Sau hai năm im lặng, Trần Đức Quỷ (tên thật là Trần Đức Quý, sinh năm 1973 ở Nam Sách - Hải Dương) xuất hiện trở lại tại L’espace, Hà Nội với triển lãm sắp đặt Hợp thể - Những cái đuôi với nhiều câu chuyện ấn tượng.
|
Chân dung Trần Đức Quỷ |
Từng đoạt giải nhất Ánh mắt trẻ 2003, khi còn học năm thứ ba đại học, các tác phẩm của Trần Đức Quỷ luôn là mối quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật. Cũng vì thế, trong suốt hai tiếng buổi khai mạc triển lãm Hợp thể (28-6) tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, Trần Đức Quỷ luôn ở giữa vòng vây của người thân, công chúng và báo chí…
Trong ngày khai mạc triển lãm, Trần Đức Quỷ mặc một cái áo sơ mi trắng lạ đời, đằng trước may giống hệt đằng sau, cùng hai cổ bẻ và hai ca-vát đỏ, tạm gọi “áo song sinh”. Tương tự, là 36 cặp lợn “song sinh” làm từ da lợn thật không đầu, chỉ có nửa thân dưới, hai cặp chân và cái đuôi xoăn tít. Để có được 36 cặp này, Quỷ đã phải giết 148 con lợn. Theo anh, chất liệu tác phẩm thực hiện được như mong muốn, không chủ động về tạo hình nên bản thân anh - với tư cách là tác giả - vẫn chưa thấy đẹp.
Quyền Quý không quyền quýSinh ra trong một gia đình đông anh chị em, Quý và người anh em song sinh của mình tên Quyền cùng đi chung con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, thành công đến với Quý sớm hơn, còn Quyền, bên cạnh việc vẽ tranh, anh còn làm thêm nghề tay trái để kiếm sống.
Nghệ thuật đến với Quyền và Quý rất tự nhiên. Khi cùng nhau học cấp một và cấp hai, hai anh em trong lớp thường ngồi hí hoáy vẽ, vừa vẽ cho mình, vừa vẽ tặng các bạn cùng lớp. Ở quê, chiếu phim màn ảnh rộng, Quyền và Quý trốn bố mẹ đi xem. Có lần, Quý xem phim Mạc Cổ và Tình yêu của tôi, thấy nhân vật chính là một anh chàng họa sĩ đẹp trai, thỉnh thoảng nặn tượng bạn gái, Quý thấy rất thích. Về nhà, anh ra đồng lấy đất nặn. Bắt đầu từ nặn những con trâu kích thước lớn để rồi tiếp nối những chuyến đi lên thị xã mua màu tự vẽ.
13 tuổi, bố mất, kinh tế gia đình Quyền - Quý bắt đầu sa sút. Hai anh phải nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, niềm đam mê vẽ không vì thế mà mất đi, Quyền - Quý trốn lên Hà Nội đi làm thuê và tìm mọi cách để học vẽ.
Ở Hà Nội, tìm hiểu, biết đến trường Mỹ thuật Hà Nội, hai anh em nuôi chí thi vào trường dù chưa tốt nghiệp cấp ba. Đỗ khoa Điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội nhưng vì không có bằng cấp ba, Quyền - Quý buộc phải ngày đi làm đêm học bổ túc văn hóa trung học. Bốn năm sau, Quyền - Quý mới trở thành sinh viên.
Cuộc sống sinh viên trôi qua không dễ dàng với hai anh chàng đến từ nông thôn và đậm chất nông dân, Quyền và Quý (không được như mong muốn của cha mẹ khi đặt tên Quyền Quý), đến bữa chỉ có cơm nguội lèn chặt bụng để có sức đi học. Buổi trưa đi làm thêm. Nếu hôm nào rảnh việc thì ở lại trường chơi. Có tiền, hai anh em sinh đôi sẽ tự đãi mình một bữa… bánh mì. Chiều, Quyền - Quý tiếp tục việc kiếm tiền bằng vẽ tranh thuê hoặc truyền thần. Cuộc đời sinh viên cứ thế lặng lẽ trôi, cho đến năm thứ ba, với Giải Ánh mắt trẻ và hai tháng du học bên Pháp, Quý và Quyền tạm thời tách rời nhau, mỗi người tự tạo cho mình đời sống, số phận riêng.
Khác với cặp đôi song sinh nghệ thuật Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải ở Huế, từ lúc ra trường cho đến ra ngoài đời, luôn song hành bên nhau qua từng tác phẩm, triển lãm, xây dựng sự nghiệp chung, Quý và Quyền tách rời nhau. Cho đến ngày khai mạc triển lãm Hợp thể, người ta mới biết mặt Quyền (anh đến triển lãm với tư cách khán giả, đứng trong một góc khán phòng, im lặng).
Những tác phẩm “chập dính ”Mặc dầu vậy, ý niệm “sinh đôi” luôn hiển hiện trong mỗi tác phẩm của Quý. Với anh: “Đôi khi những cặp đôi dính vào nhau ấy là chuyện rất vướng víu, kỳ quặc. Một vật thể với một chức năng nào đó chỉ hoạt động được khi nó độc lập, toàn vẹn. Nếu nó bị dính dấp với một thứ gần tương tự nó, thì nó không thể nào vận hành được”.
