Người dân sinh sống gần các "điểm đen" giao thông trên quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương đã thành lập các đội sơ cứu tự nguyện, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Các thành viên tại chốt sơ cấp cứu đang chuẩn bị những thiết bị cấp cứu khi có tai nạn xảy ra. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Những năm gần đây, mật độ các phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 5 tăng cao, nhiều tuyến đường ngang nối với quốc lộ này là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn được chốt giao thông hỗ trợ tại xã Cộng Hòa huyện Kim Thành. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Ông Đào Quang Xuyên, thành viên của đội sơ cứu tai nạn giao thông, ở xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành nhớ lại vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người vào năm 2019 tại khu vực đường ngang trên quốc lộ 5, đối diện UBND xã Cộng Hòa. Khi nhận được thông tin tai nạn lúc sáng sớm, ông và các thành viên đội sơ cứu ra ngay hiện trường.
Thấy người bị gãy chân, gãy tay, các thành viên lấy nẹp bó lại, sau đó gọi cho các y, bác sĩ đến hiện trường. Những trường hợp bị tai nạn nhưng có thể cõng được, đội đưa lên cáng hoặc trực tiếp cõng vào bệnh viện để cứu chữa".
Những năm trước, đội sơ cứu tai nạn giao thông trên quốc lộ 5 chủ yếu hoạt động tự phát, theo kinh nghiệm và bằng tình thương đối với người bị tai nạn. Chuyên môn và kiến thức chăm sóc y tế với người bị tai nạn còn hạn chế.
Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và được sự hỗ trợ của Đoàn y tế Tây Bắc Mỹ với dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu quốc lộ 5, thành lập 7 trạm và 5 điểm sơ cấp cứu trên toàn tuyến quốc lộ này qua địa bàn tỉnh Hải Dương.
Chương trình đã hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ y tế để các trạm, điểm sơ cấp cứu hoạt động; đồng thời tập huấn cho 100 tình nguyện viên dọc tuyến quốc lộ 5 và đào tạo cho 20 tình nguyện viên cấp tỉnh, 270 thanh niên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên tuyến đường các phương pháp và kỹ năng sơ cứu.
Năm 2002, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập thêm hai điểm chốt sơ cấp cứu tại huyện Kim Thành, nâng tổng số các điểm chốt sơ cấp cứu dọc tuyến đường quốc lộ 5 lên 14 điểm.
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hằng năm, mỗi chốt sơ cấp cứu đã sơ cấp cứu cho 165 người bị tai nạn giao thông của 70-80 vụ tai nạn trên quốc lộ.
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương cho biết trước đây, các thành viên tại các trạm, điểm sơ cấp cứu chưa được tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho 150-200 tình nguyện viên tại các trạm, điểm sơ cấp cứu.
Đến nay, hầu hết các tình nguyện viên này đều có chứng chỉ và bảo đảm về chuyên môn sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông.
Các thành viên của tổ sơ cấp cứu chủ yếu là người dân địa phương, cũng là thành viên của Hội Chữ thập đỏ của xã. Những thành viên này làm việc với tâm huyết và mong muốn chia sẻ những khó khăn với những nạn nhân không may bị tai nạn giao thông.
Theo TTXVN