Những điển hình chuyển đổi giống lúa phù hợp

20/07/2012 16:14

Giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá, BC15 khá phù hợp với đồng trũng ở Kim Thành. Giống P6 có thời gian sinh trưởng ngắn, thuận lợi cho trồng vụ đông sớm ở Gia Lộc.



Giống U17 ở xã Kim Khê (Kim Thành) đã được thay thế bằng giống BC15, Bắc ưu 903 kháng bạc lá.
Trong ảnh: Nông dân thôn Cống Khê cấy lúa BC15


Đưa giống lúa mới vào chân ruộng trũng

Vài năm gần đây, huyện Kim Thành đã thành công khi đưa một số giống lúa mới để canh tác ở chân ruộng trũng. Nông dân nhiều xã đã sử dụng giống lúa lai Bắc ưu 903 kháng bạc lá, lúa thuần BC15 để thay thế các giống lúa dài ngày, năng suất không cao (U17, U20).

Anh Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Cống Khê (xã Kim Khê) có 7 sào ruộng, trong đó 4 sào ở chân trũng. Anh cho biết: "Giống U17 có thời gian sinh trưởng dài, dễ bị sâu, bệnh phá hại, năng suất không cao. Từ năm 2011, tôi đã chuyển sang cấy giống BC15 ở chân trũng vì giống này cho năng suất khoảng 2,2 - 2,5 tạ/sào và nhanh cho thu hoạch".

Xã Kim Khê có 182 ha đất canh tác, trong đó có 112 ha ruộng trũng. Trước đây, nông dân địa phương thường cấy giống U17, mộc tuyền ở chân ruộng trũng. Tuy nhiên, do các giống này thâm canh qua nhiều năm nên chất lượng giống bị thoái hóa dần. Mặt khác, giống có thời gian sinh trưởng dài, cấy ở vụ mùa muộn, dễ bị sâu, bệnh phá hại. Nông dân địa phương mong muốn có giống mới để thay thế những giống này. Năm 2007, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Khê đã đề nghị Công ty Giống cây trồng tỉnh cho thử nghiệm một số giống mới ở chân trũng. Sau đó, một số giống lúa mới đã được gieo cấy thử nghiệm ở chân trũng như: Bắc ưu 253, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, BC15, BTE1. Kết quả cho thấy, giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá, BC15 khá phù hợp với đồng trũng. Đây đều là hai giống có năng suất khá. Giống BC15 có chất lượng gạo ngon. Giống Bắc ưu 903 có khả năng chống chịu với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn (thường gây hại mạnh ở vụ mùa). Do vậy, nhiều nông dân ưa chuộng gieo cấy 2 giống này. Theo ông Đinh Quang Thắng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Khê, diện tích gieo cấy giống BC15 ở vụ này ước đạt 40 ha (tăng gần 30 ha so với vụ mùa trước); diện tích cấy giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá đạt hơn 10 ha.

Xã Kim Xuyên hiện có 337 ha đất cấy lúa. Trước đây, nông dân Kim Xuyên chủ yếu cấy ở trà mùa sớm và mùa muộn, không có trà mùa trung. Từ năm 2008 trở lại đây, nông dân địa phương đã gieo cấy giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá ở trà mùa trung. Giống này có thể gieo cấy cả ở chân vàn và chân trũng. Ông Trần Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Xuyên cho biết: "Giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá là giống chủ lực ở trà mùa trung. Những năm gần đây, diện tích trà mùa trung có xu hướng mở rộng hơn".

Sử dụng giống ngắn ngày

Huyện Gia Lộc có truyền thống trồng cây vụ đông sớm. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong huyện đã tích cực tìm tòi các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn để đưa vào đồng ruộng. Giống lúa ngắn ngày cho thu hoạch sớm để tạo thuận lợi cho trồng rau màu vụ đông sớm. Trong vụ mùa này, huyện Gia Lộc chính thức đưa hai giống lúa ngắn ngày là P6 đột biến và QR1 vào cơ cấu sản xuất. Trong đó, giống P6 đột biến là giống chủ lực ở vụ mùa.

Giống P6 đột biến do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo. Giống này có thời gian sinh trưởng 80-85 ngày ở vụ mùa. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn nhất trong bộ giống lúa ở tỉnh ta hiện nay, rất thuận lợi cho các địa phương có thế mạnh trồng vụ đông sớm. Giống P6 đột biến được gieo cấy nhiều ở các xã: Đồng Quang, Quang Minh, Đoàn Thượng, Hồng Hưng, Gia Khánh. Vụ mùa này, ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đôn Thư (xã Đồng Quang) cấy hơn 3 sào giống P6 đột biến. Ông cho biết: "Trước khi có giống P6 đột biến, tôi cấy giống Khang dân 18. Giống Khang dân 18 có thời gian sinh trưởng dài hơn giống P6 đột biến 10-12 ngày nên ảnh hưởng tới trồng rau vụ đông sớm. Sau khi có giống P6 đột biến với thời gian sinh trưởng ngắn, tôi chuyển sang gieo cấy giống này. Tuy năng suất giống không cao nhưng cũng bảo đảm ở mức 1,7-1,8 tạ/sào". Giống QR1 cũng có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 95 - 100 ngày), thích hợp gieo cấy ở chân đất trồng vụ đông sớm. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích giống P6 đột biến, QR1 trong vụ mùa này, UBND huyện Gia Lộc hỗ trợ giá mua giống cho nông dân ở các địa phương có quy vùng sản xuất.

Theo ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, các giống lúa ngắn ngày có năng suất ở mức trung bình. Khi canh tác giống này phải thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật để bảo đảm năng suất. Thời gian từ khi gieo mạ P6 đột biến đến lúa phân hóa đòng chỉ khoảng 1 tháng. Nếu sử dụng mạ dược, mạ sân thì từ lúc cấy đến lúc phân hóa đòng chỉ khoảng 20 ngày. Nếu khâu bón phân không thực hiện từ sớm, bón không nhiều thì quy trình phân hóa đòng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Do vậy, nông dân cần thực hiện nghiêm quy trình canh tác, đặc biệt là quy trình bón phân.

MINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điển hình chuyển đổi giống lúa phù hợp