Đời sống

Những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài

H.A (theo Zing) 19/02/2024 06:15

Vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm được xem là ngày quan trọng của giới kinh doanh. Theo các chuyên gia, có 7 điều cần tránh trong ngày này để mọi việc thuận lợi.

Kieng ky via Than Tai anh 1
Theo các chuyên gia, gia chủ chỉ cần mang vàng bạc có âm có dương đi qua cổng chính và cửa chính, đặt vào nơi chứa tiền bạc thì sẽ gặp nhiều may mắn

Vào ngày vía Thần Tài, những người làm ăn buôn bán sẽ chuẩn bị bàn thờ, lễ vật để cầu một năm bội thu, may mắn. Trong ngày này, người dân còn có lệ mua vàng với hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những điều cần thực hiện, có 7 điều mà các gia chủ cần kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài để có một năm "thuận buồm xuôi gió".

Kỵ mua vàng bị lỗ

Theo nhiều tài liệu về phong thủy, trong ngày vía Thần Tài (hay Tết Thần Tài), gia chủ chỉ cần mang vàng bạc có âm có dương đi qua cổng chính và cửa chính, đặt vào nơi chứa tiền bạc thì sẽ gặp nhiều may mắn. Như vậy, người ta sẽ đem vàng về nhà chứ không nhất thiết phải mua vàng đem về nhà trong ngày vía Thần Tài.

Các doanh nhân Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore, người gốc Hoa trên toàn thế giới thường chuẩn bị vàng bạc từ lâu. Trước ngày vía, họ sẽ đặt xung quanh nhà, gửi nhờ người thân hoặc để ở nơi an toàn rồi đến ngày vía Thần Tài thì lại mang vào nhà để cầu may. Theo các chuyên gia phong thủy, nếu mua vàng trong ngày Vía Thần Tài thì phải có lãi hoặc ít nhất là hòa chứ không được để bị lỗ.

Quên tịnh sái tượng Thần Tài - Thổ Địa

Cũng giống như cuối năm cần lau dọn bàn thờ tổ tiên, ông bà, trước ngày vía Thần Tài, ngày mùng 8 hoặc mùng 9 âm lịch là ngày mà gia chủ nên tắm rửa cho tượng Thần Tài cũng như lau dọn bàn thờ để chuẩn bị đón lễ. Điều này sẽ giúp gia chủ thể hiện rõ lòng thành của mình đối với các đấng bề trên.

Cần lau sạch bụi bẩn, tẩy uế bằng nước hoa bưởi hoặc gừng để làm sạch tượng Thần Tài, Ông Địa. Khăn dùng tắm rửa cho tượng không được dùng làm việc khác. Sau khi lau tắm rửa 2 tượng sạch sẽ, nên lau khô lại rồi mới bắt đầu làm lễ cúng.

Lưu ý không được để 2 tượng vẫn còn ướt mà tiến hành cúng bái. Bên cạnh đó, bàn thờ và các đồ cúng của thần Tài nên được lau dọn sạch sẽ, không được để nhiễm bụi bẩn.

Phong thủy có nguyên tắc sạch sẽ để lưu chuyển cát khí nên những đồ đặt lên ban thờ tránh để bám bụi lâu ngày, đây là điều đại kiêng kỵ mà các gia chủ nên nằm lòng nếu có ý định thờ cúng trong nhà.

Khu vực bàn thờ bài trí lộn xộn

Không giống như việc sắp xếp đồ đạc trong nhà, cứ hợp lý, thuận tiện là được, việc thờ Thần Tài, Thổ Địa cũng có quy tắc riêng. Gia chủ khi bài trí bàn thờ Thần Tài cần phải lưu ý đến thứ tự các đồ thờ cúng trên bàn thờ, không được sắp xếp tùy tiện.

Cụ thể, tượng Thần Tài để ở bên trái bàn thờ, bên phải là tượng ông Địa, chính giữa đặt bát nhang. Ba hũ gạo, muối và nước sẽ được đặt chính giữa hai ông cùng với mâm hoa quả ở bên trái, bình hoa ở bên phải.

