Những ngày độc lập ở huyện lỵ Cẩm Giàng

03/09/2010 07:13

Thị trấn Cẩm Giàng là nơi giành được chính quyền đầu tiên của huyện (ngày 17-8-1945). Ba ngày sau, cũng tại đây, Việt Minh đã tổ chức cuộc mít-tinh lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện.


Đã ở tuổi 87, song đối với cụ Phạm Thuần Thư, hồi ức về những ngày giành chính quyền ở thị trấn Cẩm Giàng luôn còn tươi mới

Nói về thị trấn (TT) Cẩm Giàng, đồng chí Bí thư Đảng ủy TT Nguyễn Thành Nguyên - vốn là một nhà giáo, khái quát: Đây là TT có nhiều nét đặc trưng ít nơi nào có được. Đặc trưng về văn hóa - do đây là "thủ phủ" của nhóm văn chương Tự lực văn đoàn. Đặc trưng về kinh tế - xã hội, do thời phong kiến, TT đã từng là huyện đường của huyện Cẩm Giàng. Ngoài ra, TT còn có các tuyến giao thông thủy bộ quan trọng như đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38, sông Cẩm Giàng chạy qua và giáp ranh với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội...

Cũng từ vị trí đắc địa này, trong thời kỳ phong kiến, TT Cẩm Giàng đã được chọn làm huyện đường. Trước Cách mạng Tháng Tám, TT thuộc xã Kim Quan, tổng Kim Quan. Đến năm 1925, do mâu thuẫn giữa nhân dân và bọn hương lý về quyền lợi, đất đai nên TT được tách ra, lập khu hành chính riêng. Sau khi tách làng, lập phố, làng và phố chỉ đơn thuần độc lập về hành chính còn mọi quyền lợi về chợ, thuế chợ, vé gạo, thuế thân, điền thổ... đều do Kim Quan quản lý.

Để dễ bề thống trị, thực dân Pháp dựa vào giai cấp địa chủ phong kiến thành lập bộ máy cai trị đắc lực từ tổng, xã xuống đến khu phố. Thời điểm này, người dân TT Cẩm Giàng đã oằn mình, kiệt quệ do gánh chịu các loại thuế khóa hà khắc. Sau khi phát-xít Nhật vào Đông Dương, cũng như người dân cả nước, dân chúng TT Cẩm Giàng rơi vào ách "một cổ hai tròng", nhiều gia đình phải bỏ quê hương tha phương cầu thực.

Từng hoạt động từ bí mật đến công khai ở TT Cẩm Giàng từ những ngày đầu cho đến khi giành được chính quyền, Đại tá Phạm Thuần Thư ở thôn Kim Quan (xã Kim Giang), hồi tưởng: Năm 1943, ông Ba Lư - một chiến sĩ cách mạng - đã rút từ Ân Thi (Hưng Yên) về trọ trong gia đình tôi ở TT Cẩm Giàng để gây dựng phong trào bí mật. Tấm gương trung kiên của các nhà cách mạng tiền bối Trần Phú, Lê Hồng Phong... qua lời kể của ông Ba Lư đã dần ngấm vào máu thịt của tôi khi ấy vừa tròn 19 tuổi. Và chỉ một năm sau, tôi đã được kết nạp vào tổ chức Việt Minh. Thời điểm này, các cơ sở cách mạng ở đây đã dần được củng cố sau các cuộc khủng bố của thực dân.

Các nữ đồng chí Ngô Thị Sâm (tức bà Ba Miễn), Nguyễn Thị Mỹ Hảo đã bắt liên lạc và tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng tại TT Cẩm Giàng. Tổ chức Việt Minh ở TT Cẩm Giàng đã thành lập Hội Ái hữu để quyên tiền, thóc gạo giúp đỡ nhân dân. Khoảng cuối năm 1944, chi bộ Đảng gồm 4 đảng viên do đồng chí Ngô Thị Sâm làm Bí thư đã được thành lập- đây chính là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Giàng. Từ đó, hoạt động của tổ chức Việt Minh ở TT Cẩm Giàng đã đi vào chiều sâu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, phụ nữ trong vùng. Ngày 15-7-1945, hàng nghìn quần chúng TT Cẩm Giàng và các khu vực lân cận đã dự lễ mít-tinh do Việt Minh tổ chức, hô vang các khẩu hiệu "Mặt trận Việt Minh muôn năm!", "Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim"... Ngay hôm sau, tại thôn An Tĩnh, xã Cao An (Cẩm Giàng), hội nghị cán bộ Việt Minh huyện được khẩn cấp triệu tập kiểm điểm công tác chuẩn bị giành chính quyền. Đêm hôm đó, cả TT Cẩm Giàng như một khối thuốc nổ khổng lồ, chờ thời cơ để bùng nổ và giành chính quyền về tay nhân dân.

Đã ở tuổi 87, song Đại tá Phạm Thuần Thư vẫn nhớ như in hình ảnh hàng nghìn người dân của TT Cẩm Giàng và các vùng lân cận đi trong  rợp trời cờ hoa, biểu ngữ tiến về huyện đường thu giữ vũ khí và nhiều tài liệu quan trọng. Tri phủ huyện Cẩm Giàng vội vã lên thuyền trốn nhưng đã bị lực lượng Việt Minh bắt giữ. Nhận lệnh của tổ chức, tổ Việt Minh của đồng chí Phạm Thuần Thư đã đi tiếp nhận, bắt trói tri huyện, giải về huyện đường. Hôm ấy là ngày 17-8-1945. TT Cẩm Giàng là nơi giành được chính quyền đầu tiên của huyện. Ba ngày sau, cũng tại TT Cẩm Giàng, Việt Minh đã tổ chức cuộc mít-tinh lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện.

Ở Cẩm Giàng hiện chỉ còn duy nhất cụ Phạm Thuần Thư là cán bộ tiền khởi nghĩa trước 1-1-1945. Sau cách mạng, ông từng qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng giữ chức vụ Trưởng phòng Chính trị, Cục Hậu cần Đặc khu Quảng Ninh. Khí thế hào hùng của những ngày cướp chính quyền ở TT Cẩm Giàng luôn tươi mới trong hồi ức của Đại tá Phạm Thuần Thư. Cụ Thư cũng như các vị lão thành cách mạng khác của huyện Cẩm Giàng mong muốn, những người có trách nhiệm ở TT Cẩm Giàng và xã Kim Quan (nay là Kim Giang) cần tăng cường giáo dục thế hệ trẻ, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

CẨM GIANG


(0) Bình luận
Những ngày độc lập ở huyện lỵ Cẩm Giàng