Trong những dịp hè tổ chức cho các cháu được vui chơi, rèn luyện thân thể, mà vẫn ôn tập văn hóa, thì các cháu mới giỏi, mới phát triển được trí tuệ...
Trách nhiệm của tất cả mọi người
Chuyện xảy ra vào một ngày hè năm 1963, Bác đến làm việc với một cơ quan Trung ương ở Hà Nội.
Khi xe Bác vào đến sân, có một tốp các cháu thiếu nhi đang chơi ở đó; thấy ô-tô từ ngoài đi thẳng qua cổng, các cháu ngạc nhiên đứng tụm nhau ngay cửa ra vào nhà làm việc tò mò chờ đợi. Các đồng chí trong cơ quan thấy xe đến chạy ra đón Bác.
Bác mở cửa xe bước ra, trông thấy các cháu, Bác mỉm cười giơ tay vẫy và nói:
- Bác chào các cháu!
Các cháu thấy Bác đột ngột xuất hiện nên ngây cả người, một vài cháu lớn hơn đứng phía sau lí nhí: “Chào Bác”. Mấy đồng chí trong cơ quan nhắc: "Chào Bác ạ chứ!”. Nhưng các cháu vẫn tròn mắt trước sự bất ngờ ấy.
Bác và các đồng chí vào phòng làm việc, Bác hỏi:
- Hôm nay nhân dịp gì mà các cháu tập trung ở đây?
Đồng chí phụ trách cơ quan nói với Bác:
- Thưa Bác, bây giờ các cháu đã nghỉ hè, gia đình nào có ông bà thì các cháu ở nhà, còn không thì các cháu thường phải theo bố mẹ đến cơ quan ạ!
Sau khi làm việc xong, Bác cùng các đồng chí của cơ quan từ trong phòng bước ra đã thấy các cháu xếp hàng ngay ngắn trước thềm, đồng thanh: "Chúng cháu chào Bác ạ!”, Bác tươi cười:
- Bác chào các cháu!
Rồi cười hóm hỉnh nói với các đồng chí đi bên cạnh: "Các chú giáo dục nhanh nhỉ!”.
Lúc này các cháu đã ùa lại quây quanh Bác. Bác cúi xuống hỏi tình hình học tập của các cháu và động viên các cháu cố gắng phấn đấu học giỏi để sau này phục vụ nước nhà tốt hơn.
Trước khi lên xe, Bác nói với các đồng chí trong cơ quan: "Đây chính là công việc của tất cả mọi người, của Đảng, của Chính phủ, của phụ nữ, của thanh niên… phải làm sao trong những dịp hè tổ chức cho các cháu được vui chơi, rèn luyện thân thể, mà vẫn ôn tập văn hóa, thì các cháu mới giỏi, mới phát triển được trí tuệ và bố mẹ mới yên tâm công tác".
Lời dặn ấy của Bác đã được toàn Đảng, toàn dân ta đã, đang cố gắng thực hiện vì sự nghiệp “Trăm năm trồng người”.
Giản dị mà vẫn trang trọng
Tháng 9 - 1960, Đảng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội. Đây là lần Đại hội đầu tiên của Đảng sau ngày hòa bình lập lại, cũng là Đại hội đầu tiên có nhiều Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế đến tham dự.
Để chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Ban tổ chức đã đón tiếp đại biểu các tỉnh về Hà Nội trước nửa tháng để bồi dưỡng sức khỏe và trang bị y phục đàng hoàng cho các đại biểu. Ban tổ chức Đại hội đã cấp tạm thời cho mỗi đại biểu nữ một áo dài quần trắng và đôi dép xăng đan, còn mỗi đại biểu nam một bộ comple và giầy.
Trước Đại hội khoảng 3-4 ngày, Bác đến thăm các đại biểu đang nghỉ ở Trường Nguyễn Ái Quốc.
Theo thông báo của Ban tổ chức, các đại biểu tập trung ở hội trường chờ đón Bác. Nhưng chờ đã lâu mà chưa thấy Bác, chợt có tin: Bác đang kiểm tra ở nhà ăn.
Thế là chẳng ai bảo ai, mọi người đều chạy thật nhanh xuống đó, Bác cháu gặp nhau ở nhà ăn tập thể. Bác vui vì bị “bao vây” đột ngột, còn các đại biểu phấn khởi và xúc động vì được gặp Bác - niềm ao ước bấy lâu nay.
Bác tươi cười nhìn các đại biểu và quay sang nói với đồng chí trong Ban tổ chức cùng đi:
- Hôm nay nhiều mannequin (manơcanh) thế!
Mọi người còn ngơ ngác chưa rõ ý Bác nói, chỉ thấy đồng chí trong Ban tổ chức đi cùng Bác có vẻ vừa ngượng ngùng vừa lúng túng trước lời phê bình nhẹ nhàng, tế nhị của Bác, mà lúc ấy chỉ đồng chí mới hiểu.
Rồi Bác chỉ tay vào mấy đại biểu đứng gần hỏi:
- Quần áo này của các chú may à?
- Thưa Bác, quần áo này do Ban tổ chức cho mượn đấy ạ!
Mọi người lúc ấy mới nhìn kỹ, người mặc thì rộng, người lại dài quá, người lại chật quá, áo tưởng chừng sắp nứt cả đường may.
