Trải dài trên khắp dải đất hình chữ S có đến hàng triệu con đường khác nhau. Trong số đó có những cung đường đẹp đến ngỡ ngàng, khiến bất kì ai khi có dịp đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm nghía và ghi lại những bức ảnh "sống ảo" nghệ thuật.
Con đường xuyên rừng tràm Tân Lập, Long An
Con đường dài khoảng 5km băng qua hơn 100ha rừng tràm tại làng nổi Tân Lập này là minh chứng cho thấy Việt Nam không hề thiếu những cảnh sắc độc đáo, bí ẩn và cuốn hút.
Rừng tràm Tân Lập cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 100km. Đây vốn là một vùng đất ngập nước hoang sơ thuộc huyện Mộc Hóa, Long An, gần biên giới Campuchia, liên kết với khu vực Đồng Tháp Mười tạo thành mảng xanh bao la, có kênh rạch chằng chịt và dòng sông Vàm Cỏ Tây chảy qua.
Thiên nhiên nơi này nổi bật với rừng tràm cổ thụ, các đầm sen, hồ súng cùng hàng trăm loài chim cá và các loài lưỡng cư đặc hữu tạo nên hệ sinh thái đa dạng phong phú.
Con đường xuyên rừng tràm dài 5km, rộng chỉ chừng 1m. Có đoạn đường uốn lượn, có đoạn rẽ đôi nên len lỏi trên con đường này, du khách sẽ được cảm nhận bầu không khí mát lành và khám phá nhiều điều thú vị.
Dọc hai bên đường là những cây tràm cao vút, quanh thân có dây leo quấn. Màu xanh phủ rợp khiến du khách như lọt thỏm giữa bức màn bí ẩn. Ánh nắng xuyên qua tán lá dày, chiếu rọi xuống làm đường đi thêm phần huyền ảo, thơ mộng.
Mùa khô, lá tràm rụng phủ kín đường nên hành trình du ngoạn sẽ có thêm tiếng xào xạc của bước chân đạp trên lá khô vang vọng giữa khu rừng thanh vắng. Chính nét lãng mạn đó khiến có người ví von đây là “đường tình yêu” của làng nổi Tân Lập.
Con đường dốc đứng ở Gia Lai
Con đường dốc thuộc một phần tuyến tránh của TP Pleiku, Gia Lai đi Kon Tum, thuộc địa phận xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Đoạn đường trải dài khoảng 1 km, với những cây muồng đen trổ hoa vàng hai bên đường. Muồng đen và muồng vàng là các loại cây được nhìn thấy nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên, có tác dụng che bóng, chắn gió cho các vườn chè, cà phê.
Những bức ảnh chụp con đường tại Gia Lai được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều trong thời gian gần đây vì độ dốc khó tin. Điểm đặc biệt khiến nhiều người chú ý về con đường là độ dốc gần như dựng đứng, nhìn không khác góc 90 độ.
Nhiều du khách thích thú với cung đường này và dừng chân chụp ảnh kỷ niệm, không chỉ du khách trong tỉnh, còn có du khách ở các tỉnh phía bắc khi ghé Gia Lai cũng không quên tới những cung đường dốc này để check-in.
Con đường thổ cẩm ở Hà Giang
Con đường rực rỡ sắc màu này dài 1,7km và đã ghi tên mình vào danh sách con đường thổ cẩm dài nhất Việt Nam.
Điều đặc biệt là con đường này không được tạo ra bởi các nghệ sỹ chuyên nghiệp mà là được hàng trăm người dân địa phương vẽ tay và chung sức bảo tồn, quét dọn hay sơn sửa lại định kỳ. Khắp cả con đường là nhiều họa tiết và hình ảnh đặc trưng của văn hóa vùng cao.
Con đường nằm giữa các đồi cát trắng ở Bàu Trắng, Bình Thuận
Bàu Trắng là một hồ nước ngọt tự nhiên rộng lớn, được bao phủ bởi những đồi cát mênh mông trải dài và nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 60km. Đây cũng chính là tên gọi được đặt cho cung đường Mũi Né – Bàu Trắng – Phan Rí Cửa, cung đường phượt được mệnh danh là cung đường biển đẹp nhất Việt Nam.
Cung đường Bàu Trắng dài gần 40km, được khánh thành vào năm 2015 và được bao phủ xung quanh là những cồn cát trắng mênh mông hoang dại cùng những đoạn cua quanh co ôm lấy đồi cát tạo nên vẻ đẹp rất đặc trưng và ấn tượng.
Được mệnh danh là "Tiểu sa mạc Sahara" của Bình Thuận, nhìn từ trên cao, toàn bộ cung đường được bao phủ bởi màu cát trắng xóa. Trên nền trời xanh ngắt, điểm một chút màu xanh của những rặng cây, Bầu Trắng trở thành địa điểm check-in siêu nghệ.
Con đường xuyên biển ở đảo Điệp Sơn
Đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa) nằm trong vịnh Vân Phong nổi lên nhờ con đường giữa biển độc đáo tuyệt đẹp. Con đường dài khoảng 800 m, nối liền hai hòn đảo trong dãy đảo Điệp Sơn, uốn lượn tuyệt đẹp chìm trong làn nước xanh ngọc. Vẻ đẹp của con đường này được ví như con đường nối liền hai đảo Jindo và Modo nổi tiếng của Hàn Quốc.
Thời điểm đẹp nhất để du khách khám phá con đường mòn giữa biển này là khi thủy triều hạ xuống. Con đường uốn lượn, rộng khoảng 1 mét và nằm sâu dưới mặt nước biển trong xanh chưa đến nửa mét. Nhìn từ xa, lớp cát trắng mịn hiện lên giữa biển như một cây cầu tuyệt đẹp nối đến đảo Điệp Sơn xinh đẹp.
Đi bộ trên con đường xuyên biển đem lại cảm giác vô cùng thích thú, xen lẫn hồi hộp và một chút sợ hãi Làn nước trong xanh nhìn thấy tận đáy bờ cát trắng, giúp du khách có cơ hội thỏa thích ngắm nhìn những đàn cá bơi lội tung tăng. Sau khi đi bộ chừng 30 phút, du khách sẽ tới được đảo lớn Điệp Sơn xinh đẹp bao phủ bởi màu xanh của cây cối. Lúc này, mọi ưu phiền dường như sẽ tan biến khi đứng trước sự thanh bình với làn gió táp vào mặt cùng cơn sóng cứ chạm khẽ bàn chân.
Theo Vietnamnet