Trải qua thời thanh xuân đẹp nhất ở chiến trường, những người lính Cụ Hồ ngày nào vẫn đau đáu nhớ về những tháng ngày chiến đấu và cống hiến hết mình...
Các cựu chiến binh Hải Dương từng chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 thăm lại các địa danh lịch sử tại Lạng Sơn
Về với đồng đội
Cựu chiến binh (CCB) Mai Xuân Vẻ (sinh năm 1960, ở thôn Thượng, xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng) vẫn luôn nhớ về những người đồng đội ngã xuống trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vì vậy ngay khi được Ban liên lạc CCB Trung đoàn 20, Quân khu 9 vận động quyên góp tiền để xây dựng công trình bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngã xuống tại trận đánh đồn Công Binh tạo hành lang giải phóng Cần Thơ, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30.4.1975, ông Vẻ đã không nề hà nhận trách nhiệm kêu gọi các CCB trong và ngoài huyện hưởng ứng.
Sau hơn 1 tháng vận động, ông Vẻ đã quyên góp được hơn 4 triệu đồng gửi cho Ban liên lạc CCB Trung đoàn. Nhờ có sự đóng góp của các CCB như ông Vẻ, năm 2017, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 20 được khởi công xây dựng tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Tháng 7.2018, ông Vẻ đã trở về nơi này gặp mặt các CCB của trung đoàn nhân dịp khánh thành bia tưởng niệm. Trong lần gặp gỡ đó, ông Vẻ và các đồng đội đã ôn lại kỷ niệm về trận đánh quyết liệt chiếm đồn Công Binh. Ở trận đó quân ta đánh từ 1 giờ ngày 30.4.1975 đến sáng mới chiếm được đồn. Dù địch có trang thiết bị vũ khí tối tân nhưng trước tinh thần quả cảm của những người lính Cụ Hồ, chúng đã phải nhận thất bại. Phía quân ta, nhiều chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống. "Chúng tôi chung tay xây dựng công trình để thế hệ sau tri ân những anh hùng thầm lặng của Tổ quốc. Trong nhiều lần thăm lại chiến trường thì lần tham dự lễ khánh thành bia tưởng niệm ở huyện Giồng Riềng là chuyến đi ý nghĩa nhất với tôi vì đã trọn nghĩa tình với đồng đội", ông Vẻ bùi ngùi nói.
Cũng như ông Vẻ, CCB Đặng Đình Chiến ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) không thể nào quên những đồng đội đã ngã xuống cho nền độc lập của dân tộc. Ông Chiến nhập ngũ năm 1977, vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng), chiến đấu tại Lạng Sơn trong giai đoạn chiến tranh biên giới diễn ra ác liệt. Nhiều đồng đội của ông Chiến đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều năm nay, mỗi lần có dịp đến tỉnh Lạng Sơn, ông Chiến thường viếng thăm nhiều nghĩa trang liệt sĩ để tìm kiếm phần mộ các đồng đội của mình. Tháng 2 năm nay, ông và các CCB Hải Dương từng chiến đấu tại Sư đoàn 3 đã thực hiện chuyến đi thăm lại các địa danh lịch sử tại Lạng Sơn như cầu Khánh Khê, nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị… Trong chuyến đi này, ông Chiến đã tìm thấy phần mộ của các đồng đội là Tống Bá Hợi, Phạm Xuân Sức quê ở Đông Triều (Quảng Ninh), Nguyễn Khắc Tỵ quê ở Ba Vì (Hà Nội) tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc.
Ông Chiến kể ngày hôm đó, ông và các đồng đội đi thăm một số nghĩa trang ở tỉnh Lạng Sơn, đến chiều đoàn mới đến nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Cao Lộc. Sau khi hỏi người quản trang về tên tuổi các liệt sĩ này, người quản trang nói "nghe rất quen" và chỉ khu vực có thể có mộ liệt sĩ. "Ngay lúc người quản trang ra mở cổng, tôi đã cảm thấy bồi hồi, xúc động. Lúc nhìn thấy mộ các anh, tôi thấy cảm xúc trào dâng, kỷ niệm sát cánh chiến đấu một thời cùng nhau ùa về. Tôi đã tận mắt chứng kiến giờ khắc hy sinh của anh Tỵ và anh Hợi. Anh Tỵ bị pháo nổ, anh Hợi bị địch bắn vào đầu trong lúc phòng thủ tại đồi Thâm Mô sáng 17.2.1979. Trận chiến ác liệt đó đã khiến nhiều chiến sĩ hy sinh", ông Chiến xúc động nhớ lại. Ông Chiến đã cung cấp thông tin mộ liệt sĩ này đến tổng đài của chương trình “Đi tìm đồng đội” phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.
Ấm tình quân dân
Trong những năm tháng chiến tranh, phải xa gia đình, nhiều chiến sĩ đã tìm được quê hương, gia đình thứ hai ở chính nơi chiến trường khốc liệt. Nhiều năm nay, CCB Phạm Văn Hồng (sinh năm 1960, nay ở khu 5 thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) thường xuyên đến thăm gia đình cụ Trịnh Quang Bảo, bố mẹ nuôi của ông tại phường Hải Đông, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Tình nguyện nhập ngũ từ giữa năm 1978, đến tháng 11, ông Hồng và các đồng đội hành quân từ Kinh Môn đến Móng Cái. Ông Hồng ở nhà cụ Bảo trong 1 tuần trước khi nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Nhiệm vụ của ông và các đồng đội là bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phá cầu, phá đường chống Trung Quốc tràn vào nước ta và sẵn sàng chiến đấu. Mỗi khi có dịp ông Hồng đều ghé thăm gia đình cụ Bảo. Nhà đã có tới 10 người con nhưng vợ chồng cụ Bảo vẫn nhận ông Hồng làm con nuôi và luôn quan tâm, chăm sóc ông như người ruột thịt. Năm 1979, trong một lần làm nhiệm vụ cùng đồng đội, ông Hồng giẫm phải chông dài khoảng 10 cm xuyên qua mu bàn chân. Ông nghiến răng rút chông ra, sau đó đồng đội đã đưa ông đến điều trị ở Trạm Y tế của Trung đoàn. Ông phải điều trị tại đây 17 ngày. Ngày nào cụ Bảo và các con cũng đến thăm, trò chuyện, mang cho ông Hồng khi thì củ khoai, khi thì củ sắn.
Khi chiến tranh qua đi, ông Hồng về quê lấy vợ, lập nghiệp nhưng vẫn giữ quan hệ thân thiết như ruột thịt với gia đình cụ Bảo. Ngoài hai lần đi cùng đồng đội về thăm lại chiến trường, ông Hồng thường đưa gia đình riêng lên thăm cụ và gia đình. “40 năm trước, tôi may mắn được nhận làm con nuôi, được bố mẹ nuôi và các anh, chị, em quan tâm, đùm bọc như ruột thịt. Vừa rời xa gia đình, nhà trường, sự quan tâm của bố mẹ nuôi giúp tôi thấy ấm lòng, vững tin hơn trong chiến đấu”, ông Hồng chia sẻ.
Ôn lại kỷ niệm không thể nào quên, những lần thăm lại chiến trường của các CCB hôm nay mang nặng nghĩa tình, tiếp nối và gìn giữ tình cảm đồng đội, tình quân dân gắn bó.
VIỆT QUỲNH