Những khám phá mới trong "Cánh đồng xa xăm"

21/07/2019 08:14

Phông nền chung của tập truyện Cánh đồng xa xăm là bối cảnh nông thôn miền Bắc thời kỳ hội nhập, đổi mới.



Đối với đề tài nông thôn, một đề tài tưởng dễ mà lại rất khó viết hay và hấp dẫn nhưng nhà văn Nguyễn Thu Hằng đã dẫn dắt người đọc đi từ cốt truyện này đến cốt truyện khác trong tập truyện Cánh đồng xa xăm (Nhà xuất bản Thanh niên, tháng 5.2019). Mảng đề tài này cũng là một thế mạnh của chị bởi chị đã từng gặt hái được nhiều giải thưởng với những truyện ngắn viết về nông thôn như Mùa rươi, Ra đồng gặp một người.

Phông nền chung của tập truyện Cánh đồng xa xăm là bối cảnh nông thôn miền Bắc thời kỳ hội nhập, đổi mới. Những đổi thay của thời cuộc đã tác động sâu sắc đến cộng đồng, nếp sống, nếp nghĩ của từng cá nhân. Diện mạo nông thôn thay đổi chóng mặt, cùng với đó là những biến động dữ dội, ngấm ngầm ở bên trong khiến người đọc không khỏi giật mình trước những mất mát không thể níu giữ. Những cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay dần bị thu hẹp nhường đất cho các công ty mọc lên. Những người đàn ông vì cuộc mưu sinh mà xa vợ, xa con đến xứ người lao động. Phần hồn của làng quê mai một khi những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ lung lay trước những tác động của nền kinh tế thị trường ùa về tận thôn cùng ngõ hẻm… Nhưng chiều sâu trong truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng không chỉ dừng lại ở đó bởi trong nhiều truyện, ngòi bút của chị tập trung khám phá, phát hiện và trân trọng những khát vọng bình dị, chính đáng của con người - những nông dân chân lấm tay bùn, mộc mạc đôn hậu (cô Thầm trong Mùa rươi, Cà trong Trăng rơi…). Những phụ nữ kém may mắn đó đã vượt lên số phận để khẳng định bản lĩnh và nhân cách.

Với 19 truyện ngắn trong hơn 200 trang sách, tác giả đã chứng tỏ khả năng sáng tạo chi tiết độc đáo, ám ảnh, được kể qua vốn ngôn ngữ dân quê phong phú, sinh động khiến người đọc hồi hộp theo sát cuộc đời nhân vật cũng như những biến cố, tình huống éo le, diễn biến tâm lý tinh tế, có chiều sâu trước bao va đập hằng ngày ở nông thôn (Gã lái máy cày đồng Vồ, Bù nhìn ruộng dưa, Lồng chim cu gáy…). Mỗi truyện ngắn là một thân phận, một mảnh đời, có biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau đã làm nên một chất giọng riêng, cách viết rất riêng. Đọc truyện của chị, chúng ta thấy thấp thoáng bóng dáng những người nông dân, những phụ nữ cơ cực nhưng vẫn luôn giữ được nét đẹp tâm hồn đáng quý. Nếu không gần gũi, không quan tâm và thấu hiểu cuộc sống ở nông thôn thì tác giả không thể phản ánh sinh động trên từng trang văn của mình đến thế.

Ngòi bút Nguyễn Thu Hằng đã vượt lên những điều tầm thường để cảm thông và hướng nhân vật của mình về với cái đẹp, cái thiện (trong Ngàn dâu, Kỳ mộc, Vị ấu gai…). Đó là những truyện ngắn có kết thúc bất ngờ đầy tính nhân văn. Truyện Cắn chỉ lại giống như một lời cảnh tỉnh đối với con người ở thôn quê trước những cám dỗ của xã hội hiện đại. Dù con người ta có buông thả hay giữ mình thì nỗi đau và lụy phiền trong đời sống này cũng đâu có nể chừa một ai. Phải chăng đó là thông điệp sâu sắc mà Nguyễn Thu Hằng muốn gửi đến độc giả.

Những truyện ngắn kể trên và một số truyện khác (Cánh đồng xa xăm, Cắt cỏ ven sông, Dấu chân còn về biển…) đều chứng tỏ tác giả đã quan sát, thấu hiểu và phản ánh chân thực số phận cũng như tâm tư, tình cảm của nhân vật trong những biến động không ngừng của nông thôn ngày nay. Tập truyện Cánh đồng xa xăm đã hướng người đọc tới những giá trị nhân văn cao đẹp, không chỉ đồng cảm với người nông dân mà còn thức tỉnh họ hãy giữ gìn bản sắc của làng quê trong bất cứ hoàn cảnh nào.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những khám phá mới trong "Cánh đồng xa xăm"