Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình di sản tập quán xã hội được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nô nức trẩy hội Đền Hùng dịp Giỗ Tổ
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, trong khi nhiều tôn giáo tín ngưỡng dân gian khác đã thay đổi, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Giá trị đạo đức truyền thống
Ở Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất. Ở góc độ làng xã là thờ thành hoàng làng. Ở góc độ quốc gia - dân tộc là thờ Vua Tổ của đất nước – Hùng Vương. Thờ phụng các Vua Hùng và những vị anh hùng có công với dân với nước là sự thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tôn kính công đức của các bậc tiền nhân, là cơ sở hình thành lòng nhân ái, tính cộng đồng. Quá trình ý thức về tổ tiên, về các Vua Hùng và những người có công với dân với nước mang lại giá trị nhân văn sâu sắc. Nó khởi phát mối thiện tâm trong mỗi con người, trong cộng đồng xã hội, nhắc nhở con người hành động theo chuẩn mực nhất định.
Lòng yêu nước
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự tôn trọng sùng bái công lao to lớn của các Vua Hùng. Công đức các Vua Hùng là biểu tượng của anh hùng lập nước, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn. Ý thức về các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Ngay từ năm 40-43 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đọc lời thề Sông Hát trước khi xung trận: “Một, xin rửa sạch quốc thù/Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”.
Trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt cũng khẳng định: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”. Và đến thời đại Hồ Chí Minh, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Cố kết cộng đồng dân tộc
Giáo sư Nguyễn Chí Bền cho rằng: “Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng sinh ra từ một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ. Ở cấp độ quốc gia, tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một tổ, chung một ngày giỗ Tổ, chung một cội nguồn.
Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng trong dịp Giỗ Tổ hằng năm được đông đảo du khách hưởng ứng
Hướng con người tới chân - thiện - mỹ
Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng, các yếu tố tâm linh được ẩn chứa sâu sắc từ các kiến trúc đền, miếu nơi tiến hành các tín ngưỡng đến các nghi lễ tế, lễ rước, lễ vật, phẩm vật, phẩm phục… và các trò diễn dân gian.
Bên cạnh đó giá trị văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện ở chỗ nó hướng con người tới chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng, tôn thờ.
Giá trị lịch sử
Giá trị dễ nhận thấy của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị lịch sử. Tín ngưỡng không phải là lịch sử đích thực, mà là lịch sử hiện lên, ánh xạ qua cảm xúc, qua niềm tin, là ý thức của người dân về lịch sử. Trên vùng đất Phú Thọ có thể thấy dày đặc các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó các trò chơi dân gian, các diễn xướng, các lễ hội truyền thống đều gắn kết với chủ đề dựng nước và giữ nước thời đại các Vua Hùng. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường... thể hiện vùng đất Phú Thọ là kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Đằng sau bức màn truyền thuyết là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen nhau. Kết hợp giữa các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ như Gò Mun, Phùng Nguyên, Sơn Vi, làng Cả, xóm Dền và các di vật, cổ vật được tìm thấy quanh núi Hùng như Nha Chương, trống đồng, rìu, mũi tên... cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại, trung tâm khởi phát của người Việt cổ.
Tiền đề phát triển du lịch
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng đang là sản phẩm độc đáo, đặc biệt của kinh tế du lịch. Hằng năm, khu di tích lịch sử Đền Hùng đón 6-8 triệu lượt du khách. Đây là yếu tố thuận lợi cho ngành kinh tế du lịch khai thác tiềm năng và phát triển. Xét ở góc độ này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và hấp dẫn, là sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt cho ngành kinh tế du lịch.
NGUYỄN ĐẮC THỦY, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