Những điều cần biết về việc tiêm phòng cho trẻ em

29/09/2011 13:50

Để giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ và an tâm hơn trong việc đưa con đi tiêm phòng, xin cung cấp một vài điều cần chú ý.

Đưa trẻ đi tiêm phòng là một việc làm cần thiết của các bậc cha mẹ vì những lợi ích trong việc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Tuy nhiên trong quá trình đưa trẻ đi tiêm phòng đã có không ít những bà mẹ băn khoăn, lo lắng và không hiểu rõ khi nào thì đưa bé đi tiêm phòng được? Sau khi tiêm xong thì phải làm gì…? Để giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ và an tâm hơn trong việc đưa con đi tiêm phòng, xin cung cấp một vài điều cần chú ý.

- Các trường hợp vẫn có thể cho trẻ tiêm phòng như thường lệ: Trẻ bị sốt nhẹ đang bị tiêu chảy nhẹ, bị suy dinh dưỡng, bị ho, chảy mũi… mà hiện không có sốt, trẻ đang mọc răng, đang đi du lịch.

- Những trường hợp không nên cho trẻ đi tiêm phòng: Trẻ đang sốt cao, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, đang bị viêm da mủ hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma), đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mãn tính...), trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

- Những điều cần biết khi đi tiêm phòng: Mang theo phiếu (hoặc sổ) tiêm chủng; báo cho cán bộ y tế nếu trẻ đang ốm, sốt và nếu trẻ  có phản ứng mạnh đối với những lần tiêm trước. Đối chiếu với các quy định về tiêm phòng để bảo đảm trẻ được tiêm phòng đúng như: Được khám kiểm tra trước khi tiêm phòng; được tiêm đủ mũi, đúng loại vắc-xin theo lịch tiêm phòng; sử dụng lọ vắc-xin còn nguyên nhãn, còn hạn sử dụng, được bảo quản lạnh hay trong phích vắc-xin; tiêm đúng vị trí, trong buổi tiêm phòng các vắc-xin khác nhau phải được tiêm ở những vị trí khác nhau; sử dụng 1 bơm kim tiêm còn nguyên trong bao, còn hạn sử dụng cho mỗi mũi tiêm.
Sau tiêm phòng, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất một ngày (24 giờ) sau khi tiêm chủng.

- Một số phản ứng sau khi tiêm phòng:

+ Sốt: Sau khi tiêm trẻ có thể bị sốt nhẹ. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể với thuốc tiêm phòng và có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1-2 ngày. Một số trẻ có thể bị sốt cao từ 390C trở lên, khi đó các cháu mới cần dùng thuốc hạ sốt. Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi trẻ vừa được tiêm phòng vì làm như vậy hoàn toàn không có lợi và đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

+ Chỗ tiêm bị sưng đỏ, đau: Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chổ tiêm để làm giảm đau cho trẻ.

+ Dị ứng: Có thể là ban mề đay, ngứa toàn thân… Phản ứng này thường xảy ra ở trẻ hay bị dị ứng. Các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau 1 vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì phải dùng một số thuốc chống dị ứng.

+ Một số phản ứng hiếm gặp hơn như tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não... Các phản ứng này thường nặng và cần có sự chăm sóc tích cực của thầy thuốc.

(Nguồn: Sức khỏe và Đời sống)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều cần biết về việc tiêm phòng cho trẻ em