Ngoài ra, trong việc thờ cúng, một trong những điều đặc biệt cần lưu ý chính là đặt bàn thờ ở nơi sạch sẽ. Nếu gia chủ không để tâm mà đặt gần nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp hay nơi phơi đồ… dễ không được tài lộc như ý.

Dùng đèn nháy, bóng đèn điện, cúng trái cây giả

Thời đại thay đổi, có nhiều đồ thờ cúng cũng phải được thay đổi cho phù hợp với thời đại nhưng có 1 điều kiêng kỵ gia chủ cần phải biết trong ngày cúng vía Thần Tài là dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu.

Bòng đèn điện hay đèn nháy quá gần tượng thờ và bát hương có thể sinh ra năng lượng không tốt, ảnh hưởng đến việc thờ cúng và sự may mắn của chủ nhà.

Kieng ky via Than Tai anh 2
Tại nhiều tỉnh thành phía Nam, người dân còn cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài

Riêng hoa quả cúng Thần Tài, Thổ Địa cũng không nên dùng đồ giả. Cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt; quả thì chọn loại tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng trong ngày vía Thần Tài. Một số vùng miền Nam còn cúng vía Thần Tài với món cá lóc nướng.

Thỉnh Thần nhập tượng hay thỉnh Thần nhập cốt bát hương

Trong ngày vía Thần Tài, không nên thỉnh Thần nhập tượng hay thỉnh Thần nhập cốt bát hương. Theo tâm linh, làm như thế sẽ khiến cho việc làm ăn kém thuận lợi, có khi còn gặp phải xui xẻo, tai họa bất ngờ.

Sau khi cúng Thần Tài, gia chủ còn phải làm nghi lễ Tiếp nhận Thần Tài thì mới đủ điều kiện để đón tài lộc trong năm mới. Theo quan niệm dân gian, sau khi tiếp nhận Thần Tài, gia chủ thường sẽ đi bộ về phía sau nhà khoảng 3, 8, 13, 18, 23, 28, 33 hoặc 38 bước chân để rước thần.

Trang phục thiếu nghiêm túc, nói tục, chửi thề khi cúng

Trong bất cứ lễ thờ cúng nào, người làm lễ cũng phải giữ tâm thành kính và sửa soạn trang phục nghiêm chỉnh, gọn gàng. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với thánh thần. Nếu không làm được chính là phạm đại kỵ.

Gia chủ không được mặc trang phục xuề xòa, luộm thuộm khi cúng lễ trong ngày vía Thần Tài. Quần áo đẹp hay không tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng nên chọn trang phục tươm tất khi làm lễ. Những trang phục hở hang không được xuất hiện trước mặt các vị Thần khi cúng lễ.

Mặt khác, trong quá trình cúng ngày vía Thần Tài, để giữ không khí trang nghiêm, các gia chủ cần tránh xô xát, nói lời thô tục, chửi bậy. Gia đình bất hoà sẽ khiến thần linh phật ý, tài lộc tiêu tán, làm ăn gặp nhiều trắc trở.

Tán lộc cho người ngoài

Kieng ky via Than Tai anh 3

Nhiều nhà có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ xong xuôi sẽ chia lộc (đồ cúng) cho người khác. Đây là một hành động tốt, thể hiện sự thân thiện, lối sống chan hòa với làng xóm.

Tuy nhiên, riêng vào ngày vía Thần Tài, gia chủ thờ cúng không nên đem lộc cúng (tán lộc) cho người không cùng huyết thống. Bởi lẽ, người ta cho rằng nếu lộc không được chia cho những người trong gia đình thì sẽ đi ra ngoài hết trong ngày vía Thần Tài.

Muối gạo sau khi cúng lễ sẽ được gia chủ cất đi, còn nước thì được hắt từ ngoài vào trong nhà, ngụ ý lộc tài đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc cho gia đình.

H.A (theo Zing)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài