Những ''hạt sạn'' gây khó chịu trong Em và Trịnh

16/06/2022 17:35

Ngay khi vừa ra mắt, bộ phim “Em và Trịnh” đã gây ra nhiều tranh luận về chất lượng kịch bản, diễn xuất, nhiều "hạt sạn" được khán giả "nhặt" ra.

 Em và Trịnh  xoay quanh câu chuyện về quãng đời trung niên của Trịnh Công Sơn (Trần Lực), khi âm nhạc phản chiến của ông được cô gái người Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari) lựa chọn làm đề tài nghiên cứu. Những câu hỏi của cô đưa nhạc sĩ họ Trịnh quay lại miền ký ức của những ngày tháng trẻ trung, "gặp lại" những cô gái xuất hiện trong các bức tranh treo trong phòng ông.

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 1

NSƯT Trần Lực đảm nhận vai Trịnh Công Sơn thời trung niên

Với mong muốn khắc hoạ hình ảnh Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của tân nhạc Việt Nam, Em và Trịnh nhận về một thử thách không nhỏ, bởi đòi hỏi của khán giả chắc chắn nằm ở mức từ cao đến rất cao.

Xem phim, nhiều khán giả bày tỏ sự hài lòng về những khung cảnh thơ mộng trải dài từ Huế, Đà Lạt và TP.HCM. Hình ảnh đẹp và đầy rất thơ, bối cảnh xây dựng đầu tư, kỳ công, sự khéo léo trong việc xử lý hình ảnh bám sát ca từ nhạc Trịnh đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng câu chuyện tình của nhạc sĩ trẻ tuổi với Diễm, Dao Ánh.

Tuy nhiên, cảm xúc từ hình ảnh và những câu chuyện tình trong Em và Trịnh bị phá vỡ bởi chất giọng giả Huế của các diễn viên. Ngay từ khi xuất hiện, nhân vật Trịnh Công Sơn do Trần Lực đảm nhận đã khiến khán giả "mất hứng" với chất giọng Huế không chuẩn. Chưa kể, suốt bộ phim, những ký ức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được kể lại bằng giọng của ai đó, vì giả giọng quá lộ liễu nên rất khó nghe. Nhiều khán giả phải xem phụ đề trong chính bộ phim Việt này nếu muốn hiểu hết những gì nhân vật đang nói.

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 2

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 3

Avin Lu vẫn còn khá non nớt trong diễn xuất dù đã rất cố gắng

Nam chính Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn thời trẻ) cũng đã rất cố gắng khi nói tiếng Huế, nhưng còn quá xa để ra được chất giọng của người cố đô. Nhiều khán giả cho biết họ rất khó chịu khi nghe giọng Huế "nửa nạc nửa mỡ" của anh. Thậm chí trong một số phân đoạn, nam diễn viên nói giọng Bắc khiến người xem hụt hẫng. Giọng nói là yếu tố quan trọng để truyền tải cảm xúc cho khán giả, vì vậy dù biết việc nói theo chất giọng vùng miền khác không dễ, người xem vẫn cảm thấy ức chế và thất vọng khi xem.

Một điểm tối nữa của Em và Trịnh được nhiều khán giả nêu ra là sự ráp nối gượng gạo của những cảnh phim về thời cuộc xen vào mạch phim, như cảnh bắt lính, đạn bom chiến tranh... Nhiều cảnh được đưa vào hơi lên gân, lạc lõng với chuyện phim.

Ngoài ra, nhiều khán giả nhận xét, Em và Trịnh không có những câu thoại thật hay và đắt, điều mà họ mong đợi khi xem phim về Trịnh Công Sơn. Những câu thoại trong phim được đánh giá là quá đơn giản và chưa thể lột tả hết được cái "chất" của nhạc sĩ họ Trịnh.

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 4

Nếu tôn trọng người xem, nên lồng tiếng để các nhân vật trong phim nói giọng Huế đúng, không gượng gạo

Một điểm nữa khiến Em và Trịnh không tạo được thiện cảm với khán giả là sự tham lam của đạo diễn. Bộ phim đưa khán giả vào những khung cảnh thơ mộng cùng âm nhạc, nhưng lại ôm đồm tình tiết, thiếu kết nối cho những mẩu chuyện nhỏ. Điều này khiến phim dàn trải, lê thê suốt 136 phút thông qua lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ.

Mối tình giữa Trịnh Công Sơn và các người đẹp như Dao Ánh, Michiko, Bích Diễm... không tạo ra cảm xúc sâu sắc cho người xem. Mối tình của Trịnh Công Sơn đối với Dao Ánh là mối tình đầy day dứt và quyến luyến nhưng phim không thể hiện được điều này. Từ đó, các bức thư tình, lời văn lãng mạn của ông trở nên gượng gạo và sến súa nhiều hơn là lãng mạn. 

Diễn xuất của các nhân vật chưa có nhiều kinh nghiệm cũng là điểm hạn chế khá lớn của phim. Vai Dao Ánh lúc trưởng thành do Phạm Quỳnh Anh bị chê là lạc quẻ một cách vô lý.

Nhìn chung, Em và Trịnh thực sự vẫn chưa đẩy được cảm xúc của khán giả lên đỉnh điểm do không tạo ra điểm nhấn cao trào. Sự lạm dụng chế độ tua chậm trong phim cũng khiến khán giả tụt cảm xúc.

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 5

Những 'hạt sạn' gây khó chịu của 'Em và Trịnh'  - 6

Mối tình giữa Trịnh Công Sơn và các người đẹp như Dao Ánh, Michiko, Bích Diễm... không tạo ra cảm xúc day dứt cho người xem

Làm một bộ phim thuyết phục về Trịnh Công Sơn chắc chắn cần sự chăm chút cẩn thận; nhưng ở sản phẩm này, có cảm giác rằng sự hời hợt luôn quanh quẩn đâu đó dù nhà sản xuất bỏ ra 50 tỷ đồng để đầu tư. Nhiều người yêu nhạc Trịnh, từng đọc và nghe nhiều về cuộc đời, con người và âm nhạc của ông thấy hụt hẫng, thất vọng khi ấn tượng lớn nhất đọng lại sau Em và Trịnh hóa ra chỉ là sự bất lực của một gã trai đa tình vẫn luôn tìm cách khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn. Cũng bởi thế, chất lượng Em và Trịnh cùng lắm chỉ dừng ở mức "vừa vặn".

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ''hạt sạn'' gây khó chịu trong Em và Trịnh