Được dân quý, dân tín nhiệm, họ đã đem hết tinh thần trách nhiệm và cả sự quyết đoán, sáng tạo để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới...
Một góc "công viên làng" ở thôn Gồm, xã Quảng Nghiệp
Xây "công viên làng" bằng... 316 lá thư Trở lại thôn Gồm, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vùng quê này đã có quá nhiều đổi thay. Mới đó 2 năm mà những con đường nhỏ hẹp, đá hộc, gạch vỡ lổn nhổn đã được đổ bê tông rộng rãi, phẳng lì. Ngay trước hội trường nhà văn hóa thôn, một "công viên làng" rộng 1.200m2 với hơn 40 bộ ghế đá, hàng chục bồn hoa, cây xanh, cột đèn trang trí... vừa được xây dựng khang trang, sạch đẹp càng làm cho cảnh quan nơi đây thêm tươi mới. Một cụ cao niên trong làng ngồi đánh cờ ở công viên tươi cười bảo: "Nhờ có ông Trưởng thôn Hoàng Đình Thích mà quê tôi giờ chẳng khác nhiều so với phố xá đâu nhé".
Nói về chuyện xây dựng "công viên làng", ông Thích cho biết: Cái ao trước cửa hội trường thôn vốn được chính quyền địa phương cho một hộ dân trong làng đấu thầu nuôi cá. Tuy nhiên, do hộ này chăn nuôi không bảo đảm nên môi trường nước ngày càng ô nhiễm nặng, bốc mùi khó chịu. Ao nằm cạnh ngôi chùa của làng, do vậy nhân dân nhiều lần có ý kiến phải dừng ngay việc nuôi cá ở đây để giữ gìn môi trường trong lành. Tháng 6-2014, khi mới được bầu làm Trưởng thôn chưa đầy 2 tháng, ông Thích nảy ra ý tưởng "biến" cái ao thành một công viên làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân trong thôn. Được UBND xã Quảng Nghiệp và cấp ủy chi bộ thôn nhất trí, ông Thích một mình 2 lần lên tận Hà Nội tìm tư vấn thiết kế xây dựng công viên. Song cả hai lần ông phải tay không quay về, bởi mấy công ty đều đòi tiền thiết kế xây dựng lên đến trên 50 triệu đồng trong khi thôn không có tiền. May mắn là sau đó ông đã được một người con quê hương đang công tác ở Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội đồng ý thiết kế miễn phí cho thôn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bản thiết kế xây dựng "công viên làng" hoàn thành trong niềm vui mừng của ông Thích và các đồng chí cán bộ thôn Gồm. Song khi nhìn vào dự toán công trình lên đến hơn 400 triệu đồng thì ai cũng lắc đầu ngao ngán. Quỹ thôn không có, việc huy động nhân dân đóng góp là không thể vì thời gian qua bà con đã đóng góp không ít tiền của cho việc làm đường giao thông và chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR). Dự án xây dựng công viên nhanh chóng rơi vào quên lãng trong tâm thức của cán bộ, nhân dân địa phương, chỉ riêng ông Thích vẫn cứ đau đáu tìm giải pháp. Nhiều đêm trăn trở suy tư và được sự đồng ý của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ông Thích lên danh sách, tìm hiểu địa chỉ cụ thể của từng người con em quê hương thành đạt đang công tác, lao động ở trong và ngoài nước rồi viết "tâm thư", phô tô ra thành 316 bản gửi cho tất cả con em xa quê. Nhận được thư, cụ Bính ở Bến Tre, ông Ban, ông Thành ở Hà Nội, bà Đạo ở bên Đức, cô Đúi ở Đài Loan, bác Ban ở TP Hải Dương và rất nhiều con em quê hương khác bằng tâm huyết, tình cảm của mình đã gửi tiền về ủng hộ làng xây dựng công viên. Danh sách những người ủng hộ được thông báo trên loa truyền thanh, nhân dân trong thôn nghe vậy cũng tích cực tham gia ủng hộ nên chỉ một thời gian ngắn đã nhận được 450 triệu đồng. Ngày khởi công xây dựng công viên, mọi người từ già đến trẻ ai cũng góp sức tham gia. Hôm khánh thành công viên, thôn Gồm vui như mở hội, nhiều con em xa quê cũng về chung vui.
