Sau 4 ngày họp và bế mạc vào 29.10, Hội nghị toàn thể lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã đưa ra "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" cho giai đoạn 2021-2025.
“Kế hoạch 5 năm” của Trung Quốc được thực hiện từ năm 1953. Hãng thông tấn Xinhua cho biết “Kế hoạch 5 năm” thường được hình thành sau quá trình “tổng hợp phân tích từ hàng nghìn viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ, trường đại học, học giả và chuyên gia”.
Theo tờ Global Times, chính phủ Trung Quốc đã nhận được 1 triệu góp ý cho "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" từ các công dân Trung Quốc trong 2 tuần của tháng 8. Tất cả những đề xuất, góp ý được đưa ra thảo luận tại hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với sự tham gia của 200 quan chức bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Kế hoạch 5 năm lần thứ 13" cho giai đoạn 2016-2020 có nội dung đưa Trung Quốc trở thành “xã hội ôn hòa hưng vượng”, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đảm bảo phát triển bền vững về cả xã hội và môi trường.
Vậy "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" có gì đáng chú ý?
Mục tiêu tăng trưởng
Bắc Kinh chưa công bố chi tiết mục tiêu tăng trưởng cho 5 năm tới, tuy nhiên "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" có đề cập rằng Trung Quốc hướng tới mục tiêu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 100 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay.
Kênh Al Jazeera đánh giá ngay cả tỷ lệ tăng trưởng tích cực khiêm tốn trong năm nay cũng khiến Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế có thành tích ấn tượng nhất năm 2020 bởi kinh tế toàn cầu đều chệnh choạng do tác động của dịch COVID-19.
Bắc Kinh cũng đề cập chủ trương đến năm 2035 là “quốc gia phát triển ôn hòa”, đồng nghĩa với việc GDP bình quân đầu người là khoảng 30.000 USD, gấp 3 mức hiện nay.
Chiến lược “tuần hoàn kép”
“Tuần hoàn kép” là khái niệm được Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến trong tháng 5 vừa qua và đã trở thành một phần của kế hoạch cho 5 năm tới của nước này.
Bắc Kinh muốn tăng trưởng trong tương lai dựa chủ yếu vào sản xuất, tiêu dùng, phân phối hàng hóa và dịch vụ nội địa. Khi phải đối mặt với chiến tranh thương mại với Mỹ, việc Trung Quốc tập trung vào kinh tế nội địa không phải là điều bất ngờ, một phần bởi nước này có tới 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.
Nhưng Trung Quốc cũng nhấn mạnh không quay lưng với thế giới bên ngoài và nước này vẫn duy trì thương mại quốc tế.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát từ giữa năm 2018 khi hai nước liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế bổ sung.
Công nghệ cao
Một trọng điểm của "Kế hoạch 5 năm lần thứ 13" là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” với xu hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao. "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" cũng hướng tới duy trì chiến lược này, đặt đổi mới vào trọng tâm hiện đại hóa của Trung Quốc.
Xinhua phân tích: “Đạt được đột phá trong lĩnh vực then chốt của công nghệ sẽ giúp Trung Quốc trở thành tiên phong toàn cầu về sáng tạo”.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng HSBC còn đánh giá "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" sẽ hướng tới củng cố chuỗi cung ứng công nghệp đã gián đoạn trong giai đoạn đầu dịch COVID-19.
Nhà kinh tế học Qu Hongbin tại HSBC nói: “Theo chúng tôi, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm chính sách thúc đẩy chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong những năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược mới xuất hiện như công nghệ sinh học, chất bán dẫn và phương tiện năng lượng mới”.
Phát triển xanh
Xinhua đưa tin rằng Trung Quốc còn có mong muốn ổn định và tiếp đó là giảm lượng khí thải carbon với “mục tiêu đến năm 2035 xây dựng Trung Quốc xinh đẹp”.
Giảm bất bình đẳng
Một mục tiêu quan trọng khác trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" của Trung Quốc là giảm khoảng cách chênh lệch trong mức sống giữa nông thôn và thành thị.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới tái sinh nông thôn Trung Quốc với hàng tỷ USD đưa về các làng quê. Giai đoạn đầu của kế hoạch này khởi động vào cuối năm 2018 và kết thúc vào 2022. Chính phủ Trung Quốc còn có thêm nhiều kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn đến năm 2035 rồi đến năm 2050 thay đổi hoàn toàn vùng nông thôn nước này.
Theo báo Tin tức