Dày công cải tạo, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, những cựu chiến binh ở phường Duy Tân (Kinh Môn) đã biến những vùng đất trũng thành trang trại, gia trại, mang lại nguồn thu nhập cao.
Nhọc nhằn “kết trái, đơm hoa”
Từ những năm đầu 2000, các cựu chiến binh Nguyễn Văn Huy, Lê Văn Xuyến đã lăn lộn với vùng đầm Con Tôm ở Nhẫm Dương. Khu này rộng khoảng 5 mẫu nhưng mỗi khi có mưa lớn cây trồng đều bị ngập úng, không mang lại hiệu quả. Đi đầu chuyển đổi mô hình vườn - ao - chuồng theo chủ trương của huyện, của xã, các cựu chiến binh này vừa làm vừa học. Ban đầu, nguồn vốn không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến thức nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế rất thấp.
Trại don, dúi của gia đình cựu chiến binh Phạm Quang Đông được chia thành hai khu riêng biệt là khu nuôi dưỡng và khu sinh sản
“Những ngày đầu mới nhận khoán là quãng thời gian nhọc nhằn, vất vả. Nhiều đêm thức trắng, đau đầu lo nguồn vốn, rồi tính toán trồng cây gì phù hợp với vùng đất trũng này”, ông Huy nhớ lại.
Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông Huy đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cập nhật kiến thức sản xuất qua sách báo, chương trình khuyến nông... Vừa làm, vừa học hỏi, ông đã cải tạo vùng đất canh tác thành nhiều ao, chuyển nuôi kiểu quảng canh sang thâm canh. Xung quanh các ao gia đình ông trồng hơn 500 cây cau lấy quả và 20-30 cây nhãn chất lượng cao. Hiện gia trại của gia đình ông Huy đã cho nguồn thu ổn định trên 300 triệu đồng/năm.
Không xa đầm Con Tôm là nông trại sản xuất đa canh rộng gần 3 mẫu của gia đình cựu chiến binh Phạm Quang Đông trên vùng đồng chua trũng Cống Vàng thuộc khu Duyên Linh. Năm 2003, ông thuê ruộng trong 25 năm để cải tạo thành nông trại đa canh. Đến nay, ông đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cải tạo vùng đồng chua trũng thành ao cá, vườn cây ăn quả và chuồng trại chăn nuôi. Từ nuôi bò thương phẩm đến nuôi thỏ, gà tây, gà ta, lợn, cá… ông đều đã thử qua. Nhiều lần thất bại vì dịch bệnh, thời tiết, môi trường khắc nghiệt nhưng ông không nản chí, luôn tự tìm tòi để có hướng đầu tư phát triển phù hợp.
“Tính toán mãi rồi năm 2021 tôi quyết định nuôi con đặc sản và trồng các loại rau, quả để tạo quy trình sản xuất sạch khép kín. Thịt dúi, don, cầy rừng đang được ưa chuộng như một đặc sản giàu chất dinh dưỡng nên luôn ổ định đầu ra”, ông Đông cho biết.
Khu trại của gia đình ông Đông hiện bạt ngàn các loại rau, củ, quả với hàng trăm cây chuối, na, mít và gần 5.000 gốc đinh lăng. Các cây quả chủ yếu để nuôi gần 200 cặp dúi, don, cầy mốc, thỏ… Thức ăn của dúi là tre, mía, ngô. Còn cầy mốc ăn các loại quả chuối, đu đủ, mít... Con don cũng ăn chuối chín, thêm khoai lang, rau…
Mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng. Ông Đông hiện là điển hình cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Cựu chiến binh Phạm Quang Đông chia sẻ kinh nghiệm vượt khó khăn để xây dựng nông trại đa canh
Lan tỏa
Hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trũng thành gia trại đa canh cho hiệu quả kinh tế cao nêu trên đang được nối dài. 18 cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi vừa nhất trí ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân phường Duy Tân, với mục đích giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Ông Triệu Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Duy Tân cho biết các cựu chiến binh "hồi sinh" những vùng đất chua trũng đều là hội viên gương mẫu, nhiệt tình, luôn tích cực tham gia phong trào hội. Đây là những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn thường xuyên phổ biến kiến thức, cách thức ứng dụng khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cây ăn quả, nuôi con đặc sản cho nông dân trên địa bàn; tích cực vận động các hội viên khác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cùng vươn lên trong cuộc sống.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Huy tỉa nhãn để bảo đảm chất lượng quả khi thu hoạch
Sức lan tỏa nêu trên càng rõ nét nếu xét về thực tế của phường Duy Tân cách đây khoảng 20 năm. Khi đó Trại Xanh, Duy Tân là một trung tâm ô nhiễm bởi gần 10 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng, lò vôi, lò gạch thủ công, chưa kể các điểm nghiền, sang tuyển đá xây dựng, than… Người dân thậm chí bỏ cả “bờ xôi, ruộng mật” để đi làm công nhân. Những cánh đồng nếp cái hoa vàng Châu Xá, Trại Xanh tàn lụi vì nông dân bỏ bê…
“Những cựu chiến binh hồi sinh những vùng đất chua trũng ở Duy Tân đã lan tỏa nỗ lực tinh thần bám đất, bám ruộng, phấn đấu làm giàu trên chính quê hương mình với nhiều hội viên của thị xã chúng tôi”, ông Đoàn Đức Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Kinh Môn nhận xét.
TL