Không ngại khó khăn, những người nông dân có tiếng là “gàn” ở thôn Tân Lập quyết bám đất, giữ đất để phát triển kinh tế gia đình.
Từ một vùng đất đảo bị cô lập với bốn bề sông nước, những người nông dân có tiếng là “gàn” ở thôn Tân Lập, xã Kênh Giang (Chí Linh) không ngại khó khăn, bám đất, giữ đất để phát triển kinh tế gia đình.
Nông dân ở Tân Lập mua máy móc để sản xuất trên quy mô lớn
Mồ hôi khai pháChúng tôi về thôn Tân Lập vào một ngày đầu hè oi bức. Mới 5 giờ 30, những người nông dân nơi đây đã tay xách nách mang nào cuốc, nào xẻng ra đồng làm việc.
Thôn Tân Lập xưa kia vốn là vùng đất đảo do phù sa của dòng sông Kinh Thầy bồi đắp. Khi ấy, dân cư thưa thớt, chỉ hơn chục hộ. Cuộc sống vất vả quanh năm nên họ chỉ biết bám lấy dòng sông làm kế sinh nhai. Mọi sinh hoạt giao lưu với các địa phương xung quanh dường như bị cô lập hoàn toàn. Ông Phùng Văn Sơn (58 tuổi) kể: “Thuở còn nhỏ, hằng ngày anh em chúng tôi thường theo cha đi thuyền đánh lưới bắt tôm, bắt cá. Lúa chỉ cấy được ít diện tích và chỉ có một vụ thôi. Cuộc sống khó khăn lắm, trẻ em nào có mấy đứa được đi học. Nếu muốn đi học phải gửi nhờ sang các xã khác xung quanh. Một số người dân quê tôi lần lượt kéo nhau đi khắp nơi làm thuê để thoát khỏi cái nghèo, cái đói”.
Nhưng đất chẳng bao giờ phụ công người. Một số nông dân Tân Lập vẫn bám trụ với mảnh đất quê hương. Họ tập trung lại, góp công sức dựng cầu, làm đường, cải tạo vùng đất bãi để trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá…
Anh Nguyễn Văn Vụ (sinh năm 1972) đã có cơ hội thoát ly để xây dựng cuộc sống riêng nhưng anh không muốn xa rời quê hương. Năm 1993, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê nhà. Trên diện tích đất bãi có sẵn, anh cùng gia đình tập trung cải tạo mở rộng 5 mẫu trồng lúa và hoa màu. Anh Vụ cho biết: “Nhiều người vẫn bảo tôi gàn dở khi cứ bám trụ mãi ở vùng đất khỉ ho, cò gáy này. Không có điện, tối đến chúng tôi phải thắp đèn dầu. Vào mùa mưa bão, con đường nhỏ oằn mình trong nước ngập. Khi ấy, ai cũng nản chí”. Để thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông, năm 2006, người dân Tân Lập bảo nhau góp công, góp sức dựng tạm một cây cầu gỗ để đi lại. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng hệ thống điện để người dân yên tâm lao động”. Với số vốn vay ban đầu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hai vợ chồng anh Vụ dồn sức vào 8 sào trồng đỗ, 2 sào ngô, 7 sào dưa hấu, sắn dây, mía…
Cũng mang tiếng là người “gàn dở”, anh Nguyễn Văn Sơn (46 tuổi) ở thôn Lê Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) đã gắn bó với vùng đất bãi Tân Lập được gần chục năm nay. Năm 2008, sau khi bươn chải với nhiều nghề khác nhau, anh quyết định đến Tân Lập đầu tư sản xuất. “Khi ấy, gia đình và bạn bè tôi phản đối ghê lắm. Nhiều người còn nói tôi bị điên mới sang lập nghiệp ở nơi này”, anh Sơn nhớ lại. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, gia đình anh vẫn quyết tâm tay bồng, tay bế sang đây lập nghiệp. Anh dựng tạm ngôi nhà nhỏ làm chỗ trú chân. Hằng ngày, hai vợ chồng anh, người đi làm đất trồng cây, người đi đào ao thả cá. Đưa đôi bàn tay trần thô ráp với những vết sẹo chằng chịt lên trước mặt, anh chia sẻ: “Có những lúc nản chí, nằm trong căn nhà nhỏ không điện, không nước, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Nhìn đứa con gái ngây thơ, nhỏ dại đang ngon giấc, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng làm ăn để lo cho cháu có một tương lai tốt đẹp hơn”. Quần quật làm lụng, công sức của gia đình anh đã được đền đáp. Hiện nay, ngoài diện tích gần 5 ha nuôi cá, vợ chồng anh còn có gần 30 mẫu trồng hoa màu. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh đạt gần 100 triệu đồng. Đầu năm 2016, anh Sơn còn vay thêm vốn từ ngân hàng để mua một chiếc máy xúc, một xe ô tô tải để cải tạo khu trang trại và phục vụ nhu cầu của người dân.
