Những kinh nghiệm hay trong ôn thi THPT

21/04/2017 07:02

Để học sinh đạt thành tích tốt trong kỳ thi THPT quốc gia và đỗ đại học với tỷ lệ cao, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh không chỉ tổ chức ôn tập theo kiến thức, giáo trình chung.



Thầy giáo Nguyễn Văn Phong ở Trường THPT Tứ Kỳ khuyến khích học sinh trao đổi thông tin
để kịp thời giải đáp và bổ sung những kiến thức còn hổng

Bố trí giáo viên giỏi

Qua 2 kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở Trường THPT Tứ Kỳ đạt 99,6 - 100%. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học (nguyện vọng 1) đạt 70% trở lên, là một trong những trường nằm trong tốp đầu của tỉnh có tỷ lệ học sinh đỗ đại học với số điểm cao.

Theo Hiệu trưởng nhà trường Vũ Thị Hồng Hạnh, yếu tố quyết định làm nên thành tích chung của nhà trường là khâu sắp xếp cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy, ôn tập cho học sinh. Nhà trường coi trọng việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ để tạo nguồn cho tương lai.

Đồng thời, bố trí những cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm ôn tập cho học sinh ngay từ khi các em còn học lớp 10. Trong quá trình tổ chức ôn luyện cho học sinh thi THPT, những giáo viên này có trách nhiệm kèm cặp, bồi dưỡng những giáo viên trẻ bằng việc trao đổi trực tiếp kiến thức hoặc bố trí các buổi dự giảng. “Đội ngũ giáo viên trẻ sẽ quyết định tương lai của nhà trường nên cần phải được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục để bảo đảm tính kế thừa”, Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ nói.

Trường THPT Nam Sách cũng rất quan tâm bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên ôn thi cho học sinh. Nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên bộ môn phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn để ứng phó với những thay đổi theo thực tế hằng năm. Trước những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017 với hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm, sự xuất hiện của 2 tổ hợp bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… trường chỉ đạo các tổ bộ môn phải họp và đề xuất những giải pháp trong giảng dạy, ôn luyện cho phù hợp.    

Trong ôn thi cho học sinh khối 12, Trường THPT Chí Linh chọn ra đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình để theo các em suốt quá trình giảng dạy đến khi thi. Nhà trường lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và tỷ lệ đỗ đại học của học sinh để đánh giá năng lực giáo viên. Qua mỗi kỳ tổ chức ôn luyện cho học sinh cho thấy các giáo viên đều phát huy cao tinh thần, trách nhiệm, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để học sinh tiếp cận được kiến thức nhanh và vững chắc. Những mặt hạn chế đều được các giáo viên nghiêm túc khắc phục.

Thầy giáo Nguyễn Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh cho biết việc chủ động tổ chức, sắp xếp giáo viên ôn thi cho học sinh đã giúp thành tích thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học của nhà trường ngày càng cao. Năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của nhà trường mới đạt 63%, thì đến năm học 2014-2015 đã tăng lên 72% và năm học 2015-2016 là 76%.

Quan tâm hệ thống kiến thức và kỹ năng làm bài

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên các nhà trường có nhiều sáng tạo trong giảng dạy để học sinh nắm vững kiến thức, đạt kết quả cao. Là người có gần 20 năm trong nghề, 6 năm được giao nhiệm vụ hướng dẫn ôn tập môn toán cho học sinh lớp 12, thầy giáo Nguyễn Văn Phong, Trường THPT Tứ Kỳ đã dẫn dắt học sinh giành được nhiều kết quả ấn tượng. Năm học 2015 – 2016, trên 96% số học sinh lớp 12A do thầy phụ trách hướng dẫn ôn tập đã đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học.

“Tôi rà soát, đánh giá, phân loại năng lực của tất cả học sinh trong lớp để làm căn cứ xây dựng giáo án ôn tập cho phù hợp. Tôi cũng nghiên cứu cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua từng năm rồi ra các đề thi thử, giúp học sinh nâng cao kỹ năng làm bài. Khuyến khích các em trao đổi thông tin với mình để kịp thời giải đáp và bổ sung những kiến thức còn “hổng”. Thi thoảng tôi cho học sinh làm bài tập ở mức độ nâng cao để các em rèn luyện bằng cả hình thức trắc nghiệm và tự luận”, thầy Phong chia sẻ.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lần đầu tiên môn giáo dục công dân được đưa vào tổ hợp bộ môn khoa học xã hội. Để học sinh đạt được kết quả cao trong môn thi này đòi hỏi mỗi giáo viên phải có kỹ năng, kinh nghiệm, sự sáng tạo trong giảng dạy. Thầy giáo Nguyễn Thành Du, Trường THPT Nam Sách vừa đoạt giải nhất giáo viên giỏi cấp tỉnh môn giáo dục công dân cho biết từ trước tới nay, học sinh luôn coi đây là môn phụ nên chưa chú ý bằng các môn khác. Do đó phải bố trí cách dạy, học cho phù hợp.

“Tôi chia nhỏ các đơn vị kiến thức để học sinh tiếp cận nhanh nhất, dễ nhất. Trong kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, nhà trường đã có phần mềm trộn đề, thiết kế đề thi theo dạng câu hỏi trắc nghiệm. Đây là môn đặc thù, có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng. Các em cần có khả năng vận dụng thực tế, bình tĩnh loại bỏ các phương án gây "nhiễu sóng" để có thể lựa chọn được đáp án chính xác nhất”, thầy Du nói.

Kết quả có được tại kỳ thi THPT quốc gia, nói rộng hơn là đợt xét tuyển đại học, cao đẳng sắp tới cũng phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân mỗi học sinh. Theo kinh nghiệm của các học sinh đã đoạt giải cao tại các kỳ thi, tự thân mỗi học sinh phải thực sự chuyên tâm chịu khó, ham học hỏi.

“Để có được thành tích cao trong học tập, không nhất thiết phải học thêm nhiều. Chỉ cần trên lớp chú ý nghe giảng để nắm chắc nội dung bài giảng của thầy cô, những chỗ nào không hiểu thì nhờ thầy cô giải đáp luôn. Ngoài ra, việc gia đình luôn ở bên cạnh động viên, bạn bè cùng giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng sẽ cho ta một kết quả học tập tốt hơn”, Trần Ngọc Khánh, học sinh lớp 12 A Trường THPT Nam Sách, một học sinh giỏi toán cấp tỉnh bật mí.

Kinh nghiệm ở những trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao là ngay từ lớp 10 đã tổ chức tư vấn, định hướng để các em xác định được tổ hợp bộ môn mà mình theo học. Việc này sẽ giúp học sinh tập trung và hệ thống kiến thức tốt hơn trong cả quá trình học. Đồng thời, tránh tình trạng tới gần ngày đăng ký thi mới băn khoăn chọn trường, chọn ngành.

NGUYỄN LÊ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kinh nghiệm hay trong ôn thi THPT