Những loại iPhone bạn không nên mua lúc này

09/07/2021 16:00

Người dùng cần cảnh giác với các dòng iPhone cũ, câu sim ghép, kích pin... đang tràn lan trên thị trường

Nhiều người vẫn tìm đến những dòng iPhone cũ vì có giá thành phải chăng. Tuy nhiên nếu không có kinh nghiệm, khách hàng dễ bị lừa mua phải những loại iPhone kém chất lượng.

iPhone bẻ khóa iCloud

iPhone "bypass" là loại máy bị quên mật khẩu màn hình hoặc bị khóa tài khoản iCloud. Người thợ sẽ dùng những công cụ đặc biệt để bẻ khóa thiết bị giúp chiếc iPhone có thể hoạt động.

Có ba loại iPhone bypass đang được bán trên thị trường. “Loại thứ nhất là iPhone khóa mật khẩu màn hình, nếu nằm ở phiên bản có thể jailbreak thì sau khi bypass có thể sử dụng và nghe gọi được. Loại thứ hai là máy khóa iCloud dùng modem mạng của Qualcomm (thợ gọi là hàng MEID) vẫn có thể bypass, nhưng không nghe gọi được. Loại cuối cùng là iPhone dính iCloud dùng modem mạng Intel (thợ gọi là hàng NoMEID) chỉ bẻ khóa được nếu máy dùng chip Apple A11”, một thợ chuyên sửa chữa iPhone tại TP.HCM chia sẻ.

iphone khong nen mua anh 1

iPhone bypass có giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Lê Khánh, người kinh doanh iPhone tại quận 10, TP Hồ Chí Minh, điểm yếu của các dòng iPhone bypass là không thể sử dụng dịch vụ của Apple như Facetime, iMessage. Một số máy không thể nghe gọi. Vì vậy, giá của những sản phẩm này rẻ hơn khoảng 30% so với iPhone cũ thông thường.

“iPhone bypass không thể nghe gọi, chỉ dùng để xem phim, chơi game. Nếu người dùng lỡ khôi phục cài đặt thì máy sẽ bị khóa. Ngoài ra, đôi khi sản phẩm còn tự tắt máy khởi động lại”, Sỹ Hiển sống tại Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, người dùng một chiếc iPhone 8 bypass chia sẻ.

Anh Hiển cho biết mình mua chiếc iPhone 8 bypass vào tháng 6.2020 với giá 4,5 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 3,5 triệu đồng so với mua máy thông thường.

Để tránh bị lừa mua phải loại iPhone này, người dùng cần kiểm tra các dịch vụ như Facetime, iMessage trên máy. Ngoài ra, người dùng cũng phải khôi phục cài đặt gốc thiết bị để kiểm tra máy có bị dính iCloud ẩn.

iPhone lock câu SIM ghép

Các sản phẩm iPhone lock thường có giá rẻ vì phải sử dụng sim ghép. Tuy nhiên, một số kẻ lừa đảo sử dụng các thủ thuật để bán với giá tương đương iPhone quốc tế.

Thủ đoạn được các đối tượng dùng nhiều nhất là câu sim ghép. Với cách này, sim ghép không lắp trực tiếp trên khay sim mà được thợ hàn sâu vào bên trong bo mạch của máy. Do vậy khi người dùng gắn sim vào, chiếc máy có thể nghe gọi như hàng quốc tế.

iphone khong nen mua anh 2

Các máy iPhone lock câu sim ghép thường được bán trên các kênh rao vặt

“Những máy iPhone câu sim ghép thường được bán trên các kênh rao vặt như Chợ Tốt, Facebook... Kẻ gian chủ yếu dựa vào tâm lý ham rẻ của khách hàng để lừa đảo”, ông Văn Giàu, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone tại quận 10, TP Hồ Chí Minh nói.

"Tháng 5.2020, tôi bị lừa mua phải một chiếc iPhone 8 Plus lock câu sim ghép trên trang rao vặt. Người đó đăng bán chiếc máy này với giá 6,8 triệu đồng, rẻ hơn 1,5 triệu so với giá máy cũ thông thường", ông Trần Ngọc ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ông Ngọc cho biết chiếc iPhone 8 Plus lock tại thời điểm tháng 5.2020 có giá khoảng 5,5 triệu đồng. Người bán máy đã lừa ông Ngọc 1,3 triệu đồng.

Ngoài cách câu sim ghép, hiện tại các thợ sửa iPhone còn bẻ khóa bằng phần mềm để những chiếc iPhone lock có thể gắn sim dùng như máy quốc tế.

Theo một thợ sửa iPhone giấu tên ở TP Hồ Chí Minh, hiện tại đã có công cụ để giúp những chiếc iPhone lock không cần sim ghép vẫn có thể nghe gọi bình thường. Nhưng cách này bị giới hạn các dòng máy từ iPhone X trở xuống cũng như dưới iOS 14.7. “Với loại iPhone này, người dùng chỉ cần đặt lại, máy sẽ bị lock trở lại và phải mất từ 1,8 triệu đồng để bẻ khóa”, người thợ này cho biết thêm.

Theo ông Giàu, người dùng khi mua iPhone cũ cần khôi phục cài đặt để đảm bảo không mua phải iPhone lock câu sim ghép hay bẻ khóa lên quốc tế.

iPhone kích pin

“Do khách hàng mua iPhone cũ nhưng đòi hỏi phải có phần trăm pin cao nên mới xảy ra hiện tượng kích pin các dòng iPhone gần đây”, ông Văn Giàu nói...

Theo một người thợ sửa iPhone tạiTP Hồ Chí Minh, iPhone kích pin là loại máy vốn có pin đã bị chai nhưng được dùng thủ thuật phần mềm để thay đổi thông tin tình trạng pin thành mức 95% đến 100%, khiến người dùng nghĩ đây là máy mới, ít sử dụng.

Theo ông Giàu, người dùng thường thích chọn các máy có tình trạng pin cao trên 90%, nên iPhone sau khi kích pin sẽ dễ bán hơn. Ngoài ra, một chiếc iPhone sau khi kích pin sẽ bán được giá cao hơn từ 200.000-300.000 đồng.

Tính năng theo dõi tình trạng pin được Apple mang lên iOS 11.3 vào năm 2018. Tính năng này giúp người dùng theo dõi được mức độ chai pin của máy. Nếu tình trạng pin dưới 80% thì hiệu năng của máy có thể bị giảm và người dùng cần thay pin mới. Thông số tình trạng pin được người mua iPhone cũ sử dụng để đánh giá độ mới của thiết bị.

Người dùng cần cảnh giác với những máy iPhone cũ có tình trạng pin cao

"Hiện tại chưa có cách để phát hiện những chiếc iPhone bị kích pin nếu chỉ kiểm tra trong thời gian ngắn", Huy Minh, nhân viên kiểm tra iPhone cũ tại Bình Thạnh chia sẻ.

Một số thợ máy khác cho những chiếc iPhone cũ phát video liên tục trong khoảng 7 ngày, nếu tình trạng pin giảm quá nhiều thì chứng tỏ chiếc máy đó đã bị kích pin.

Để tránh mua phải những dòng iPhone bị kích pin, người dùng cần tìm đến những cửa hàng uy tín, có chương trình bảo hành, đổi trả. Ngoài ra, với những dòng iPhone ra mắt đã lâu nhưng có phần trăm pin quá cao, người dùng nên cẩn thận nguy cơ chiếc máy đã bị kích pin.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những loại iPhone bạn không nên mua lúc này