Bác tủm tỉm cười và nói với tất cả mọi người đại ý: Mỗi dân tộc đều có cách ăn mặc riêng, thích hợp với điều kiện của dân tộc mình. Nước ta còn nghèo, vả lại không nhất thiết phải mặc comple các chú mới là đại biểu của Đại hội, các chú có thể mặc áo quần của mình, giản dị nhưng vẫn giữ được tính trang nghiêm và phong cách ăn văn hóa của dân tộc, thế là được.
Lúc ấy mọi người mới hiểu điều Bác nói với đồng chí trong Ban tổ chức lúc nãy.
Chấp hành ý kiến của Bác, các đại biểu đã mặc những bộ trang phục đẹp nhất của mình tham gia Đại hội III của Đảng.
Kỷ niệm vô giá
Mùa hè năm 1969 học sinh trường thiếu sinh quân (TSQ) Nguyễn Văn Trỗi được về nhà nghỉ hè. Một chiều tháng 7, bố đưa tôi và em Việt Liên vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Đến nơi thì gặp chị Châu Nguyên và Tuấn Quảng (con bác Trần Đăng Ninh), hai chị em Việt Hồng, Việt Hằng (con bác Sơn(**)), tất cả đều là học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi cùng được đến thăm Bác lần này. Chú Vũ Kỳ đón ở sân và nói: "Các cháu vào đi, Bác đang chờ các cháu đấy!”. Mấy chị em chúng tôi líu ríu theo chú Vũ Kỳ vào gặp Bác. Vừa trông thấy Bác, chúng tôi như cùng đồng thanh: "Chúng cháu chào Bác ạ!”. Bác đang đọc tài liệu, ngẩng lên nhìn chúng tôi, ánh mắt Bác như cười, Bác nói: " Bác chào các cháu!”, rồi bảo chúng tôi ngồi quây quần bên Bác.
Tiếng là TSQ nhưng khi đến gặp Bác thì ai nấy đều rụt rè, chỉ im lặng nhìn Bác. Bác cười thật hiền, rồi như người thân trong gia đình, Bác ân cần hỏi thăm tình hình ăn, ở, học tập, rèn luyện và sinh hoạt ở nhà trường của chúng tôi. Bác hỏi chúng tôi đã quen cuộc sống như bộ đội chưa? Các thầy cô có quan tâm đầy đủ đến mọi sinh hoạt của chúng tôi không? Bác đặc biệt quan tâm và hỏi kỹ đến ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần đoàn kết của chúng tôi. Thật hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào lại chu đáo, tỉ mỉ đến như thế! (Mãi sau này, qua chuyện kể “Bác Hồ viết di chúc” của chú Vũ Kỳ, chúng tôi mới biết Bác có ý định đến thăm trường chúng tôi vào dịp Tết Kỷ Dậu 1969, vì Bác nghe nói có một số bạn trong trường ý thức kỷ luật còn kém, đoàn kết nội bộ học sinh còn có hiện tượng cục bộ địa phương).
Bác căn dặn: Các cháu là những chiến sĩ tương lai của Quân đội nhân dân Việt Nam, nếu không biết nghiêm túc rèn luyện và học tập thì sau này không thể phục vụ tốt quân đội, nhân dân và nước nhà; mà muốn làm tốt những việc ấy thì phải biết đoàn kết tốt, các cháu phải đoàn kết với nhau, thương yêu bảo ban nhau như anh chị em trong một nhà; phải biết nghe lời dạy bảo của các thầy cô giáo. Các cháu là “Bộ đội Cụ Hồ” nên đóng quân ở đâu cũng cần biết dân vận, xây dựng tình đoàn kết quân dân thật tốt. Rồi Bác bảo chúng tôi hát cho Bác nghe, mấy chị em “hội ý” nhanh và chị Châu Nguyên thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu xin hát bài “Trường ca” sáng tác của thầy Hồng Tuyến ạ.
Nghe giới thiệu, Bác tủm tỉm cười và hỏi:
- Thế trường ca là bài thơ hay bài hát dài? Hay là bài hát ca ngợi trường của các cháu?
- Thưa Bác, đây là bài hát ca ngợi trường chúng cháu ạ.
Nghe xong, Bác bảo:
- Các cháu về trường nói với thầy cô giáo, lần sau nếu đặt tên cho bài gì thì cũng cần rõ ràng, chính là để các cháu dễ hiểu, đừng dùng chữ nghĩa khó hiểu.
Rồi chúng tôi đồng thanh hát bài “Trường ca” cho Bác nghe. Khi hát xong, Bác khen bài hát hay, nhưng phê bình chúng tôi hát chưa thật nhiệt tình, song Bác vẫn thưởng kẹo cho chúng tôi.
Trước khi chia tay, Bác cho phép lần lượt từng đứa ôm hôn tạm biệt. Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình được ôm hôn Bác!
Câu chuyện xảy ra cách đây đã 45 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi như còn giữ nguyên cảm xúc của lần gặp Bác đầy kỷ niệm năm ấy và luôn cố gắng thực hiện tốt những lời Bác dạy.
(*) Con gái Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng
(**) Tướng Nguyễn Sơn
NGUYỄN TƯỜNG VÂN