Dù mới chỉ làm trưởng thôn từ tháng 6-2014 nhưng bằng tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của mình, ông Thích đã cùng với các đồng chí cấp ủy, chi bộ lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Gần 100% tuyến đường trong làng hiện đã được đổ bê tông rộng rãi. Công tác DĐĐT thửa gắn với CTĐR cũng đã cơ bản hoàn thành dù trước đó gặp không ít khó khăn. Thôn xây dựng được một sân vận động rộng 3.600m2. Các tiêu chí của phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM được thực hiện hiệu quả giúp đời sống của các hộ dân trong thôn không ngừng cải thiện. Đến nay, tất cả các gia đình có nhà kiên cố, cao tầng, thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2013. Nhiều năm liền thôn Gồm không có người nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội...
"Thay áo mới" cho quê hươngHội trường nhà văn hóa thuộc diện to đẹp nhất huyện, 100% đường thôn, xóm và đường ra đồng đã đổ bê tông theo tiêu chí NTM, đồng ruộng được chỉnh trang, dồn đổi gọn gàng... đó là những hình ảnh dễ dàng nhìn thấy được khi về thăm thôn La Xá, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ). Vùng quê này đang "thay áo mới" là kết quả từ sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, trong đó không thể không nói tới công lao của Trưởng thôn Nguyễn Đức Tĩnh.
Ông Tĩnh cho biết, thôn La Xá có 450 hộ, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào hơn 73 ha đất nông nghiệp. Nhưng đồng ruộng manh mún, việc canh tác khó khăn khiến hiệu quả sản xuất không cao. Trong số này có 15 ha ruộng trũng, nhiều gia đình bỏ hoang không cấy để lãng phí đất đai. Rồi thời cơ đã đến khi tỉnh và huyện có chủ trương DĐĐT gắn với CTĐR. Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện tốt công tác dân vận nên chỉ trong một thời gian ngắn nhân dân trong thôn đã đồng tình thực hiện. Cuối năm 2014, La Xá là thôn hoàn thành kế hoạch DĐĐT gắn với CTĐR sớm nhất huyện Tứ Kỳ, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,68 thửa ruộng và được UBND huyện biểu dương, khen thưởng. Từ ngày đồng ruộng quy hoạch gọn gàng, có đường ra đồng và hệ thống thủy lợi đã tạo thuận tiện để bà con nơi đây yên tâm bám ruộng, mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, có 4 hộ đã đầu tư mua 4 máy cày lớn, 2 máy gặt đập liên hoàn giúp toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở đây được cày và thu hoạch bằng máy. 15 ha ruộng trũng cũng được 40 hộ dân trong thôn nhận chuyển đổi sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao.
Từ ngày triển khai xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng ở La Xá càng thêm đổi mới, khang trang. Thôn cũng đã xây dựng được bãi chứa rác thải tập trung rộng 1.000m2, quy hoạch nghĩa trang rộng 3.000m2. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong thôn còn mở mang các ngành nghề phụ như mộc, nề, hàn, đặc biệt là duy trì làng nghề thêu ren tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đến nay, thu nhập bình quân ở La Xá đạt 31,4 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 5%.
Ở La Xá giờ không còn hiện tượng mê tín dị đoan. Quy chế của thôn quy định các đám cưới, đám ma thực hiện tiết giảm tối đa các thủ tục rườm rà, không ăn cỗ nhiều mâm, không hút thuốc lá, không rắc tiền vàng ra đường... Những hộ thực hiện sai quy chế của thôn đều bị nhắc nhở kịp thời. Nhiều năm qua thôn La Xá không có người nào mắc các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, an ninh trật tự và tình hình nhân dân luôn ổn định, giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Bên cạnh đó, phong trào khuyến học, khuyến tài trong thôn cũng phát triển mạnh mẽ, tất cả các trẻ em trong độ tuổi được đến trường; thôn luôn đứng đầu toàn xã về tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, có 1 tiến sĩ, 1 phó giáo sư và 6 thạc sĩ...
Ông Thích, ông Tĩnh hay những trưởng thôn khác vẫn đang từng ngày cần mẫn gánh vác công việc chung, góp phần làm cho diện mạo NTM ở các vùng quê ngày càng khởi sắc đều xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ phải là công bộc của dân".
TIẾN MẠNH