Chính trường nước Mỹ dậy sóng sau sự việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton do “bất đồng sâu sắc trước nhiều đề xuất”.
Ông Fred Fleitz, cựu Chánh Văn phòng của ông Bolton là một trong những ứng viên nặng ký cho vị trí Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ
Quyết định này được xem là một bài toán tranh cử của Tổng thống Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang tới gần.
Sự ra đi được báo trước
Việc Tổng thống Donald Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là một quyết định khá bất ngờ song cũng nằm trong dự đoán bởi thời gian gần đây giữa nhà lãnh đạo Mỹ và ông Bolton có nhiều bất đồng quan điểm về các vấn đề đối ngoại.
Nhìn lại những quyết định về đối ngoại và an ninh mà ông Donald Trump đưa ra, có thể thấy rõ giữa họ có sự bất đồng. Đó là bất đồng giữa quan điểm “nước Mỹ ở mọi nơi” (phát động mọi cuộc chiến tranh) của ông Bolton với chủ trương “nước Mỹ là trên hết” (rút khỏi những chiến trường bất lợi) của Tổng thống Donald Trump.
Ông Bolton từng giữ vị trí Thứ trưởng Ngoại giao về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế (2001-2005) dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc giai đoạn 2005-2006.
Ông được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh quốc gia từ tháng 3.2018, thay thế người tiền nhiệm H.R McMaster sau khi ông này bị sa thải. Là người mang tư tưởng cứng rắn, ông John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách an ninh và đối ngoại của nước Mỹ.
Trong thời gian giữ cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia, với quan điểm cứng rắn, ông Bolton đã có những ảnh hưởng không nhỏ với Tổng thống Trump trong một số vấn đề. Đó là việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) vào năm 2018, một thỏa thuận mà ông Bolton luôn phản đối và muốn loại bỏ từ khi cựu Tổng thống Barack Obama ký năm 2015. Vào năm 2019, Tổng thống Trump cũng đã ủng hộ nỗ lực loại bỏ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một người luôn bị ông Bolton chỉ trích.
Tuy nhiên, ông John Bolton cũng được biết đến là người đã công khai đề nghị sử dụng sức mạnh quân sự đối với Triều Tiên, hay Iran vì theo đuổi vũ khí hạt nhân. Quan điểm cứng rắn này cũng đã khiến ông bị giới chức Mỹ chỉ trích, cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 2.2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Việc Tổng thống Mỹ theo đuổi đàm phán ngoại giao với Triều Tiên cho dù nước này đã nối lại các vụ thử tên lửa trong vài tuần qua, bất chấp phản ứng của Cố vấn an ninh John Bolton đã cho thấy rõ những bất đồng giữa ông và Tổng thống Trump. Hay việc Tổng thống Trump vào phút chót đã quyết định hủy bỏ cuộc không kích trả đũa Iran sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6.2019 cũng đã cho thấy rõ sự bất đồng đó.
Ngoài vấn đề Triều Tiên và Iran, ông Bolton còn được cho là có tiếng nói khác biệt với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo về chính sách của Mỹ tại Afghanistan. Trong khi Tổng thống Trump ngỏ ý muốn rút binh sĩ khỏi Afghanistan thì ông Bolton lại không đồng tình về vấn đề này.
Đây chính là đỉnh điểm của sự bất đồng giữa ông Bolton và Tổng thống Mỹ, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10.9 tuyên bố sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton do “bất đồng sâu sắc trước nhiều đề xuất” do quan chức này đưa ra.
Lý do Tổng thống Trump đưa ra là ông John Bolton có quan điểm cứng rắn và đã mắc nhiều sai lầm lớn.
Đó là đã khiến Mỹ thụt lùi trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên khi yêu cầu Bình Nhưỡng phải theo "mô hình của Libya" và "giao nộp tất cả vũ khí hạt nhân” để đổi lại sự nhượng bộ từ Mỹ. Theo Tổng thống Trump, đây không phải ý kiến hay và là "thảm họa".
