Say mê nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trong tỉnh không chỉ kỳ công học hỏi, làm ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị mà còn tích cực truyền nghề cho thế hệ sau.
Chị Chu Thị Yến, công nhân Công ty CP Gốm Chu Đậu là một trong những nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp trẻ tuổi nhất
Đam mê và học hỏi
Sinh năm 1985, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng chị Chu Thị Yến, công nhân Công ty CP Gốm Chu Đậu đã được vinh danh là nghệ nhân nghề TTCN tỉnh Hải Dương năm 2018. Chị Yến cho biết: “Tôi bắt đầu vào học nghề ở công ty từ năm 19 tuổi. Lúc đó tôi còn bỡ ngỡ và non nớt, chưa biết một chút nào về nghề gốm. Nhưng nhờ sự dạy bảo tận tâm của thầy Hạ Bá Định, Nghệ nhân Ưu tú cũng là bậc thầy trong vẽ hoa văn gốm sứ nên tôi tiến bộ khá nhanh. Từ những nét vẽ vụng về ban đầu, dần dần tôi đã biết vẽ những hoa văn, họa tiết khó. Những kiến thức cơ bản thầy Định truyền dạy cùng với bản thân tự tìm tòi, học thêm từ những đồng nghiệp đã giúp tay nghề của tôi dần được nâng cao”. Hiện chị Yến có thể vẽ thành thục được tất cả những hoa văn, họa tiết khó mà lãnh đạo Công ty CP Gốm Chu Đậu yêu cầu. Chị đã được chuyển về làm ở bộ phận vẽ hoa văn bằng vàng. Đây là một trong những nơi tập trung nhiều người thợ có kinh nghiệm và tay nghề cao của đơn vị.
Ở Công ty CP Gốm Chu Đậu, chị Hoàng Thị Thạo cũng là một trong những người được vinh danh nghệ nhân nghề TTCN năm nay. "Để trở thành thợ giỏi trước hết phải yêu nghề, có đam mê với nghề mình đã chọn và đặc biệt phải luôn biết hoàn thiện bản thân, học hỏi mọi người”, chị Thạo nói.
Năm 2018, UBND tỉnh quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề TTCN cho 12 người. Những nghệ nhân được phong tặng đều có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) khẳng định: “Các nghệ nhân đều là những thợ giỏi, tiêu biểu của các làng nghề, được chính các địa phương đánh giá và đề xuất để tỉnh xem xét phong tặng”.
Làng nghề Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) có nhiều nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu
Sẵn sàng truyền nghề
Chứng kiến nghề thêu ren truyền thống của làng ngày càng mai một, bà Phạm Thị Luyên, nghệ nhân ở làng nghề thêu Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) khá lo lắng. Bà mong muốn được tiếp tục dạy nghề cho thế hệ sau đến khi nào đôi tay không thể cầm kim thêu thùa nữa. Bà Luyên cho biết: “Xuân Nẻo có rất nhiều nghệ nhân. Chúng tôi luôn sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai yêu thích nghề thêu này".
Để gìn giữ những "báu vật" sống, giúp làng nghề truyền thống phát triển, từ năm 2012, Sở Công thương đã tổ chức bình chọn nghệ nhân nghề TTCN tiêu biểu trong toàn tỉnh. Từ đó đến nay, số lượng các nghệ nhân được công nhận không ngừng tăng lên, với tổng số 47 nghệ nhân. Ông Phạm Đình Binh, đại diện HTX Mỹ nghệ kim hoàn truyền thống Châu Khê (Bình Giang) cho rằng đây là chương trình ý nghĩa, giúp động viên kịp thời những người thợ tâm huyết với nghề truyền thống. "Danh hiệu được phong tặng cũng giúp chúng tôi có thêm quyết tâm nuôi dưỡng và truyền nghề cho thế hệ sau", ông Binh nói.
Chương trình bình chọn nghệ nhân nghề TTCN tiêu biểu của tỉnh năm 2018 được Sở Công thương triển khai từ khá sớm. Qua nhiều lần đánh giá, chấm điểm, các nghệ nhân đã được UBND tỉnh quyết định phong tặng danh hiệu. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương khẳng định các nghệ nhân nghề TTCN được vinh danh có vai trò quan trọng trong việc truyền nghề và vực dậy các làng nghề truyền thống. Thời gian tới, các nghệ nhân cần tiếp tục phát huy vai trò "truyền lửa" của mình, giúp nhiều thợ trẻ nâng cao tay nghề. Các nghệ nhân cũng luôn phải là những người đi đầu nắm bắt tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.
HẢI MINH