Bốt Xuân Nẻo được địch xây dựng kiên cố, lực lượng đóng giữ hùng hậu nên việc diệt bốt đòi hỏi phải có quyết tâm lớn, không ngại hy sinh.
Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Huy Bình (mặc lễ phục màu trắng), người tham gia đánh bốt Xuân Nẻo năm xưa giới thiệu về Bia Chiến thắng Xuân - Ô nhân kỷ niệm giải phóng bốt Xuân Nẻo và bốt Ô Mễ
Những năm 1950-1951, bốt Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) được quân địch coi như một "cứ điểm bất khả xâm phạm” của chúng, bởi đây là cụm dõng binh, gồm hương dũng, tổng dũng; lại nằm giữa cụm bốt ở các vùng lân cận, có vai trò đặc biệt quan trọng trong cục diện chiến trường ở vùng Hải Dương khi ấy.
Ta đã có ý định diệt bốt này nhằm nối thông hai vùng đông-tây đường 17, mở ra điều kiện mới tiêu diệt các đảng phái phản động… nhằm làm rúng động hệ thống tề ngụy trong vùng. Tuy nhiên, điều kiện chưa cho phép vì lực lượng địch ở khu vực thị xã Hải Dương, cách Xuân Nẻo khoảng 10km khá mạnh, dễ dàng ứng cứu nếu bốt Xuân Nẻo bị tấn công.
Bước vào thu đông năm 1951, ta chuẩn bị mở Chiến dịch Hòa Bình. Pháp phải điều quân từ các vùng đồng bằng lên để tập trung đối phó. Nhân cơ hội này, Tỉnh ủy Hải Dương chủ trương bằng lực lượng của mình hạ bốt Xuân Nẻo nhằm tạo “đột phá nhất điểm, lay động toàn diện” để mở rộng căn cứ địa Thanh Hà, Tứ Kỳ…
Tuy nhiên, do bốt được địch xây dựng kiên cố, lực lượng đóng giữ hùng hậu nên việc diệt bốt đòi hỏi phải có quyết tâm lớn, không ngại hy sinh. Một trong những biện pháp được đặc biệt chú ý là các nhiệm vụ trọng yếu đều được giao cho đảng viên. Chỉ huy trận đánh có các đồng chí của Tỉnh đội Hải Dương, gồm: Tăng Bá Dụ, Tỉnh đội trưởng; Lê Liêm (bí danh Tuấn Quyện), Chính trị viên Tỉnh đội; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Ban Tham mưu Tỉnh đội và đồng chí Tự, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quốc Tuấn (bộ đội Hải Dương).
Tham gia công tác chỉ đạo, chỉ huy trận đánh còn có đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tứ Kỳ. Lực lượng trực tiếp chiến đấu gồm Tiểu đoàn Quốc Tuấn do đồng chí Dân Quốc, Phó Tiểu đoàn trưởng chỉ huy; Đại đội Nguyễn Huệ (bộ đội huyện Tứ Kỳ) do đồng chí Hiếu, Đại đội trưởng chỉ huy.
Sau khi được phổ biến kế hoạch tác chiến, cấp ủy chi bộ xã Hưng Đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong chi ủy, từ phối hợp với quân báo của Tiểu đoàn Quốc Tuấn và lực lượng trinh sát của Đại đội Nguyễn Huệ nắm tình hình địch, vẽ sơ đồ tác chiến, đến dẫn đường cho bộ đội, tiếp tế vũ khí, đạn dược, bảo đảm công tác thương binh, tử sĩ...
Phương án dùng nội ứng, tranh thủ sự hỗ trợ của những người đã trót dại theo địch ở trong bốt, nay hối cải… nhằm hạn chế tối đa thương vong đã không thành, bởi có nhân mối được ta trưng dụng đã bộc lộ tính “hai mặt”. Địch cũng biết điều này nên rất cảnh giác.
Vào 1 giờ ngày 26.11.1951, trận đánh bốt Xuân Nẻo bắt đầu và diễn ra vô cùng ác liệt. Ta tập trung lực lượng tấn công kết hợp kêu gọi địch đầu hàng. Địch ngoan cố chống trả. Đến 4 giờ 15, gần 20 đồng chí của ta bị thương, quả bộc phá cuối cùng cũng đã sử dụng mà vẫn chưa phá được lô cốt. Đồng chí Phạm Vát, Chi ủy viên Đại đội 73, Tiểu đoàn Quốc Tuấn, Trung đội trưởng Trung đội mũi nhọn làm nhiệm vụ phá bốt lệnh cho anh em lui ra ngoài hàng rào để tránh thương vong và báo cáo tình hình với ban chỉ huy.
Vào giờ phút quyết định ấy, đồng chí Lê Liêm, Chính trị viên Tỉnh đội đứng trên tường rào ngôi chùa cách bốt vài chục mét kêu gọi: “Hỡi các cán bộ, đảng viên và quân nhân! Hỡi anh em du kích và quần chúng cách mạng! Chúng ta quyết giải phóng bốt trước khi trời sáng. Không hạ được bốt, không trở về!”. Vừa lúc đó, hai chiến sĩ từ thôn Ô Mễ mang đến 5 quả bộc phá loại 5kg/quả. Ngay lập tức, đồng chí Phạm Vát thành lập tổ cảm tử và trực tiếp làm tổ trưởng; hai chiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ giữ tiểu liên, Đào Duy Cánh ôm bộc phá. Trước “giờ phút lịch sử”, được sự nhất trí của trên, đồng chí Vát thay mặt Chi bộ Đại đội 73 tuyên bố kết nạp hai chiến sĩ Cánh và Kỳ vào Đảng. Tiếp đó, mọi người hướng về tổ cảm tử, trang nghiêm cúi đầu dành một phút mặc niệm.
Được Nguyễn Ngọc Kỳ mang tiểu liên theo sát bên cạnh và phối hợp với các lực lượng khác yểm trợ, Đào Duy Cánh áp bộc phá vào lô cốt, bộc phá nổ làm vỡ một mảng tường, buộc địch phải dồn lên tầng trên cố thủ và ném lựu đạn ra bên ngoài. Bị trúng lựu đạn địch, giập nát hai bàn chân, mắt mờ không nhìn rõ, lại bị đạn địch xuyên qua lòng bàn tay, anh Cánh vẫn kiên cường yểm trợ cho lực lượng của ta.
Trời sắp sáng, anh Vát ôm quả bộc phá cuối cùng lao vào bên trong tầng trệt lô cốt, đốt dây cháy chậm, rồi nhanh như cắt nhoài ra bên ngoài. Bộc phá nổ, bốt địch đổ, xác giặc ngổn ngang; anh Vát bị sức ép của bộc phá hất ra sát hàng rào, bất tỉnh. Lúc đó là 5 giờ ngày 26.11.1951.
Đảng viên mới Đào Duy Cánh được đưa đi cứu chữa nhưng không qua khỏi. Anh vĩnh viễn ra đi sau khi được kết nạp chưa đầy 3 ngày. Máu của anh cùng với sự cống hiến của những cán bộ, đảng viên đánh bốt Xuân Nẻo ngày ấy đã góp phần làm cho Đảng kỳ của chúng ta mãi mãi thắm tươi!
Theo báo Quân đội nhân dân