Đừng áp đặt nhiều kỳ vọng và ước mơ của mình lên đầu con, bắt chúng phải thực hiện. Liệu con có thật sự hạnh phúc khi phải sống với ước mơ dang dở của người khác?
Tại lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế ngày 18.12, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhắn nhủ các em học sinh:
“Mong các em đừng quá gây áp lực cho bản thân. Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em. Nếu không, những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới”.
Nhiều đứa trẻ phải chịu áp lực học hành quá lớn
Tuy nhiên, học sinh đôi khi cũng không tự gây áp lực cho bản thân mình mà áp lực lại đến từ phụ huynh, do nhiều gia đình đặt kỳ vọng vào con quá lớn.
Lan là cô bé học trò cũ của tôi cách đây hơn chục năm. Em sống trong gia đình có ba mẹ đều là cán bộ công chức bình thường ở một cơ quan nhà nước. Nhiều lần mẹ em nói chuyện, ngày xưa từng khao khát trở thành bác sĩ nhưng đã không thực hiện được ước mơ.
Mong ước sau này, con sẽ làm được điều đó. Nói rồi chị cho biết: “Tôi không bắt con làm bất cứ việc gì ngoài chuyện học. Lao động vất vả đến mấy, chúng tôi cũng chịu đựng được, miễn con phải cố gắng trong học tập”.
Không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của mẹ, cô bé Lan luôn là học sinh dẫn đầu lớp từ cấp 1 đến cấp 3 với thành tích học sinh xuất sắc. Em học suốt ngày đêm, học 2 buổi trên trường, tối về còn chạy sô học thêm ca nữa. Ngày Chủ nhật trong khi các bạn cùng trang lứa nghỉ ngơi thì vẫn thấy em miệt mài "cày" ở các lớp học thêm.
Để giữ vững vị trí đầu lớp, các con điểm của em phải luôn ở mốc 10 hoặc chí ít cũng là 9.5. Có không ít lần khi phát bài kiểm tra đạt 9 điểm, em đã khóc vì sợ bị tụt hạng.
Đi đâu mẹ cũng khoe con học nhất lớp, nhất trường. Ai nghe cũng khen, cũng ngưỡng mộ. Ngày báo điểm thi tốt nghiệp, em đạt điểm khá cao nhưng điểm 3 môn Toán, Sinh, Hóa lại không đủ đưa em vào trường đại học y dược.
Mẹ em đã nổi cơn thịnh nộ mắng chửi em suốt ngày. Nào ăn tốn cơm tốn gạo, nào bao công sức của cha mẹ đổ sông đổ biển, nào sao không biết học con nhà người ta, nó ăn gì mà học giỏi thế, nào giờ ba mẹ biết giấu cái mặt đi đâu?...
Em đã khóc không còn nước mắt. Có lẽ buồn vì trượt thì ít vì với số điểm 26 em vẫn dư sức vào những trường đại học khác nhưng không thực hiện được sự kỳ vọng của ba mẹ, mới làm em hối hận và đau.
Thế là, Lan đóng cửa ở mãi trong nhà mặc cho bên ngoài sau những tiếng chì chiết là lời năn nỉ, van xin của ba mẹ. Cuối cùng, cánh cửa phòng được phá ra mọi người hoảng hốt khi thấy em nằm lả đi trên giường.
Cũng giống như Lan, Hùng là cậu con trai duy nhất của gia đình mà ba và mẹ chỉ là công nhân một nhà máy. Mẹ Hùng cũng nhiều lần nói đời ba mẹ khổ nên không được học hành đến nơi đến chốn.
Mong ước duy nhất của mẹ là Hùng sẽ đỗ đạt cao để đổi đời. Ba mẹ luôn kiểm soát Hùng trong việc học. Mỗi ngày học về, đều hỏi hôm nay con được mấy điểm, đạt điểm cao thì thôi nếu điểm thấp hơn bạn thể nào cũng bị chất vấn “tại sao chỉ có bấy nhiêu điểm thôi?”.
Hùng nói sợ mẹ buồn nên càng phải ráng học. Ngoài học chính khóa, cậu đăng ký học thêm ở trường, dạy ở trung tâm và còn dạy kèm riêng ở nhà nữa. Nhiều thầy cô cho biết, trong nhiều năm học, Hùng chưa bao giờ vắng học thêm dù chỉ một buổi.
Sau những ngày thi xong tốt nghiệp, Hùng nói đã trút được gánh nặng ngàn cân. Những ngày chờ điểm thi cũng là những ngày cậu la cà hết quán này đến những địa điểm vui chơi khác. Nhiều bạn bè nói rằng, nó chơi bù những tháng ngày vùi đầu vào học.
Thật không may cho Hùng, cho gia đình em, có lẽ do thiếu kỹ năng phòng vệ nên em đã bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo và dính vào "nàng tiên nâu" lúc nào không biết. Khi gia đình phát hiện, cũng là lúc Hùng đã trượt dài trên con đường nghiện hút.
Hùng nói mình chỉ hút thử vài lần rồi bỏ, chỉ vài lần thì sao có thể nghiện được? Thế nhưng cứ hết lần này đến lần khác mà không dễ gì thoát ra.
Ba mẹ buộc phải cho Hùng đi cai nghiện ở trung tâm với hy vọng con sẽ từ bỏ được cám dỗ. Không ít lần, mẹ Hùng đã chia sẻ với giáo viên nếu ngày ấy đừng gò bó con quá, đừng tạo áp lực nhồi nhét kiến thức vào đầu con mà chú trọng thêm những kỹ năng ngoài cuộc sống thì biết đâu con đã không trượt dài như thế.
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình thành công, hạnh phúc. Nhưng đừng vì thế mà chúng ta áp đặt quá nhiều kỳ vọng và ước mơ của mình lên đầu con trẻ bắt chúng phải thực hiện. Liệu con có thật sự hạnh phúc khi phải sống với ước mơ dang dở của người khác?
Không phải ai học giỏi thì sau này cũng thành đạt, mỗi đứa trẻ đều có một thế mạnh riêng. Yêu con, hãy để các con được sống với ước mơ, hoài bão của riêng mình. Cần tôn trọng sự lựa chọn của con và đừng nên so sánh con với người khác mà chỉ nên nhìn thấy sự nỗ lực của chính bản thân con mỗi ngày là đủ.
Theo Giáo dục Việt Nam