Theo các nhà phân tích, lập trường cứng rắn của ông John Bolton đã đi ngược lại với chủ trương hòa hoãn của Tổng thống Trump. Sự ra đi của ông Bolton đã đánh dấu là người thứ ba sau Tướng H.R. McMaster và Tướng Michael Flynn rời khỏi vị trí Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Ai sẽ là Cố vấn An ninh Quốc gia mới?
Mặc dù quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn đang gây ra những tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ, song xét trên nhiều lĩnh vực, việc ông Bolton ra đi được nhận định sẽ mở ra nhiều triển vọng trong chính sách ngoại giao cho nước Mỹ.
Quan trọng hơn, điều này mang tính “sống còn” đối với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ suy giảm, bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp nhằm khôi phục niềm tin của người dân, Tổng thống Trump cũng cần gặt hái thành công về đối ngoại tại những điểm nóng.
Ví dụ như trong vấn đề Iran, Tổng thống Trump có thể thực hiện các chính sách mềm mỏng hơn với Tehran, thậm chí là tiến tới một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Iran, hoặc việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng cũng sẽ thuận lợi hơn, và cũng có thể sẽ cải thiện cả cơ hội gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới giữa Nga và Mỹ…
Đây sẽ là những thành tựu đáng giá để ông Trump ghi điểm trong lòng cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào năm 2020.
Chính vì vậy, người thay thế ông Bolton tới đây chắc chắn sẽ phải là người có cùng quan điểm với Tổng thống Trump, có sự thay đổi về cách tiếp cận vấn đề theo hướng triển khai “sức mạnh mềm”.
Mặc dù hiện Phó Cố vấn An ninh quốc gia Charles M. Kupperman đang được chọn làm cố vấn tạm quyền, nhưng Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ sớm công bố tên người kế nhiệm.
Theo Tổng thống Donald Trump, hiện ông đang nhắm đến 5 người có tiềm năng thay thế ông Bolton và cho rằng họ đều là những người “có trình độ rất cao”.
Theo dự đoán của giới phân tích, các nhân vật tiềm năng này gồm có: ông Fred Fleitz, cựu Chánh Văn phòng của ông Bolton; ông Keith Kellogg, Trung tướng đã nghỉ hưu và từng là Cố vấn An ninh Quốc gia; ông Jack Keane, cựu lãnh đạo quân đội đã nghỉ hưu và hiện là cố vấn cho Phó Tổng thống về an ninh quốc gia; ông Robert Blair - cố vấn cho Chánh văn phòng Nhà Trắng đương nhiệm Mick Mulvaney; và ông Robert C. O’Brien, phái viên phụ trách vấn đề đàm phán con tin của chính quyền Mỹ, người từng ca ngợi Tổng thống Donald Trump là nhà đàm phán con tin vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bên cạnh đó, một số nhà quan sát còn đưa ra một số cái tên ngoài danh sách trên như: trợ lý hàng đầu của Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông Brian Hook, đặc phái viên về Iran, và ông Stephen Biegun, đặc phái viên về Triều Tiên. Sở dĩ hai cái tên đó nổi bật là vì Washington hiện được cho là đang chú trọng giải quyết căng thẳng leo thang với Iran và tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Ngoài ra, một số cái tên khác cũng có khả năng nằm trong danh sách được “cất nhắc” như: bà Paula Dobriansky, làm việc trong Bộ Ngoại giao từ thời các chính quyền Cộng hòa trước đây cũng như từng có thời gian công tác ở Hội đồng An ninh Quốc gia; Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell; ông Ricky Waddell, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời chính quyền ông Donald Trump; ông Pete Hoekstra, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, hiện là Đại sứ Mỹ tại Hà Lan; ông Robert Kimmitt, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính; ông Douglas Macgregor, cựu sĩ quan quân đội…
Theo TTXVN