Những đôi bàn tay

12/02/2012 15:03



Con người sinh ra không phải ai cũng lành lặn, nhưng tất cả chúng ta đều được ban cho đôi bàn tay. Đôi bàn tay mỗi người một khác: có bàn tay to bè vì phải khuân vác, có bàn tay thon thon búp măng của người nghệ sĩ, có bàn tay bé nhỏ hằn vết chai nơi ngón giữa của cậu học trò... Nhưng những bàn tay ấy đều ngày ngày làm việc, chăm chỉ và cần mẫn. Mỗi ngày, đôi bàn tay phải làm biết bao công việc, từ những thứ nhỏ nhặt như vén tóc làm duyên, chống cằm suy tư hay đóng cửa, mở cửa, hay viết ra những bài luận văn có thể thay đổi cả cuộc đời- mọi việc diễn ra tự nhiên và có vẻ là tất nhiên- đến nỗi ta còn chẳng hề cảm nhận được sự quan trọng của đôi tay mình. Bạn, tôi và mọi người khác nữa, thường bảo vệ đôi mắt, tự hào về trí não, nhưng lại mấy ai đã biết và trân trọng đôi bàn tay của mình? Như một lẽ tất yếu ở đời. Khi có thì ta ít cảm thấy đáng quý. Nhưng những đôi bàn tay không hề lành lặn, thậm chí là không hề có thì sẽ ra sao, chủ nhân của nó sẽ gặp bất tiện thế nào?

Tôi từng đọc câu chuyện về một "đôi bàn tay can trường" được đăng trong cuộc thi "Sống dũng cảm" của báo Hoa học trò. Cô bạn nhỏ trong câu chuyện ấy không có  một đôi bàn tay lành lặn. Bàn tay phải của bạn chỉ có bốn ngón. Tất nhiên khiếm khuyết đó đã gây ra rất nhiều bất tiện cho bạn, từ việc viết bài, cầm nắm đồ vật... Nhưng điều quan trọng nhất là nó dẫn đến sự mặc cảm, tự ti với cô bé "không giống với mọi người". Cô bé cố gắng che đi đôi bàn tay mình, thậm chí đeo găng tay, giấu trong túi áo cả ngày để không bị bạn bè chú ý. Thậm chí cô không dám kết bạn, không dám nắm tay ai vì một nỗi ám ảnh: Người bạn đầu tiên nắm tay cô đã thốt lên rằng: "Tay bạn chỉ có bốn ngón à...". Chỉ cho đến khi cô phải đối mặt với thử thách: gõ bàn phím máy tính bằng 10 ngón, cô mới thật sự nhận ra giá trị của đôi bàn tay mình. Không ai quan tâm cô gõ phím bằng chín ngón mà đều xuýt xoa vì cô gõ rất nhanh, các bạn còn tế nhị không nói rằng "gõ 10 ngón" mà là "gõ bằng hai bàn tay". Lần đầu tiên, cô bật khóc không phải vì sự tủi thân, sự khiếm khuyết của bản thân. Cô khóc  vì ân hận đã không cho đôi bàn tay mình thêm nhiều cơ hội. Cô gái ấy đã vượt qua thử thách cùng đôi bàn tay bé nhỏ nhưng can trường của mình. Không chỉ là thử thách ở lớp tin học mà còn là khi cô tự tin giơ đôi bàn tay bốn ngón vẫy chào các bạn. Đôi bàn tay ấy đã dám dũng cảm vượt qua khiếm khuyết của nó "tự tin nắm chặt tay bạn bè".

Bác tôi sau khi đi bộ đội về đã bị bom mìn làm cụt mất bàn tay trái và hai ngón tay phải. Một người lớn tuổi, không có việc làm lại bị khuyết tật, bác gần như bị dồn vào ngõ cụt. Nhưng với nghị lực và sự kiên cường, bác đã dùng đôi bàn tay chỉ còn ba ngón ấy để nuôi sống cả gia đình. Tay không vững thì bác làm một hệ thống tưới nước ở ngay trong vườn để không phải xách nước mỗi ngày. Tay không khoẻ để làm ruộng, bác chuyển sang nhận đồ gia công... Đôi tay của bác tuy bị khuyết tật nhưng chưa một lần được ngơi nghỉ.

Những con người ấy đang hằng ngày sống xung quanh ta, và những đôi bàn tay ấy có thể ta đã từng gặp, chỉ có điều ta không biết rằng sau những đôi bàn tay ấy - dù là thô kệch, xấu xí hay xinh đẹp, trắng trẻo đều ẩn chứa một câu chuyện về lòng can đảm. Có thể là khi cô học trò nhỏ dũng cảm vượt qua sự run rẩy khi viết những nét chữ đầu đời, là khi cậu nhóc chuyên đội sổ rụt rè xung phong lên bảng, hay khi bạn bè dẹp qua một bên mọi sự cao ngạo, nắm lấy bàn tay mình thay cho một lời xin lỗi... Và có những đôi tay dù khiếm khuyết vẫn hiên ngang toả sáng.

Thế nên, dù đôi tay ta có ra sao đi nữa, hãy tự tin rằng: "Mọi người không đánh giá bạn qua một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể mà là qua cách bạn dám đối mặt và xử lý khiếm khuyết đó. Và đôi khi đó mới là điều đặc biệt nhất, hơn bất kỳ ưu điểm nào". Hãy ngắm nhìn để thêm trân trọng đôi bàn tay mình, dù nó có sần sùi chai sạn, dù có thô kệch...

 Phạm Hương Thảo (
Lớp 8A3, Trường THCS Trần Phú, TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đôi bàn tay