Cách đây hơn 100 năm, người dân khu Hà Đông (Thanh Hà) đã phát hiện ra cây vải sớm, rồi ươm trồng, nhân rộng để có được những vụ mùa bội thu như ngày nay.
Xem clip
Có cách đây hơn 100 năm
Vải thiều Thanh Hà có hai loại là vải thiều sớm và vải thiều muộn. Vải thiều sớm trồng tập trung ở khu Hà Đông. Vải u hồng được biết đến nhiều nhất và cũng được trồng nhiều nhất ở các xã Thanh Quang và Thanh Cường. Có những cây vải thiều sớm tuổi thọ đã hơn 100 năm.
Theo nhiều người kể lại, cây vải u hồng đầu tiên do cụ Lê Đình Thủy (đã mất) ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang trồng. Người nhà cụ Thủy cho biết trước đây cụ Thủy thấy có cây vải mọc hoang nên mang về trồng lại được cây vải u hồng cho quả sum suê. Sau nhiều năm, cây vải cao, tán rộng, việc thu hái và chăm sóc khó khăn nên người nhà cụ đã đánh gốc, bán cây sau khi nhân rộng thành nhiều cây con thế hệ thứ hai, thứ ba…
Vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Phúc Giới còn giữ hai cây vải thế hệ thứ hai của cây vải sớm lâu đời nhất. Ông Chính cho biết hai cây này cũng được ông mình xin cành từ nhà cụ Thủy về trồng. "Từ ngày tôi sinh ra nhà đã có hai cây vải ở vườn. Đến nay, mỗi cây hơn 100 tuổi. Điều đặc biệt là cả hai cây vải này dù lâu năm nhưng vẫn cho quả đều. Quả vải chín mùi thơm, mọng, vị ngọt, không có vị chát", ông Chính nói.
Trước đây chỉ hai cây vải mà tán xòe rộng hơn một sào đất vườn nhưng thu hái quả vất vả nên gia đình ông Chính đã chặt bớt ngọn cây. Nhiều chủ xưởng mộc đến hỏi ông Chính mua cây vải này về lấy gỗ nhưng ông không bán. Ông bảo đó là cây từ thời cha ông để lại nên không bao giờ ông chặt bỏ hay bán đi. Đó cũng là nguồn cội của giống vải u hồng đại trà ngày nay giúp gia đình ông làm ăn khấm khá hơn.
Hiện nay, xã Thanh Quang có hàng chục cây vải u hồng hơn 100 tuổi. So với cây vải thiều tổ ở thôn Thúy Lâm thì cây này chỉ có sau khoảng 35 năm. Những người sành ăn thường chọn quả ở những cây lâu năm để mua. Ông Phạm Đức Ban, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết cây vải sớm rất hợp với đất đai khu Hà Đông. Ở khu này cây vải thường xanh tốt và cho quả to, mọng. Nếu giống vải này đem trồng ở các xã khu khác trong huyện như Hà Tây, Hà Bắc, chất lượng sẽ không bằng. Người dân ở Thanh Hà đi sinh sống các nơi cũng mang cây vải theo để làm kinh tế nhưng quả vải thường có vị chát hơn. Vì thế quả vải sớm đã trở thành đặc sản của vùng đất Hà Đông.
Cây vải u hồng thế hệ thứ hai hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang
Giá trị cao
Từ thôn Phúc Giới, cây vải sớm u hồng bắt đầu được nhân rộng đi khắp vùng đất Hà Đông, nhất là từ năm 1994 trở lại đây và được nông dân chiết, ghép cành thành các giống vải u gai, tàu lai như ngày nay. Hiện nay, xã Thanh Quang trồng nhiều vải sớm nhất huyện Thanh Hà với diện tích hơn 700 ha, tiếp đến là xã Thanh Cường trồng hơn 250 ha. Vải sớm ở khu Hà Đông chưa bao giờ mất giá nên nhiều người giàu lên nhờ trồng cây này. Năm nay, sản lượng vải sớm ước đạt hơn 20.000 tấn, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: "Trước đây có hai cây vải quý như có cây vàng trong nhà. Thu một cây vải hơn tấn quả có thể mua được một chiếc ti vi, giá trị lắm". Đến nay, gia đình ông Chính đã nhân rộng ra hơn 1 mẫu vải sớm ở khu vườn chuyển đổi. Mỗi năm, gia đình ông Chính thu hàng trăm triệu đồng từ giống vải này.
Gia đình anh Trịnh Xuân Cường ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường có hơn một mẫu vải sớm. Anh Cường cho biết vải sớm giá cao nhưng chăm sóc không dễ. Để năm nào cây cũng cho quả đều, anh thường xuyên phải trau dồi kinh nghiệm để khắc phục những hiện tượng bất thường của thời tiết. Anh cũng luôn áp dụng quy trình chăm sóc vải khoa học, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó năm nào vải của gia đình anh Cường cũng bán với giá cao. Bình quân mỗi năm anh thu hơn 300 triệu đồng, có năm thu gần 600 triệu đồng, đủ tiền cho gia đình anh xây một ngôi nhà mới.
Không chỉ giá cao, vải sớm thường được xuất khẩu thuận lợi sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TPHồ Chí Minh. Năm nay mặc dù tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước nhưng quả vải sớm thời điểm này vẫn xuất khẩu thuận lợi. Theo UBND xã Thanh Quang, mỗi ngày hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm (Hà Nội) thu mua từ 2-3 tấn vải sớm. Vải ở xã Thanh Cường thu hoạch đến đâu được thương lái mua hết đến đó.
Bên cạnh việc nhân giống vải này ra khắp vùng, người dân Hà Đông luôn quan tâm nâng cao chất lượng quả vải, sản xuất theo quy trình VietGAP. 100% diện tích vải sớm đã được sản xuất theo phương pháp này. Vì vậy, chất lượng quả vải luôn được đánh giá cao, tạo uy tín trên thị trường. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà khẳng định cây vải sớm là cây có giá trị cao về kinh tế. Huyện sẽ duy trì diện tích hơn 1.500 ha vải sớm. Khuyến khích người dân lưu giữ một số cây vải sớm có lịch sử lâu đời. Đó sẽ là bằng chứng về nguồn gốc cây vải sớm ngày nay.
MINH NGUYỆT