Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Luật gồm 6 chương, 33 điều, tăng 2 chương, 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990. Hai chương mới được bổ sung là: Chương III "Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn" và Chương V "Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm luật về công đoàn". Một điểm mới nữa trong kết cấu của luật, đó là tất cả các điều (sửa đổi) đã được đặt tên và sắp xếp, thể hiện nội dung cụ thể theo một tiêu chí rõ ràng, thống nhất trên cơ sở các chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn đã được Hiến pháp, Luật Công đoàn xác định.
Về mặt nội dung, bên cạnh việc giữ lại những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn năm 1990, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn. Tại Chương I, luật bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm liên quan lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong chấp hành pháp luật công đoàn của các đối tượng áp dụng luật. Chương II, quy định tăng thêm trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc tiếp cận doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập công đoàn cơ sở, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, hạn chế hiện nay của công đoàn cơ sở. Chương III là chương mới, đã quy định mang tính nguyên tắc xác định mối quan hệ hợp tác, phối hợp hoạt động giữa Công đoàn với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động Công đoàn. Chương IV, bổ sung và mở rộng quy định về thời gian tối thiểu cho hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại cơ sở. Bổ sung quy định về quyền lợi của cán bộ công đoàn không chuyên trách do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả lương, được hưởng phụ cấp hoạt động công đoàn và khoản phụ cấp này được thực hiện theo quy định cụ thể của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Bổ sung quy định bảo vệ cán bộ công đoàn về việc làm. Chương V, có hai nội dung mới liên quan đến việc xác định nguyên tắc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Quy định trách nhiệm của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn.