Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân.
Ph. Ăng-ghen (1820-1895)
Phri - đrích Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 tại Bác-men, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay). Tuy xuất thân từ một gia đình tầng lớp trên, thuộc giai cấp tư sản, nhưng Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.
Ăng-ghen là người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác, học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và những người cộng sản, vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Đồng thời, Ăng-ghen đã nhiệt tình truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX.
Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, mặc dù phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có mục tiêu rõ rệt; giai cấp công nhân còn chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Những học thuyết khác nhau của chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa cải lương, tư tưởng vô chính phủ đều thất bại và đem lại những tổn thất to lớn cho phong trào công nhân. Nhu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình.
Các Mác và Ăng-ghen đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu đó của thời đại. Trong thời gian 40 năm, Ăng-ghen đã cùng với Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; đồng thời tắm mình vào trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học mác-xít, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học; sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng nên lý luận giá trị thặng dư với các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, cũng như Các Mác, Ăng-ghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Tài năng của Ăng-ghen với tư cách một nhà chiến lược và sách lược cách mạng thể hiện xuất sắc trong các thời kỳ cách mạng 1848 - 1849 ở châu Âu, thời kỳ hoạt động của Quốc tế I và Công xã Pa-ri. Ăng-ghen đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pru-đông, Lát-xan, Ba-cu-nin...) để thống nhất hàng ngũ quốc tế.
Ăng-ghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có với Các Mác. Tự nhận mình là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh Các Mác, còn Các Mác mới chính là “cây vĩ cầm số 1”, nên mặc dù rất say mê nghiên cứu sáng tạo và say mê hoạt động trong phong trào công nhân, ghét cay ghét đắng nghề thư lại, nhưng Ăng-ghen đã chấp nhận làm nhân viên văn phòng của một hãng buôn ở Man-chét-xtơ để có thể giúp đỡ vật chất, tạo điều kiện cho Các Mác làm việc, sáng tạo.
Trong lịch sử hơn 100 năm qua, kể từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã nhiều lần bị các trào lưu tư tưởng khác phê phán, đả kích. Ngày nay, sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực phản động, chống Đảng Cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội trên thế giới và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước lại được dịp đẩy mạnh phê phán, xuyên tạc, vu cáo, phủ định, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê nin, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, Đảng ta luôn khẳng định: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua, Đảng ta rút ra bài học: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống các nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.
(Theo Tạp chí Cộng sản)