Đất bãi “lên đời”Khi cuộc sống dần ổn định cũng là lúc những người dân nơi đây lại phải gồng mình chống chọi với nạn “cát tặc” để bảo vệ từng bãi đất quê hương. Đưa tôi đi dạo một vòng quanh “xóm đảo”, Trưởng thôn Tân Lập Nguyễn Văn Vụ nở nụ cười tươi khi chỉ tay về những bãi ngô xanh rờn, những ao cá được người dân đắp bờ kiên cố. “Gần chục năm qua, nạn cát tặc cứ hoành hành khiến người dân quê tôi hoang mang, lo lắng. Hơn 10 ha đất bãi đã bị những vòi hút công suất lớn hút mất. Có những đêm, hàng chục chiếc vòi rồng cắm sát vào bãi đất, thậm chí còn sục thẳng vào trong ao của các gia đình để hút cát”, anh Vụ kể lại.
Một số gia đình đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm
Trong thời điểm khó khăn ấy, người dân Tân Lập đã biết đoàn kết, tập hợp nhau lại để chống chọi với nạn cát tặc. Họ thay phiên nhau ngày đêm túc trực để xua đuổi tàu hút cát. Cuộc chiến với cát tặc vô cùng căng thẳng. Anh Sơn tâm sự: “Không đấu tranh thì hằng ngày chúng tôi phải chứng kiến từng tấc đất của mình bị xẻ thịt. Còn đấu tranh thì bị những đối tượng lạ mặt đe dọa. Nhiều gia đình trong đó có gia đình tôi đã bị phá hoại hoa màu, cây trồng, thậm chí còn bị dọa đánh. Nhà có con nhỏ nên chúng tôi vô cùng hoang mang”.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hàng chục con tàu hút cát trái phép đã bị bắt giữ và xử lý. Dòng sông Kinh Thầy trở về yên ả để ngày đêm bồi đắp thêm những hạt phù sa màu mỡ giúp người nông dân nơi đây phát triển kinh tế.
Hiện nay, toàn thôn Tân Lập có trên 25 hộ dân với gần 100 nhân khẩu. Các gia đình đều tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại trồng rau màu, chăn nuôi gia súc và đào ao thả cá. Kinh tế được cải thiện, một số gia đình đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên… Một số hộ dân đã rời quê hương đi làm ăn ở nơi khác nay cũng quay trở lại để xây dựng kinh tế. Từ trên bờ đê đầu làng nhìn xuống, Tân Lập giống như một làng sinh thái thu nhỏ với những luống hoa, ruộng rau xanh ngát, ao hồ rộng lớn, xen kẽ những mái nhà ngói với đầy đủ tiện nghi. Anh Nguyễn Văn Sơn khoe với chúng tôi: “Đời sống của người dân Tân Lập giờ đã đổi thay nhiều lắm. Kinh tế được cải thiện, các cháu nhỏ đã có cơ hội cắp sách đến trường. Con đường đất xưa nay người dân vẫn phải vất vả đi lại sắp được bê tông hóa. Trước đây, không ai trong chúng tôi dám mơ đến sự thay đổi này. Từ nay, chúng tôi sẽ yên tâm hơn để phát triển kinh tế và có cơ hội xây dựng quê hương trở nên giàu đẹp”.
Chia tay những người nông dân hiền lành của thôn Tân Lập, nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt họ là hình ảnh ấn tượng với chúng tôi. Họ không còn là những gã “gàn” mà đã trở thành người “hiệp sĩ” kiên cường trên vùng đất bãi.
ĐỨC TÂM