Những giá trị vững bền trong tư tưởng của Vlađimia Ilich Lênin

22/04/2022 10:31

Tư tưởng của V.I.Lênin là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.

Vladimir Ilyich Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới

Là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Lênin sinh vào ngày này cách đây 152 năm, ngày 22.4.1870.

Những cống hiến vĩ đại cho nhân loại

Giống như Các Mác và Ph.Ăngghen ở thế kỷ XIX, V.I. Lênin đã xuất hiện trong thế kỷ XX với tư cách là một nhà bác học vĩ đại nhất trong cách mạng và nhà cách mạng vĩ đại nhất trong khoa học. Ông không chỉ là người kế tục trung thành học thuyết khoa học, cách mạng của Các Mác và Ph.Ăngghen mà còn bổ sung, phát triển toàn diện học thuyết Mác, nâng nó lên tầm cao mới, chuyển lý luận thành thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa; làm cho chủ nghĩa Mác thật sự trở thành hệ tư tưởng thống trị trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; giúp giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại trong một mặt trận thống nhất để chống kẻ thù chung-chủ nghĩa tư bản phản động-bảo vệ quyền sống làm người chính đáng của mình.


Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Lênin đã để lại một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch.

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Lênin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại cả về lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, Lênin đã đúc kết toàn bộ chủ nghĩa Mác một cách khoa học, hệ thống, cơ bản và trong khi bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của phái dân túy, của những người theo chủ nghĩa Makhơ, theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại và luận điệu phản cách mạng của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác, Lênin đã bổ sung nhiều nội dung mang tính chân lý bền vững cho cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, trong đó:

Ở triết học, đó là những nội dung về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật, về lý luận nhận thức, về nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về nhà nước, nhà nước chuyên chính vô sản…

Ở kinh tế học chính trị, Lênin là người đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội ở quốc gia mà giai cấp vô sản đã giành được chính quyền nhưng tiền đề về kinh tế và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ. Đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) với nhiều thành phần kinh tế mà mục tiêu của nó là phát triển sản xuất để giải phóng người lao động trên cơ sở kỹ thuật tiên tiến, quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Lênin cũng là người xác định nhiệm vụ kinh tế-xã hội cơ bản có ý nghĩa quyết định trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế với những nhiệm vụ cơ bản là công nghiệp hóa, từng bước đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn thông qua con đường hợp tác hóa đồng thời phải tiến hành cách mạng về văn hóa, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ học vấn, khoa học-kỹ thuật cho nhân dân, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tư tưởng, tập quán cũ, làm cho nhiệt tình cách mạng, tinh thần sáng tạo của nhân dân được phát huy mạnh mẽ…

Ở chủ nghĩa xã hội khoa học, Lênin đã làm giàu thêm chủ nghĩa xã hội khoa học bằng lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước; về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ với các hình thức quá độ, các “bước quá độ”, các mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ; đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ…

Với những cống hiến của Lênin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác-Lênin - chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.

Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Lênin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Là lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Lênin không chỉ quan tâm đến vận mệnh của nước Nga, mà còn luôn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. Bằng sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Nga, Lênin đã xác định đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản; đồng thời vạch ra những vấn đề có tính nguyên tắc của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng của Lênin về đoàn kết giai cấp công nhân ở tất cả các quốc gia; các dân tộc bị áp bức là một chủ thể trong tiến trình thực hiện cách mạng; vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại… còn mang tính chiến lược định hướng, thúc đẩy các cuộc đấu tranh giành độc lập trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy cho các trào lưu đấu tranh giành quyền tự do dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh


Đối với Việt Nam, nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Từ đây, hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cái “cẩm nang thần kỳ” nhưng không sao chép, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, đến nay, lý luận của Lênin nói riêng, của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa to lớn, lịch sử trên con đường cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Một trong những bài học lớn là bài học độc lập tự chủ trong việc xem xét đánh giá đúng tình hình, trong việc vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, trong việc học tập kinh nghiệm của các nước. Đó là bài học bắt nguồn từ tư duy biện chứng, tư duy sáng tạo của Lênin. Trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nếu biết vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có sáng tạo thì chúng ta giành được thắng lợi; ngược lại, nếu xa rời tư duy biện chứng, nếu giáo điều rập khuôn thì nhất định sẽ mắc sai lầm và không tránh khỏi những tổn thất nhất định.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen, Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cơ sở luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; coi đây là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng vô sản.

Bởi vậy, dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giá trị vững bền trong tư tưởng của Vlađimia Ilich Lênin