Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng và để lại cho dân tộc Việt Nam một bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ.
Đó là di sản cuối cùng của Người, là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Bản Di chúc được công bố đã gây xúc động lớn, niềm cảm phục sâu sắc, không chỉ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam mà với tất cả các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trên khắp các lục địa.
Nội dung bản Di chúc là những lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và sự đoàn kết trong Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới và vài dòng nói về việc riêng. Ẩn sau những lời dặn dò mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cân nhắc khi viết từng câu, từng chữ ấy chính là sự quan tâm sâu sắc của Người đối với mọi vấn đề của dân tộc, là tình yêu bao la mà Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong bản Di chúc bất hủ, Người đã đúc kết những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu nhất của cách mạng nước ta, trong đó cốt lõi nhất là bài học xây dựng, bồi đắp mối quan hệ máu thịt Đảng - Nhân dân. Người xem đây là nền tảng tạo nên sức mạnh của cách mạng, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới. Người nêu lên điều mà suốt đời Người quan tâm: “Trước hết nói về Đảng”. Người khẳng định “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” nên “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Không chỉ được nhắc tới một lần, vai trò và nhiệm vụ to lớn, cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần xuyên suốt bản Di chúc, trong những lời căn dặn của Người về nhân dân lao động, về đoàn viên và thanh niên, về phong trào cộng sản thế giới. Gửi gắm trong từng câu, từng chữ ấy là sự tin tưởng và kỳ vọng sâu sắc của Người vào Đảng.
Sau những lời tâm huyết về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là đoàn viên và thanh niên. Người khẳng định đó “là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” bởi “đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” . Bên cạnh những dòng khen ngợi dành cho thế hệ trẻ, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng lại trở về với con người. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Bác đặc biệt quan tâm đến con người, trong đó dành nhiều tình cảm cho nhân dân lao động. Bởi đó là những người “đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh” nhưng cũng là những người “rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, nhân dân lao động chính là động lực để thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” .
Trong Di chúc, khát vọng và niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã được nhắc lại nhiều lần. Ngay đoạn mở đầu bản Di chúc, Bác viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” và dù “khó khăn gian khổ”, “phải hy sinh nhiều của, nhiều người” nhưng “nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”, “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bên trong niềm tin tất thắng ấy còn ẩn chứa niềm tự hào dân tộc to lớn bởi “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ và đã góp phần vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là “một nhà cách mạng trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản và đã đóng góp to lớn vào sự đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa, vào việc củng cố và phát triển phong trào cộng sản”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực, Người còn là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong Di chúc, Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Người mong rằng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình”.
Sau những lời căn dặn tỉ mỉ đối với mọi công việc của đất nước, mọi tầng lớp nhân dân, Người dành những dòng sau cùng để nói về mình. Đây cũng chính là những dòng đầy cảm động, thể hiện tấm gương đạo đức mẫu mực của một người “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” và dù phải từ biệt thế giới này thì cũng “không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên phẩm chất, nhân cách của một con người vĩ đại mà khiêm nhường hết mực. Lời căn dặn của Người thật giản dị mà sâu xa: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đến giây phút cuối cùng, Người vẫn chỉ một lòng nghĩ cho nước, cho dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 45 năm. Bản Di chúc lịch sử của Người gửi lại “tiếp tục là nguồn cảm hứng” cho hậu thế, “để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”.
TTXVN