Năm 2007, Quý tạo ra tác phẩm “sinh đôi” như đôi loa, hai chiếc quạt dính cánh vào nhau. Cũng trong năm này, tác phẩm Sự nhìn ra đời. Sự nhìn được Quý coi là tác phẩm đầu tiên trong đời làm nghệ thuật. Sự nhìn là bài tập sáng tác ở trường. Một ngày, thấy một cụ già cao gầy, đeo kính lão, nhìn xa xăm trong công viên Thủ Lệ, Quý đến làm quen và hỏi thăm. Cụ chia sẻ là đương nghĩ đến các con cháu của mình và bà vợ đã mất. Quá khứ của cụ già đã trở thành ý tưởng cho tác phẩm của Quý. Với suy nghĩ: Quá khứ thì không có trọng lượng, Sự nhìn đã trở thành tác phẩm tạo hình được trao giải nhất Ánh mắt trẻ. Cuộc sống là thế, đôi khi đi chậm lại, nhìn ngắm xung quanh, không để tuột trôi những cảm xúc và mối quan tâm đến con người, bạn sẽ có được cho mình nhiều điều quý giá, đôi khi thay đổi cả cuộc đời, như Quý.
|
Tác phẩm sắp đặt Hợp thể của Trần Đức Quỷ tại L’espace, Hà Nội, diễn ratừ ngày 28-6 và kéo dài tới hết ngày 23-7. Ảnh: Dino Trung
|
Đến năm 2008 những tác phẩm (Quý gọi cái tên là “chập dính”) được tạo nên từ thạch cao và gốm. Triển lãm Chân dung cuộc sống (tên “nôm na” mà Quý đặt là Đàn vịt, con vịt này dính vào con vịt kia thành chuỗi dài) là kết quả của quá trình nghiền ngẫm này. Đây là một triển lãm gây nhiều dư âm, hai năm sau, nhiều người còn nhắc tới. Với Chân dung cuộc sống, Quý làm trong 21 ngày. Cũng vẫn chưa hài lòng về tác phẩm này bởi không được làm chất liệu như ý là I-nốc. Sau triển lãm, anh định thuê ô tô chở những con vịt gốm ra sông Hồng vứt đi, may sao có mấy tay người Bỉ ghé ngang, thấy thích liền mua. “Giờ đàn vịt ấy đang lưu lạc xứ người rồi”, Quý thở dài. Nhưng còn hơn là thành đống rác vụn ven đê sông Hồng hay lăn lóc dưới đáy sông chứ! Tôi nói. Quý không trả lời, anh nhìn vào 36 cặp lợn da thật nhồi trấu, có lẽ đang tự hỏi sau triển lãm này, những con lợn sinh đôi này có được may mắn là không phải trở thành rác thải để vứt đi không?
Và cũng trong năm 2008, Quý đổi tên trên giấy khai sinh của mình là Quỷ, với muôn vàn lý do…
Giống như một chàng nông dân, mà đúng hơn, Quỷ luôn nhận mình là nông dân, từ trí óc và bàn tay anh, từng tác phẩm sắp đặt ra đời, không gia cầm thì vật nuôi, hết vịt đến lợn. Cứ thoải mái lấy nguyên liệu từ chính làng quê của mình, mỗi tác phẩm của anh đều đậm mùi hương đồng gió nội. Giải thích lý do lấy con vật để làm sắp đặt, Quỷ nói: “Những con vật mang lại nguồn lợi ích cho chúng ta, có công thì cũng nên tạc tượng tôn thờ, nếu không, chúng lại nghĩ chúng ta vô ơn”. Rồi anh cười khì khì, cứ như đang bông lơn vào những điều vừa nói.
Song song với làm sắp đặt, Quỷ vẫn tiếp tục vẽ. Thế nhưng “Cảm thấy mình vẽ chưa đẹp nên chưa làm triển lãm”.
Hỏi vì sao lại đi theo con đường làm sắp đặt, Quỷ nói, trong anh không có khái niệm về sắp đặt. Đơn giản là anh thích làm ra những tác phẩm để trưng bày. “Làm xong thì họ gọi đó là sắp đặt, thì tôi cũng ừ, đó là sắp đặt. Còn bên trong suy nghĩ của mình, tôi thầm nhủ cứ làm những cái Óc mình nhìn thấy và Tim mình nghe thấy để kể ra câu chuyện của tâm hồn. Tôi không biết làm những điều “đao to búa lớn”, cũng không kiếm tìm những triết lý cao siêu, chỉ làm những điều mộc mạc, giản dị phục vụ người xem và mong người xem dễ hiểu, dễ cảm nhận. Giống như là lúc khán giả thưởng thức phim, truyện Tây Du Ký ấy. Từ trong đó, trẻ con sẽ thấy được cái hay, cái vui, còn người lớn thì tìm hiểu thêm những thông điệp ở sau cái hay, cái vui ấy.”
Hỏi Quỷ về dự định tương lai, anh gãi tai, trả lời chân chất (nhưng ánh mắt thì sắc lẻm): Tôi á, sẽ chịu khó làm việc để có nhiều tiền mua bông ngoáy tai, sở thích của tôi là ngoáy tai, ôm hôn phụ nữ và ngâm chân trong nước nóng đập gừng mà. Chiều chiều thì đi chợ mua thức ăn, lúc về sau xe đèo nặng hai mớ rau muống, còn miệng thì huýt sáo bài hát về quê hương.
(Theo TT&VH Cuối tuần)