Xã hội

Những cụ già Hải Dương sống tròn thế kỷ

HẠNH DUYÊN 10/02/2024 12:15

Sống tròn thế kỷ, nhiều cụ già ở Hải Dương vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, sum vầy vui vẻ cùng con cháu.

cuthuan.jpg
Việc con cháu quây quần giúp cụ Hoàng Thị Thuần có thêm niềm vui trong cuộc sống

Sống vui, sống khỏe

Khi chúng tôi tới thăm, con cháu cụ Hoàng Thị Thuần (ở khu dân cư An Lăng, phường An Phụ, Kinh Môn) cho biết, cụ đã đi bộ ra nhà văn hóa khu để dự lễ chúc thọ do khu dân cư tổ chức. Sau khi về, cụ phấn khởi "khoe" với chúng tôi và con cháu thiếp mừng thọ cùng tấm vải lụa của Chủ tịch nước gửi tặng những người tròn 100 tuổi.

Hiện cụ không sống cùng người con nào mà vẫn ở một mình trong gian nhà nhỏ dựng cách đây mấy chục năm, hai bên là hai cháu nội.

"Trời thương cho tôi sức khỏe nên chưa cần phải phiền đến con cháu. Tôi vẫn tự lo được sinh hoạt cho mình. Lúc nào buồn thì sang nhà hàng xóm ngồi chơi hoặc qua nhà các con thăm cháu chắt", cụ Thuần nói.

Anh Phùng Văn Biên, cháu nội cụ cho biết thêm, những khi vợ chồng anh bận đi làm, không có người trông con gái út năm nay hai tuổi, cụ còn "xung phong" trông giúp.

Cũng giống cụ Thuần, cụ Nguyễn Văn Nhinh (ở khu Cẩm Khê A, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) vẫn còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn.

cunhinh.jpg
Cụ Nguyễn Văn Nhinh sắp sửa ban thờ đón Tết

"Tôi vừa sắp sửa xong ban thờ để chuẩn bị đón Tết. Dù ở một mình nhưng Tết nhất vẫn phải tươm tất", cụ Nhinh cho biết.

Đang trò chuyện với chúng tôi, một người cháu trong họ đến chúc Tết cụ. Dù đã trăm tuổi nhưng cụ vẫn nhận ra đó là ai và hỏi thăm sức khỏe từng thành viên trong gia đình.

Hiện cụ Nhinh đang sống một mình nhưng không phải lo chuyện cơm nước mà ăn uống cùng gia đình con gái ở cạnh nhà. Những lúc rảnh rỗi, cụ dọn dẹp nhà cửa rồi qua trò chuyện với hàng xóm láng giềng.

Với phương châm "sống vui, sống khỏe", cụ Nguyễn Thị Hận (ở khu An Nhân Đông, thị trấn Tứ Kỳ) đều cố gắng làm những việc sức khỏe còn cho phép để không phiền đến con cháu. Vì đã ở tuổi xưa nay hiếm nên cụ có hơi nghễnh ngãng nhưng sức khỏe còn khá tốt. Ông Trần Văn Trình (con trai cụ Hận) cho biết: "Tôi là con út của cụ phải đi viện và dùng thuốc nhiều hơn mẹ mình nhiều".

Bí quyết trường thọ

Khi được hỏi bí quyết để có thể sống tròn thế kỷ mà vẫn khỏe mạnh, cả 3 cụ đều có một câu trả lời giống nhau, đó là tích cực lao động.

Theo lời kể của các cụ, thời trẻ 3 cụ đều có cuộc sống rất vất vả. Chồng cụ Thuần mất khi mới ngoài 40 tuổi. Lúc ấy mới chỉ có 2 người con gái lớn của cụ lập gia đình, 5 người con còn lại đều đang tuổi ăn tuổi học. "Ngoài cấy mấy sào ruộng thì tôi kiếm sống chủ yếu bằng nghề bắt cáy. Mấy mẹ con nương tựa, đùm bọc nhau rồi cũng qua đận khó khăn. Hồi đó, cuộc sống khó khăn, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ sống đến trăm tuổi. Nhưng có lẽ cuộc sống vất vả, phải lao động nhiều nên chúng tôi mới có sức khỏe dồi dào", cụ Thuần nói.

Thời trẻ khi mới lập gia đình, nguồn sống của gia đình cụ Nhinh là từ tiền công đi làm thuê của cụ. Sau đó, cụ gia nhập Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp rồi bị địch bắt, tù đày. Được trả lại tự do, cụ cũng làm thuê làm mướn nhiều nghề rồiđào ao thả cá, nuôi gà, vịt.

cuhan.jpg
Lãnh đạo UBND và Hội Người cao tuổi thị trấn Tứ Kỳ thăm, chúc Tết cụ Nguyễn Thị Hận

"Từ khi có nhận thức, lúc nào tôi cũng thấy mẹ trong tình trạng tất bật, luôn chân luôn tay. Do làng có nghề truyền thống mây tre đan nên sau lúc nông nhàn, bố mẹ tôi đều đan rổ, rá, cót, thúng, mẹt... mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi anh em tôi. Dù vất vả là vậy nhưng mẹ tôi là một trong những người thọ nhất làng", ông Trình cho biết.

Cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng lúc nào các cụ cũng giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Con cháu quần tụ, sum vầy, hiếu thuận có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân giúp các cụ trường thọ.

Theo nhiều người dân ở khu dân cư An Lăng, hiện ít gia đình trong khu được như gia đình cụ Thuần. Cụ hiện có trên 50 cháu, chắt và 4 người chút. Những con cháu ở gần ngày nào cũng chạy qua chạy lại thăm hỏi, chuyện trò với cụ. Còn những người ở xa, một năm cũng thu xếp về gặp mặt, đoàn tụ với đại gia đình vài lần. "Con cháu quây quần, hòa thuận, yêu thương nhau là liều thuốc bổ tốt nhất của tôi", cụ Thuần tự hào nói.

Cụ Hận, cụ Nhinh quan niệm, cuộc sống dù có khó khăn đến đâu cũng phải luôn sống an nhiên, hạn chế bất hòa với hàng xóm, láng giềng, không suy nghĩ những chuyện tiêu cực, phiền lòng. Bởi suy nghĩ đó mà nhà cụ Hận luôn là điểm tập trung của mọi người trong xóm. "Ngày nào vợ tôi cũng phải đun vài ấm nước để pha chè đãi khách vì mọi người sang chơi, trò chuyện, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống", ông Trình cho biết.

Trong những ngày Tết, bên cạnh việc sum vầy cùng con cháu, các cụ cũng chia sẻ nhiều ký ức về Tết xưa. Trong trí nhớ của các cụ, Tết ngày ấy dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng luôn tràn ngập mong chờ. Mong được đến Tết để được ăn cơm trắng, được ăn cơm với thịt, được tranh thủ nghỉ ngơi...

"Ngày ấy Tết đủ đầy trong thiếu thốn. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng những cái Tết luôn ấm áp tình người, tình thân. Ngày mồng một, mồng hai, cả đại gia đình, dòng họ, rồi xóm làng rủ nhau đi chúc Tết, có những nhà đông đi thành đoàn dài. Mọi người vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, tiếng nói tiếng cười không dứt", cụ Nhinh nhớ lại.

Năm 2024, Hải Dương có 332 công dân tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng thiếp chúc thọ. Trong những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất đối với người cao tuổi, giúp người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

HẠNH DUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cụ già Hải Dương sống tròn thế kỷ