Tác giả - Tác phẩm

Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh

11/09/2023 18:10

Soạn giả Lê Duy Hạnh vừa qua đời, để lại niềm thương tiếc và kính trọng cho đông đảo nghệ sĩ và khán giả.

Ông không chỉ là một nhà quản lý sân khấu giỏi (giữ chức Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh đến 5 nhiệm kỳ), mà trên hết ông là một tác giả của kịch nói và cải lương với khối tác phẩm đồ sộ và giá trị. Kịch bản của ông rõ ràng khác biệt với số đông kịch bản của giới sân khấu Sài Gòn, chính vì vậy đã làm nên một Lê Duy Hạnh rất tầm vóc.

1. Trong một không gian sân khấu chủ lực về xã hội hóa, tự thu tự chi, phải nắm bắt thị trường, thị hiếu khán giả, phải tính toan câu khách, câu cười, phải nhìn trước ngó sau vì nồi cơm của nghệ sĩ… thì Lê Duy Hạnh dường như tách ra khác biệt vô cùng. Ông không chạy theo thị trường, ông bình tĩnh ngồi viết những kịch bản nặng ký, đau đầu, khó dựng khó diễn.

Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh - Ảnh 1.

Soạn giả Lê Duy Hạnh

Vậy mà các đơn vị công lập lẫn xã hội hóa đều lấy kịch bản của ông để sản xuất, thế mới lạ! Họ thú vị trước những "cái khó" mà Lê Duy Hạnh đặt ra, và họ cố vượt bằng những khôn khéo, uyển chuyển của mình. Họ nhìn thấy trong kịch bản Lê Duy Hạnh những tầm vóc lớn, giá trị lâu bền, sự sang trọng, tôn nghiêm đúng mực dành cho "thánh đường" sân khấu, họ cương quyết chọn, và chỉ cần điểm xuyết thêm hoa lá cành vào thì thành vở diễn ngọt ngào thôi. Cái cốt lõi lớn lao thì Lê Duy Hạnh đã gây dựng, gửi gắm vào kịch bản, đó mới thật sự quan trọng, còn lại dành chỗ cho đạo diễn và nghệ sĩ thông minh nhạy bén điểm xuyết vào, xoay sở, tung hứng… thế mới phấn khởi chuyện làm nghề. Trong cái khó có niềm vui của thử thách.

Với "tuyệt chiêu" viết kịch bản chỉ với một nhân vật duy nhất, Lê Duy Hạnh đã cho ra đời Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc… làm nên một vệt kịch thể nghiệm mang đậm tính học thuật mà sau này các diễn viên trẻ đều lấy làm bài học, bài thi.

2. Kiểu kịch bản như vậy nhiều lắm, hầu như xuyên suốt cuộc đời Lê Duy Hạnh. Ở đây, chúng ta chỉ có thể nhấn qua vài kịch bản tuyệt đẹp nhất, để hiện lên một Lê Duy Hạnh tài hoa và táo bạo.

Diễn kịch một mình có thể nói là đại diện cho phong cách "thể nghiệm" mà Lê Duy Hạnh theo đuổi một cách hứng thú và nghiêm túc. Năm 1984, Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần mới thành lập, rất cần những kịch bản thể nghiệm để theo đúng tiêu chí, thì năm 1992 nơi đây công diễn vở Diễn kịch một mình của Lê Duy Hạnh.

Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh - Ảnh 3.

NSND Bạch Tuyết trong vở “Diễn kịch một mình”

Người ta giật mình bởi vở này chỉ đúng một nghệ sĩ biểu diễn, quá khác biệt, quá lo ngại so với mặt bằng biểu diễn hồi ấy. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã từ cải lương chuyển sang kịch nói một cách ngoạn mục và diễn vở này trong sự thán phục vỡ òa của công chúng lẫn giới chuyên môn. Một sân khấu nhỏ với đạo cụ, thiết kế đơn giản nhưng có thể xoay chuyển, biến hóa rất phong phú, và một mình Bạch Tuyết hóa thân vào nhiều nhân vật, lúc là kép hát, lúc là vua, quan, trung thần, nịnh thần… Một tiếng đồng hồ, khán giả bị cuốn hút, mê mẩn, ngập tràn cảm xúc.

