Việc tử tế

Những đôi chân hy vọng

BẢO ANH 27/10/2023 13:02

Với sự trợ giúp từ cộng đồng, những người khuyết tật có đôi chân không lành lặn đã được hỗ trợ lắp chân giả, giúp họ vững bước, tự tin vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

z4542248416236_73eb95dd983ffd8a64fc89e7c507f28e(1).jpg
Người khuyết tật đo, chỉnh hình để lắp chân giả (ảnh cơ sở cung cấp)

Chân giả... bước đi thật

Những tưởng mọi ước mơ, dự định tương lai sẽ khép lại khi bị mất một chân sau tai nạn giao thông nhưng giờ đây anh Nguyễn Tuấn Hoạt ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) lại có thể tự tin tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình. “Tôi không dám mơ sẽ có một ngày mình đi lại gần như bình thường như bây giờ. Chiếc chân giả mới lắp do Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương hỗ trợ đã giúp tôi đi lại thuận lợi hơn. Tôi cũng đã tìm được việc làm ổn định tại một cửa hàng sửa chữa điện thoại di động", anh Hoạt nói.

Từ đầu tháng 8 đến nay, 21 người khuyết tật khó khăn do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, người bị ảnh hưởng bom, mìn sau chiến tranh đã được Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương phối hợp Trung tâm Tư vấn trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật (Hà Nội) hỗ trợ lắp chân giả.

Ông Phạm Văn Tuân ở thị tứ Lê Lợi, xã Lê Lợi (Gia Lộc) cho biết: “Tôi không may bị tai nạn lao động mất một chân, đi lại khó khăn nên sinh hoạt phụ thuộc nhiều vào người thân. Từ ngày được lắp chân giả với kích thước, hình dáng gần giống với chân còn lại, tôi đã đến được nhiều nơi, tự tin chăm lo cho bản thân và mở thêm cửa hàng sửa xe đạp”.

ong-tuana76f8913574d75420de6f4c0f04d7ac5.jpg
Ông Phạm Văn Tuân ở thị tứ Lê Lợi, xã Lê Lợi (Gia Lộc) được lắp chân giả, đã tự lo cho bản thân và mở thêm cửa hàng sửa xe đạp

Chân giả do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương vận động thực hiện đã tạo cơ hội cho những người khuyết tật thay đổi cuộc sống. Ông Bùi Trung Thông, đại diện Hội Người khuyết tật huyện Thanh Hà cho biết lắp chân giả giúp người khuyết tật dần vượt qua những tự ti bệnh tật hòa nhập cộng đồng. Nhiều người thay vì phụ thuộc vào người thân đã tự chăm sóc bản thân, phụ giúp gia đình. Có người còn mạnh dạn tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định.

Gieo niềm tin

Anh Đặng Văn Tuy ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã tự tin đi lại nhờ chân giả mà anh được Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam hỗ trợ lắp đặt 4 năm trước. Không may bị mất một chân do tai nạn lao động khi đang làm việc ở Đài Loan, trở về quê hương anh Tuy mất hết hy vọng vào bản thân. Đã có lúc anh chán nản giam mình trong nhà, không muốn gặp ai. Từ ngày được lắp chân giả, anh Tuy không còn mặc cảm, có thể hỗ trợ vợ con làm việc nhà, thậm chí tự đi xe máy đưa đón con đến trường. “Chiếc chân giả đã giúp nhiều người khuyết tật như chúng tôi đi lại thuận tiện, gieo hy vọng và tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua chính mình, tiếp tục thực hiện những ước mơ, dự định còn dang dở”, anh Tuy nói.

anh-tuy2b41172719a85351813cbb069c9c4d68.jpg
Anh Đặng Văn Tuy ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã có thể giúp vợ con làm việc nhà

So với những chiếc nạng, chân giả được thiết kế có kích cỡ gần giống chân thật còn lại nên đã giúp người khuyết tật đi lại dễ dàng hơn.

Khi chồng được lắp chân giả, bà Nguyễn Thị Tê, vợ ông Vũ Văn Thống ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) vui hơn cả. Bà Tê kể mất một chân đi đâu ông Thống cũng phải mang theo đôi nạng rất bất tiện. Niềm đam mê trồng cây cảnh dần mất đi vì không thể di chuyển, mang vác dụng cụ như trước. “Có những hôm nhìn ông ấy đi nạng ra vườn trồng cây, đường trơn trượt, bước đi không vững, ngã, người lấm lem bùn đất mà tôi không khỏi xót xa. Từ ngày được lắp chân giả, đam mê trồng cây cảnh dần trở lại, ông ấy thêm tin yêu cuộc sống”, bà Tê chia sẻ.

Hải Dương hiện có hơn 40.000 người khuyết tật, trong đó có không ít người mất một chân hoặc cả hai chân phải dùng nạng, xe lăn rất bật tiện. Lắp chân giả giúp họ tự tin, vượt khó vươn lên. Từ đầu năm đến nay, Hội Người khuyết tật tỉnh đã hỗ trợ lắp 44 chân, tay giả cho người khuyết tật và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 10 người khuyết tật nữa được hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết người khuyết tật phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Các chương trình hỗ trợ lắp chân giả do nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện luôn có ý nghĩa lớn. Trên những chiếc chân giả, người khuyết tật có những bước đi nghị lực, giúp họ trở thành những người tàn nhưng không phế.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Những đôi chân hy vọng