Vụ việc điện thoại phát nổ làm một học sinh ở Nghệ An tử vong trong khi học online thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về những quy tắc an toàn cho trẻ trong lúc dùng điện thoại học trực tuyến.
Trẻ em học online bằng điện thoại những ngày không thể trực tiếp tới trường - Ảnh: THE STAR
Ấn Độ là một trong nhiều quốc gia ghi nhận số lượng đáng kể những trường hợp điện thoại phát nổ gây thương tích cho trẻ em. Điểm chung của những vụ việc này đều do các em vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc.
Năm 2020, một học sinh ở quận Puri thuộc bang Odisha (Ấn Độ) trong lúc học trực tuyến thì điện thoại đột ngột nổ tung. May mắn, học sinh này kịp thời tránh xa khi nhận thấy điều chẳng lành nên chỉ bị thương nhẹ.
Nguyên nhân vụ việc sau đó được xác định là do em cắm sạc xuyên suốt buổi học trong khi lại mở một lúc nhiều tác vụ khiến quá tải nhiệt.
Đầu năm 2021, một em nhỏ tại Mirzapur thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) thậm chí đã thiệt mạng do pin điện thoại nổ trong lúc sạc. Theo nhà chức trách, vụ nổ kinh hoàng đến mức gần như toàn bộ khuôn mặt của nạn nhân đã biến dạng.
Theo trang Hindustan Times (Ấn Độ), nhiệt lượng tỏa ra khi sạc ở hầu hết các dòng điện thoại là khá cao. Vì vậy trong khi đang sạc, việc dùng điện thoại cho tác vụ nặng là không được khuyến khích.
Nếu thiết bị tản nhiệt tích hợp trên điện thoại thông minh quá sức, nhiệt độ bên trong điện thoại có thể cao vượt ngưỡng chịu đựng của pin dẫn tới phát nổ.
Một số trường hợp điện thoại phát nổ - Ảnh: BUSINESS TODAY
Các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều là dòng pin lithium - pin nén, khi nổ đều có khả năng gây nguy hiểm. Do đó cần chủ động sạc đầy khi dung lượng xuống thấp hơn là vừa sạc vừa dùng.
Hạn chế sử dụng bộ sạc không thuộc cùng dòng với điện thoại mặc dù ngày nay nhiều bộ sạc đều có thể dùng qua lại.
Chưa kể, chất lượng của củ sạc khi mua trôi nổi trên thị trường cũng đặt ra vấn đề về chất lượng, nhiều trường hợp chính thiết bị sạc phát nổ. Cũng cần kiểm tra dây sạc có bị hở không, nếu có rất nguy hiểm khi trẻ sử dụng.
Khi bạn đánh rơi điện thoại nhiều lần, các nguy cơ sẽ càng gia tăng. Những tác động vật lý như làm rớt hay bị bẻ cong luôn là "kẻ thù" của pin điện thoại. Nhiều trường hợp pin hở do va chạm nhiều lần có thể làm rò rỉ điện, gây cảm giác tê nếu chạm vào lúc đang sạc.
Ngoài ra, theo thời gian thành phần hóa học của pin điện thoại cũng sẽ thay đổi khi bạn sạc và xả, khiến pin phồng lên. Thay pin theo thời gian khuyến cáo sẽ giúp điện thoại tránh được rất nhiều rủi ro đáng tiếc, đặc biệt khi người dùng là trẻ nhỏ.
Thường xuyên thay pin điện thoại theo khuyến cáo sẽ hạn chế được nhiều rủi ro khi cho trẻ sử dụng - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo tạp chí Time (Mỹ), cần lưu ý không nên sạc điện thoại ở nơi ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Khi đó, nhiệt từ mặt trời sẽ cộng với nhiệt trong quá trình sạc, khiến điện thoại nóng hơn mức bình thường.
Ngoài ra, không nên sạc điện thoại… dưới gối hay che chắn các vật khác lên trên. Vào những ngày nắng, nhiệt lượng tỏa ra từ điện thoại đang sạc có thể tăng lên mức nguy hiểm nếu nó không được tản ra một cách hiệu quả.
Tốt nhất là để điện thoại sạc ở không gian thoáng đãng trong nhà, đặt trên bề mặt cứng và mát.
Theo Tuổi trẻ