Làng Đan Loan, xã Nhân Quyền (Bình Giang) xưa kia là một trong những làng nghề nhuộm vải và tơ lụa nổi tiếng khắp xứ Đông.
Những thợ nhuộm ở làng Đan Loan, xã Nhân Quyền (Bình Giang) vẫn đau đáu giữ nghề truyền thống
Trước sự phát triển của kỹ thuật nhuộm, nghề nhuộm truyền thống nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một.
Khởi thủy làng nghề Làng Đan Loan trước đây có tên là làng Đọc. Tương truyền, vào thời xa xưa, khi dân làng Đọc đang canh tác trên đồng ruộng thì có một viên quan tên là Triệu Xương cùng phu nhân là Phương Dung công chúa đi ngang qua. Họ vãn cảnh thôn quê và chứng kiến sự chịu khó, tảo tần, hiếu học của người dân làng Đọc nên quyết định ngự tại làng rồi dạy cho nhân dân nghề nhuộm vải và tơ lụa. Kể từ đó, ngoài trồng lúa, trồng rau, người dân làng Đọc còn có thêm nghề nhuộm. Để tưởng nhớ công lao của vợ chồng viên quan, nhân dân trong làng suy tôn họ là Thành hoàng làng.
Ban đầu, chỉ có một số hộ làm nghề nhuộm sau đó lan rộng khắp vùng. Có một thời, người làng Đọc gánh đồ nghề đi nhuộm khắp các chợ trong và ngoài tỉnh. Với nguyên liệu chính từ củ nâu, người dân có thể nhuộm vải và tơ lụa thành hai màu nâu và đen. Thời Tiền Lê, thợ nhuộm của làng được vua Lê mời vào cung để nhuộm vải và tơ lụa, lọng, áo, mũ cho quan. Thấy sản phẩm nhuộm ra rất ưng ý nên nhà vua đặt tên làng Đọc thành Đan Loan nhằm ví người thợ nhuộm như con chim loan bay đi khắp mọi nơi để làm đẹp cho đời.
Đau đáu giữ nghềThời gian gần đây, cùng với sự phát triển của kỹ thuật nhuộm, các sản phẩm nhuộm của làng nghề Đan Loan bị cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, các nguyên liệu nhuộm như củ nâu cũng khan hiếm dần. Hiện nay, đa số nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm, thợ có tay nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, lớp thanh niên phần lớn đều làm ở các khu công nghiệp. Vì thế, việc duy trì nghề nhuộm ở làng Đan Loan rất khó khăn.
Mặc dù nghề nhuộm không còn thịnh hành như trước nhưng những thợ nhuộm ở làng Đan Loan vẫn đau đáu giữ nghề. Hiện tại, cả làng còn 5 người làm nghề nhuộm là các ông: Nguyễn Quang Lộc, Đào Đức Sửu, Vũ Văn Cường, Nguyễn Quốc Dụng và Nguyễn Quốc Văn. Ngoài nhuộm quần áo, các hộ còn nhận hấp áo da thuê. Những "đồ nghề" thiết yếu của thợ nhuộm chủ yếu là xoong quân dụng cỡ lớn và một đôi đũa cả để lật giở quần áo, vải trong quá trình nhuộm. Nhiều người cho biết mặc dù đơn giản nhưng nếu thay thế những vật dụng này bằng đồ khác thì chất lượng vải, quần áo nhuộm sẽ kém hơn.
Với quyết tâm không để nghề truyền thống nơi đây mai một, ông Lộc vừa cung ứng thuốc nhuộm cho một số hộ trong thôn, vừa trực tiếp nhận quần áo, vải về nhuộm. Ông Lộc cho biết: "Mặc dù thu nhập mang lại từ nghề không cao nhưng nếu bỏ nghề chúng tôi thấy có lỗi với tổ tiên, dòng họ. Sợ mai một nghề truyền thống, tôi cố gắng truyền dạy cho những ai có nhu cầu nhưng vẫn không có ai theo học. Lớp trẻ bây giờ đều muốn thoát ly để làm các công việc có thu nhập cao hơn. Các hộ khác vì không muốn bỏ nghề truyền thống đã tranh thủ làm vào lúc nông nhàn".
Hơn 20 năm bám trụ với nghề, ông Nguyễn Quốc Dụng vẫn chưa khi nào quên được những vất vả của thời kỳ cả dân làng Đan Loan gánh đồ nghề đi khắp nơi để nhuộm quần áo thuê. Ông cho biết: "Vì đau đáu giữ nghề nên mỗi ngày chỉ có một vài khách đến đặt nhuộm quần áo nhưng tôi vẫn làm. Chất lượng nhuộm có tốt hay không đòi hỏi thợ nhuộm phải kiểm soát được thời gian nhuộm và thực sự tâm huyết".
Trước đây, thợ nhuộm chủ yếu chọn những củ nâu nhẵn, đẹp, sau đó đem gọt bỏ, giã nát rồi lọc lấy nước. Cuối cùng, họ bỏ trực tiếp quần áo, vải vào nước cốt củ nâu và nhuộm trong khoảng từ 3-4 tiếng. Hiện nay thợ chủ yếu nhuộm bằng thuốc, hiếm thấy hộ nào còn giữ củ nâu để nhuộm. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Quốc Văn chia sẻ: "Nhuộm bằng củ nâu độ ngấu sẽ không bằng. Tuy nhiên, màu sắc củ nâu khi lên vải sẽ bền hơn thuốc nhuộm. Nếu muốn nhuộm màu đen chỉ cần ngâm với bùn hẩu thì vải sẽ chuyển sang màu đen ngay. Để bám trụ với nghề đòi hỏi chúng tôi phải nâng cao kỹ thuật, đặc biệt là lựa chọn đa dạng các màu sắc nhuộm đáp ứng thị hiếu của khách hàng". Ông Văn chủ yếu nhận nhuộm lại quần bò cũ, vải ố màu từ các chợ với số lượng từ 10-12 chiếc/tuần. Mỗi tháng, trừ chi phí mua thuốc nhuộm ông cũng chỉ lãi gần 2 triệu đồng. Nếu không làm thêm nghề khác thì không thể trang trải mọi sinh hoạt trong gia đình.
Theo ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền, ở làng Đan Loan hiện chỉ còn 5 hộ giữ nghề nhuộm, chủ yếu do khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ngày nay chưa ý thức được việc gìn giữ nghề truyền thống nên càng khiến nghề nhuộm lùi sâu vào quá khứ. Trước thực trạng trên, xã đã vận động, tuyên truyền người dân khắc phục khó khăn để giữ nghề truyền thống. Về lâu dài, xã mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp để khôi phục và bảo tồn nghề nhuộm.
ÁI LIÊN