Những chiêu lừa xin việc

15/09/2014 05:05

Với các thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng này biết đánh trúng vào tâm lý của người cần việc làm nên "con mồi" rất dễ sập bẫy...



Từ tháng 5-2011 đến tháng 6-2012, Vũ Thị Hằng (sinh năm 1983, trú tại phường Phả Lại, Chí Linh)
 lừa 26 người, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Khánh Chi


Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ lừa đảo xin việc, chiếm đoạt tài sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người bị hại mà còn dẫn tới cái nhìn sai lệch của người dân đối với việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Dễ dàng sập bẫy

Khoảng 19 giờ ngày 18-8, sau khi thăm người ốm từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nguyễn Ngọc Yên (sinh năm 1974, tạm trú ở 4/22B Lê Viết Quang, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) thuê 1 xe tắc-xi do anh Bùi Hữu Th. (sinh năm 1979, ở xã Hồng Lạc, Thanh Hà) điều khiển chở về nhà. Trên đường đi Yên biết anh Th. muốn xin vào nơi có việc làm ổn định. Yên đã nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của anh Th. Để tạo lòng tin, Yên tự giới thiệu mình đang công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và có thể giúp anh vào đó công tác. Ngày hôm sau Yên gọi điện cho anh Th. nói đã xin được việc, mức chi phí là 25 triệu đồng, phải đặt cọc trước 15 triệu đồng, lương 5 triệu đồng/tháng. Nếu có xe cho Sở Tài nguyên và Môi trường thuê sẽ được thêm 15 triệu đồng/tháng. Để tạo thêm niềm tin đối với nạn nhân, Yên nói có chị Thu làm ở Phòng Hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ liên hệ với anh Th. qua điện thoại khi có việc cần, nhưng thực chất chị Thu này là do Yên đóng giả. Chiều cùng ngày, anh Th. đã giao cho Yên 15 triệu đồng để "lo lót công việc". Chưa dừng lại ở đó, ngày 20-8, anh Th. gặp Yên ở đường Thanh Niên (TP Hải Dương), Yên nói xe ô-tô của anh là đời năm 2009, nên nếu thuê, sở cũng chỉ trả 15 triệu đồng/tháng. Nếu là đời năm 2010 sẽ được 18 triệu đồng/tháng. Yên nói có thể làm giấy tờ nâng đời xe ô-tô của anh Th. từ năm 2009 lên 2010 với chi phí 5 triệu đồng. Anh Th. vội đồng ý và đưa thêm cho Yên số tiền trên. Ngày 22-8, Yên tiếp tục gọi điện cho anh Th. nói phải nộp thêm 9,4 triệu đồng tiền may quần áo và tiền học nội quy. Lúc này, anh Th. bắt đầu nhận ra những bất thường trong việc giúp đỡ của Yên. Anh Th. nói với Yên chỉ còn 5 triệu đồng, thấy vậy Yên bảo cứ đưa trước 5 triệu đồng, còn lại 4,4 triệu đồng Yên cho vay. Xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, tự nhận thấy mình đã bị lừa, nên anh Th. tới Công an TP Hải Dương trình báo sự việc. Sáng 23-8, như đã hẹn với Yên, anh Th. tới phường Việt Hòa đưa 5 triệu đồng cho Yên. Khi Yên đang nhận tiền thì bị lực lượng của Công an TP Hải Dương bắt quả tang. Chỉ trong vòng 5 ngày, đối tượng Yên đã lừa đảo, chiếm đoạt của anh Th. tổng số 25 triệu đồng.

Trước đó, vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng qua hình thức xin việc của đối tượng  Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1977, ở phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương) đã gây xôn xao dư luận. Vốn là cán bộ Trung tâm Nhân đạo TP Hải Dương, Liên có điều kiện quan hệ và tạo dựng được uy tín với những người chị ta từng quen biết. Lợi dụng điều này, Liên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Biết bà Nguyễn Thị H. (Tứ Kỳ) có nhu cầu xin việc cho con gái, Liên giới thiệu rằng Trung tâm Người có công thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đang có chỉ tiêu tuyển người. Liên yêu cầu bà H. đặt cọc từ  100-120 triệu đồng và cam kết con gái bà sẽ được đi làm. Sau đó, với lý do để lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương ký quyết định tuyển dụng, đối tượng này tiếp tục yêu cầu bị hại nộp thêm tiền… Liên đã chiếm đoạt của gia đình bà H. 140 triệu đồng. Bằng thủ đoạn tương tự, Liên đã lừa 11 người có nhu cầu xin vào làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị vỡ lở, Liên đã nhanh chân bỏ trốn. Các bị hại đã tới trình báo tại cơ quan công an. Văn phòng Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã lập hồ sơ, khởi tố điều tra vụ án. Đến tháng 8-2013, Văn phòng Cảnh sát điều tra đã bắt được đối tượng Liên khi đang lẩn trốn tại phường Duyên Hải, TP Lào Cai.

Người dân cần cảnh giác

Hiện nay, nhiều người dân có tâm lý muốn con em mình làm việc ổn định trong các cơ quan nhà nước nên sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để chạy chọt. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ của một số cơ quan, tung tin giả để lừa đảo. Do thiếu thông tin về quy trình tuyển sinh, tuyển dụng, nhưng lại cả tin nên nhiều người đã sập bẫy. Với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, không ít người đã phải vay mượn khắp nơi hoặc bán tài sản để đưa tiền cho bọn lừa đảo mà việc làm thì chẳng thấy đâu. Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều khai nhận rằng chúng chỉ biết lừa tiền của người dân rồi sau đó chia nhau tiêu xài, còn hồ sơ của các nạn nhân thì chúng giữ lại. 

Để không bị mắc lừa, người dân cần nêu cao cảnh giác. Khi có nhu cầu tìm việc, phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin. Thời gian gần đây, nhiều cơ quan nhà nước đã công khai chỉ tiêu tuyển dụng, hình thức tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, công dân có nhu cầu thi tuyển vào các cơ quan nhà nước cần chủ động tìm kiếm thông tin chính thống, không qua các khâu trung gian sẽ tránh được tình trạng bị lừa đảo.  Khi bắt gặp các đối tượng gạ gẫm, đặt vấn đề giúp đỡ xin việc người dân nên cảnh giác và báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chiêu lừa xin việc