Ngoài nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn quá thú vị, khán giả còn rúng động bởi ngôn ngữ, lời thoại. Lê Duy Hạnh đã bóc trần tâm lý con người, thế thái nhân tình, cái thiện cái ác, trí tuệ và ngu muội, lý trí và bản năng, phấn đấu và hưởng thụ… dường như đan xen vào nhau một cách tinh tế nhưng cũng vô cùng đáng sợ. Đôi khi chúng ta thất bại, hoặc bị tiêu diệt chỉ bởi những tâm lý, những kẽ hở rất nhỏ của cuộc đời. Sự bóc trần của Lê Duy Hạnh cũng là sự cảnh báo.

Và với "tuyệt chiêu" viết kịch bản chỉ với một nhân vật duy nhất, Lê Duy Hạnh đã cho ra đời Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc… làm nên một vệt kịch thể nghiệm mang đậm tính học thuật mà sau này các diễn viên trẻ đều lấy làm bài học, bài thi. Diễn kịch một mình vài năm trước đã được đạo diễn Nguyên Đạt dựng lại với tên gọi mới là Nhật thực, nhiều nét mới mẻ, hấp dẫn, lung linh sắc màu nhưng vẫn sang trọng, tôn nghiêm, và tài năng biểu diễn của NSƯT Lê Trung Thảo đã chinh phục khán giả.

Vở Nỏ thần do sân khấu Phú Nhuận sản xuất lại đại diện cho mảng kịch bản lịch sử của Lê Duy Hạnh. Đạo diễn Đức Thịnh khi dàn dựng vở đã nhấn mạnh và làm nổi bật chất anh hùng ca khiến hàng ngàn khán giả chấn động trái tim. Vở diễn tại Phú Nhuận xong lại diễn thêm ở Nhà hát TP Hồ Chí Minh mấy suất, cực kỳ hoành tráng và sang trọng, gây một ấn tượng rất mạnh mẽ trong ký ức người xem.

Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh - Ảnh 4.

Hòa Hiệp và Phương Lan trong vở “Nỏ thần”

Khán giả rơi nước mắt cho số phận Âu Lạc, số phận Cao Lỗ nhưng vẫn hừng hực lửa yêu nước trong tim, không hề thấy yếu đuối, bạc nhược. Lê Duy Hạnh viết khúc ca bi tráng của dân tộc mà lòng tự hào vẫn gửi gắm vào Cao Lỗ, dù thua trận nhưng người ta tin rằng ý chí và tài nghệ của Cao Lỗ vẫn chảy trong từng người dân Việt Nam. Thế mới là cái hay của Lê Duy Hạnh. Ông khắc họa lại một thời thất bại nhưng ông vẫn giữ vẹn nguyên khí hùng dân Việt, không cho khán giả tuyệt vọng. Cao Lỗ chính là nhân vật đại diện cho nhân dân, dù cay đắng thế nào thì lòng trung trinh vẫn không thay đổi, và sức mạnh nội tại sẽ giữ nước đến cùng.

Đặc biệt ông nhấn mạnh một góc nhìn lịch sử, lật lại vấn đề, không đổ tội hết cho Trọng Thủy hay Mỵ Châu "trái tim lầm chỗ đặt trên đầu", mà ông nói thẳng nguy cơ mất nước chính từ những nhà quản lý. Vua quan Âu Lạc đã ngủ quên trên chiến thắng, đâm ra suy thoái, ăn chơi, hưởng thụ, mất cảnh giác với quân giặc, nên giặc mới lẻn vào phá nát giang sơn. Bài học đó sẽ luôn luôn đúng trong mọi thời đại.

