết, và cũng ở nhân vật này, nhà văn đã thành công trong việc ém nhẹm chi tiết, khi để cô y tá Hiền tắm cho anh thương binh có tên là Nam, nhưng hai người vẫn không nhận ra nhau là người làng. Vì Nam có phần mặc cảm với thương tật của mình, vì chỉ còn là một “hình người”, chứ tứ chi không còn cử động được nữa, nên anh tự mình “thay hình đổi dạng” để hễ gặp người quen không thể nhận ra. Chỉ đến khi ở chỗ viếng Đại tướng đi ra, Hiền gặp một người trên xe lăn có người đẩy hao hao giống người mình đã tắm cho ở viện quân y ngày nào, dừng lại hỏi, mới nhận ra nhau. Chuyện cảm động, để lại trong người đọc những tình tiết khá sống động, phong phú và gần gũi với đời thường. Chỉ tiếc người viết hơi ôm đồm, dàn trải. Giá như tác giả khai thác sâu vào một vài nhân vật với những tính cách sắc nét hơn nữa, thì chuyện không những gọn ghẽ mà nhân vật cũng góc cạnh, gân guốc, để lại ấn tượng trong người đọc nhiều hơn.
CAO NĂM