Những người "chải chuốt" cho thành phố

01/10/2017 07:00

Tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đây lại là công việc thầm lặng, vất vả, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro.



Người chăm sóc, cắt tỉa cây xanh cần phải cẩn thận, kỹ thuật giỏi và hơn hết là sự yêu nghề


Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đang đảm nhiệm việc chăm sóc, quản lý toàn bộ hệ thống cây xanh trên các đường phố, dải phân cách, quảng trường, công viên, vườn hoa của thành phố. Tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đây lại là công việc thầm lặng, vất vả, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Nguy hiểm nhất có lẽ là công việc cắt tỉa, chặt hạ cành cây cổ thụ trên cao của Tổ Cây xanh (Xí nghiệp Công viên cây xanh). Việc đứng trong thùng xe nâng nhỏ hẹp, làm việc ở độ cao 12 - 15m rất vất vả. Những người sức khỏe không tốt, kỹ năng nghề nghiệp chưa thành thạo có thể còn gặp nguy hiểm, chưa kể những rủi ro luôn rình rập như cành cây rơi trúng người, mắc vào đường dây điện... “Ban đầu làm việc này tôi cũng thấy sợ nhưng giờ đã quen”, anh Vũ Văn Hoạt - người làm công việc này được hơn 2 năm chia sẻ. Mỗi lần làm việc trên cao, anh Hoạt luôn tự nhắc mình phải cẩn thận để không gặp phải tai nạn đáng tiếc.


Bộ phận làm công việc chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh trên các dải phân cách đường phố cũng thường đối mặt với nguy cơ tai nạn. Trên các tuyến đường, phương tiện di chuyển phức tạp, tốc độ nhanh, mật độ dày, họ vừa làm vừa phải nghe ngóng, đoán trước các tình huống để có phản xạ kịp thời. “Được trang bị tốt các kỹ năng nên chúng tôi tránh được nhiều vụ tai nạn giao thông khi đang làm việc”, chị  Phạm Thị Mai Hoa, Tổ trưởng Tổ Vườn hoa 4 (Xí nghiệp Công viên cây xanh) cho biết.


Công việc chăm sóc, cắt tỉa hệ thống cây xanh còn vất vả hơn khi công nhân thường xuyên làm việc dưới thời tiết nắng, mưa. Họ thường nói vui về nghề của mình cực nhọc chẳng khác người nông dân cả ngày chân lấm tay bùn ngoài đồng. “Những ngày trời nắng gắt, mồ hôi tuôn ra như tắm ướt đẫm cả quần áo. Còn ngày mưa bão, đang đêm cây đổ, chúng tôi cũng phải dậy đi làm để giải phóng kịp thời, bảo đảm giao thông thông suốt”, anh Hoạt cho biết thêm.




Nguy hiểm nhất là công việc cắt tỉa, chặt hạ cành cây cổ thụ trên cao


Dễ chạnh lòng nhất với những công nhân ở đây là vào dịp lễ, Tết. Khi mọi người tất bật chăm lo cho cái Tết đủ đầy cùng gia đình thì những người công nhân cắt tỉa cây lại phải tập trung cho việc trang hoàng thành phố, các vườn hoa, công viên... Những đêm giao thừa, một số bộ phận còn phải trực đến 2 - 3 giờ sáng để bảo vệ hệ thống cây xanh, dọn dẹp vệ sinh sau giờ bắn pháo hoa...


Chị Phạm Thị Ngọc có 15 năm công tác thì có tới cái 10 Tết chị không được đón giao thừa bên gia đình. Có những năm, chị phải để con nhỏ cho chồng trông nom, nhờ bố mẹ sửa soạn giúp mâm cơm cúng giao thừa. “Những lúc đó, tôi cũng thoáng chút chạnh lòng. Nhưng nhìn những nụ cười, khuôn mặt bé thơ của các cháu theo bố mẹ đi xem bắn pháo hoa, lòng tôi như ấm lại. Công việc của chúng tôi là phục vụ người dân”, chị Ngọc nói.


Làm việc chủ yếu bằng chân tay trong điều kiện lao động vất vả, công nhân Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương có nhiều sáng kiến để giảm bớt sức lực bỏ ra. Một trong những sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả là chiếc máy cắt cây đường viền do nhóm lao động của công ty sáng tạo ra cách đây 3 năm. “Trước đây, chúng tôi cắt thủ công bằng tay mất rất nhiều thời gian. Bây giờ, chỉ cần 2 người điều khiển, chiếc máy làm việc năng suất bằng hàng chục người”, chị Ngọc nói. Ngoài ra, việc quét cỏ, lá cây sau khi cắt tỉa nay cũng đã được thực hiện bằng máy thổi rác, năng suất bằng 6 người quét thủ công.


Công việc cắt tỉa cây trên địa bàn thành phố còn là công việc luôn đòi hỏi sáng tạo. Người làm cần có tâm, “thả hồn” vào từng nhành cây, ngọn cỏ. “Ngoài sự khéo léo tinh tế, có con mắt thẩm mĩ, người làm công việc chăm sóc, cắt tỉa hệ thống cây xanh còn phải là người cẩn thận, kỹ thuật giỏi và hơn hết là sự yêu nghề”, chị Phạm Thị Mai Hoa cho biết.


LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người "chải chuốt" cho thành phố