Cho nên kịch bản của Lê Duy Hạnh không bao giờ lạc hậu. Với ông, lịch sử là bài học quý giá cho hậu thế soi đường, nếu biết nhìn bằng đôi mắt tỉnh táo, lật đi lật lại vấn đề, đào sâu những góc khuất, và đó là thiên chức của nghệ thuật. Nghệ thuật có thể "đọc" lịch sử bằng cách đó thay cho chính sử, và có thể dẫn khán giả vào một thế giới công bằng, sáng suốt hơn.

Vở thứ ba là Đôi bờ, tiêu biểu cho mảng đề tài xã hội. Kịch bản này có thể hiểu theo nhiều tầng nghĩa. Lê Duy Hạnh quá thâm thúy, khôn ngoan. Ông nắm bắt xã hội, nắm bắt thời cuộc rất kỹ, nhưng ông không thể hiện một cách trực tiếp, tả thực, mà ông thông qua một lăng kính, một cầu nối, một câu chuyện khác. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, để người xem có thể liên hệ mà hiểu cuộc đời.

Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh - Ảnh 5.

NSUT Thanh Hoàng và Tuyết Mai trong vở “Đôi bờ”

Hai người phụ nữ từng yêu một người đàn ông liệu có thể sống hòa hợp với nhau hay là tranh chấp, giành giật, sát phạt đến cùng? Hai người ở hai thế giới khác nhau, nhưng cùng có mối liên hệ chung là người đàn ông đó và đứa con, tất yếu họ phải tìm cách để dung hòa mối quan hệ này, không thể nào tránh mặt nhau mãi được.

Với đứa con, một người mẹ ruột và một người mẹ nuôi, nó sẽ chọn ai? Chọn ai để có tương lai tươi sáng hơn, chứ không thể đóng cửa, lạc hậu, bế tắc, nghèo khổ. Và cuối cùng, Lê Duy Hạnh đã cho đứa con này sang nước ngoài du học theo người mẹ giàu sang kia, nhưng trong hành trang của nó vẫn luôn có tờ biên nhận bán máu mà người mẹ nghèo khổ đã từng cưu mang nó. Nó không được quên, không có quyền quên những giọt máu mẹ đã đánh đổi cho nó có ngày hôm nay. Cánh cửa gia đình đã chịu mở ra cho cô gái trẻ bước đi về phía tương lai sáng sủa, và tâm hồn cô cũng không nổi loạn, bức xúc, khó chịu như trước nữa, mà cảm thương hơn, thông cảm hơn, quyết tâm ăn học để mẹ được sung sướng.

3. Cách nói của Lê Duy Hạnh từ tốn và sâu sắc như thế. Không có vở nào lên gân, cứ nhẩn nha thả vào lòng người những câu chữ đẹp, hoặc nhiều tầng nghĩa, hoặc thăm thẳm nỗi niềm, hoặc man mác âu lo, hoặc bâng khuâng tiếc nuối, hoặc nghị lực kiên cường… Tùy vở mà ông dụng công, nhưng khi đã dụng công thì hầu như không sai trật, đều bắn trúng "hồng tâm", chính là trái tim và trí tuệ khán giả, ai chịu nghe kỹ từng lời từng chữ sẽ thấy "đã" vô cùng, chấn động vô cùng.

Nói không ngoa, Lê Duy Hạnh góp phần lớn làm nên đẳng cấp cho sân khấu phía Nam.

Soạn giả Lê Duy Hạnh qua đời ngày 6.9 tại nhà riêng ở quận 3, TP Hồ Chí Minh ở 76 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 9h ngày 7/9. Lễ truy điệu vào 5h ngày 9/9 tại Nhà tang lễ Thành phố, sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Theo Thethaovanhoa
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kịch bản tuyệt vời của soạn giả Lê Duy Hạnh