Một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định, đề cập trực tiếp, đó là: "Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo."
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Trải qua 77 năm, những tư tưởng vượt thời đại của bản Hiến pháp này cho đến nay vẫn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc.
Một trong số đó phải kể đến nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định, đề cập trực tiếp, đó là: "Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo."
Có thể thấy trong quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc như trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc."
Tại các Đại hội tiếp theo, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc là sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay.
Hay như: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội."
Tiếp tục khẳng định quan điểm của các nhiệm kỳ đại hội trước, Đại hội XI chỉ rõ Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XII nhấn mạnh yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay là phải “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc." Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Đại hội XIII đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;" xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ."
Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Tiếp nối mạch nguồn trong quá trình phát triển, gần đây nhất, từ những kết quả của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII có thể nhận thấy một yếu tố quan trọng, xuyên suốt là các quyết sách của Hội nghị đều thể hiện tư tưởng “dựa vào dân, lấy dân làm gốc;" xây dựng "thế trận lòng dân," lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về đại đoàn kết tiếp tục là sự chỉ dẫn thiết thực, là kim chỉ nam đối với hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và phát triển.
Thời gian tới, để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tiếp tục xây dựng và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Các chủ trương, chính sách, luật pháp phải sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc.
Có hai mục tiêu 100 năm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII, đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện hai mục tiêu trên, cũng là khát vọng phát triển của toàn dân tộc Việt Nam, thì việc phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu.
Có thể thấy, tinh thần đoàn kết bắt nguồn từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức, biến cố và viết nên những trang sử chói lọi.
Kể từ khóa 1, năm 1946 - dấu mốc ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của nước nhà đến nay, những giá trị cốt lõi tốt đẹp của bản Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát huy trong bốn bản Hiến pháp sau này là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Trong cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (tháng 11/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam được cấu thành bởi mọi người dân trong tất cả các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, bộ phận xã hội khác nhau và mỗi giai tầng, bộ phận đều đóng góp một vai trò nhất định, tạo nên sức mạnh tổng hợp, được Đảng ta trân trọng và phát huy tối đa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 đã được Quốc hội khóa 1 thông qua tại Kỳ họp thứ 2 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản, đó là đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền lợi dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Lời nói đầu trong Hiến pháp tiếp tục khẳng định: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại."
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khẳng định trong Hiến pháp 1946 đến nay đã tròn 77 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Theo TTXVN