Bảng xếp hạng đối sánh và gắn sao cho 30 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và ASEAN do một nhóm các nhà khoa học Việt Nam thực hiện đã cho thấy những kết quả thú vị.
Kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và ASEAN sẽ được các nhà khoa học thuộc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội công bố sáng ngày 18.8.
Chưa có trường ĐH định hướng ứng dụng nào đạt tiêu chuẩn 5 sao
Theo bảng xếp hạng gắn sao UPM (University Performance Metrics) do nhóm chuyên gia này công bố, có 5 trường đạt tiêu chuẩn 5 sao, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Kasetsart (Thái Lan); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đây đều là những trường thuộc nhóm đại học định hướng nghiên cứu.
Chưa có trường nào thuộc nhóm ĐH định hướng ứng dụng được đánh giá đạt tiêu chuẩn này.
Danh sách các cơ sở giáo dục đại học tham gia đối sánh và gắn sao năm 2020 |
Bảng xếp hạng gắn sao UPM đánh giá dựa trên 8 nhóm tiêu chuẩn (lĩnh vực) gồm 54 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng 1000 điểm.
Cụ thể: Quản trị chiến lược - 5 tiêu chí, chiếm trọng số 6%; đào tạo - 15 tiêu chí, chiếm trọng số 35%; nghiên cứu - 4 tiêu chí, chiếm trọng số 20%; đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, chiếm trọng số 11%; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, chiếm trọng số 6%; công nghệ thông tn và tài nguyên số - 10 tiêu chí, chiếm trọng số 10%; mức độ quốc tế hóa - 9 tiêu chí, chiếm trọng số 6%; phục vụ cộng đồng - 3 tiêu chí, chiếm trọng số 6%.
Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, tiêu chuẩn (lĩnh vực) đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy giúp nhận diện tổng thể, có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, lĩnh vực của cơ sở giáo dục đại học.
Theo kết quả đánh giá tổng thể của các trường đại học thuộc nhóm 5 sao, những trường này đều có chung điểm mạnh: nổi trội, đồng đều về đội ngũ giảng viên, kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, các trường đại học 5 sao thường có tỉ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đạt trên 60%; công bố quốc tế đạt tỉ lệ trên 1,5 bài báo/giảng viên (thậm chí đối với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Công nghệ, tỉ lệ này đã đạt trên 3,0); chỉ số trích dẫn trung bình trên bài báo đạt trên 6 lần; có hơn 10 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và đặc biệt là có các trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp,...
Tuy nhiên, nhờ có lợi thế của đối sánh toàn diện, UPM cũng đã phát hiện một số điểm bất ngờ về sự khác biệt giữa hai khối các trường ĐH Việt Nam và khu vực trong quản trị chiến lược, về chất lượng công bố và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cụ thể, các trường ĐH trong khu vực ASEAN chú trọng nhiều hơn đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản trị chiến lược. Trong khi đó, đa số các trường ĐH Việt Nam đang ít hoặc mới quan tâm đến các vấn đề này.
Về chất lượng công bố quốc tế thì chỉ số trích dẫn trung bình trên bài báo quốc tế trong 5 năm gần nhất của các trường ĐH Việt Nam lại cao hơn; đồng thời, tỉ lệ các bài báo có tên tác giả nước ngoài của các trường ĐH Việt Nam cũng cao hơn hẳn các ĐH trong khu vực.
Ngược lại, số bằng sáng chế, đặc biệt là các sáng chế đăng ký ở các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế thống kê trong 5 năm gần đây của các trường ĐH trong khu vực lại cao hơn của các trường ĐH Việt Nam.
Về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong khi các không gian sáng tạo chung, công viên công nghệ cao khá phổ biến ở các trường ĐH trong khu vực thì với các trường ĐH Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ.
Tại sao cần phải xếp hạng đối sánh và gắn sao?
Trao đổi với phóng viên sáng 18.8, GS Nguyễn Hữu Đức, người sáng lập nhóm nghiên cứu UPM cho biết, việc xếp hạng đại học trong những năm gần đây đã trở nên quen thuộc. Các bảng xếp hạng này thường khảo sát khoảng 10-12 tiêu chí, trong đó chỉ số công bố quốc tế chiếm trọng số chủ yếu nên có thể cho những cái nhìn khá phiến diện về chất lượng trường đại học.
Do đó, xếp hạng đối sánh và gắn sao là một xu hướng xếp hạng khác đang được áp dụng. Hiện tại, trên thế giới đã có một số bảng xếp hạng dạng này là QS-Stars, U-Multirank, AppliedHE.
“Bảng xếp hạng này sẽ xếp các trường đại học có thành tích gần nhau cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Điều này tránh sự so sánh đẳng cấp giữa trường này với trường khác quá thiên lệch.
Ngoài ra, Bảng xếp hạng UPM cũng đánh giá dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, có mức độ bao quát cũng tương tự như kiểm định chất lượng; có đặc trưng đối sánh theo các mốc chuẩn, theo chỉ tiêu đặt ra”, GS. Đức nói.
Hội đồng chuyên môn của Hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM
Như vây, không giống như các bảng xếp hạng thế giới hiện nay chỉ quan tâm đến top 1.000 đại học xuất sắc của thế giới (chỉ chiếm 3%), Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM quan tâm đến số đông các trường (khoảng 97%), nhằm phục vụ cho trường đại học xác định và quản trị mục tiêu chiến lược để hướng tới đạt chuẩn của top 100 của ĐH châu Á.
UPM cũng xác định, các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế.
Các đại học 4 sao là các có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao đang thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường của mình và có thể tham gia vào việc trao đổi sinh viên trong khu vực.
Bảng xếp hạng đối sánh và gắn sao University Performance Metrics (UPM) là sản phẩm do nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Hữu Đức phát triển nằm trong khuôn khổ chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. UPM vừa quản lý cơ sở dữ liệu tổng thể của hệ thống, vừa cung cấp công cụ để các cơ sở giáo dục đại học tự đo lường và đối sánh mức độ thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến việc nêu cao tinh thần khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số; tổ chức đào tạo linh hoạt, cá thể hóa và bảo vệ những giá trị đạo đức mới. Theo GS Đức, dù đã có một số kinh nghiệm và có cơ hội tiếp cận các bảng xếp hạng khác nhau, nhưng muốn vượt ra khỏi xếp hạng truyền thống, đưa ra được những điểm mới, tiên phong thì cần phải nỗ lực nghiên cứu rất nhiều, trong đó có việc đưa được các chỉ số, chỉ báo mới vừa phản ánh đúng các đặc trưng mới của đại học, đồng thời phải đo lường được. “Hiện nay, UPM mới được xây dựng để đánh giá đối sánh chất lượng và gắn sao cho các cơ sở giáo dục đại học. Đầu năm học mới, chúng tôi sẽ ra mắt thêm một bộ công cụ UPM mới để đánh giá đối sánh và gắn sao cho các chương trình đào tạo”, GS Đức thông tin. |
Theo Vietnamnet