Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

28/03/2020 07:35

Thường xuyên làm việc với cường độ cao, phải xa gia đình... là những khó khăn mà những bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đang nỗ lực vượt qua để chiến thắng Covid-19.


 Bác sĩ theo dõi sức khỏe người ở khu vực cách ly 

Trong "cuộc chiến" với Covid-19, đội ngũ y bác sĩ là những chiến sĩ nơi nơi tuyến đầu. Họ can đảm, tận tụy, vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng. 

Sau khi có bệnh nhân dương tính với Covid-19 đầu tiên, ngay trong đêm 18.3, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã nhanh chóng triển khai các phương án phục vụ điều trị, tiếp nhận người trong diện phải cách ly. 20 y bác sĩ của trung tâm nhanh chóng đến các khu vực cách ly nhận nhiệm vụ. Họ chia làm hai ca trực, làm việc liên tục 12 giờ mỗi ca. "Khi nhận nhiệm vụ chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và xác định sẽ phải tự cách ly, xa gia đình một thời gian. Vì tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc diện F1 nên chúng tôi phải rất thận trọng, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế", một điều dưỡng trẻ của Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết.  

Chúng tôi gặp điều dưỡng Vũ Thị Thanh, Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc đúng lúc chị bắt tay vào công việc đầu ngày. Chị Thanh cho biết ngay mùng 2 Tết Canh Tý, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận một bé trai quốc tịch Trung Quốc có dấu hiệu ho, sốt cao, nghi mắc Covid-19 nhập viện. Kíp trực nhanh chóng khám bệnh và đưa bé vào phòng cách ly để điều trị theo phác đồ quy định. Sau đó, bệnh nhân này nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiếp đó là Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để theo dõi, điều trị. Ngày hôm sau, một số y bác sĩ trong khoa đã phải tự cách ly, không được về nhà ăn Tết do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân này. Khi có thông báo bệnh nhân đó âm tính với Covid-19, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm.

"Cường độ làm việc cao nên chúng tôi khá mệt mỏi. Do thường xuyên tiếp xúc với người cách ly chúng tôi phải hạn chế về thăm gia đình. Tôi thường tranh thủ lúc rảnh gọi điện về nhà động viên và nhắc nhở chồng chăm sóc con và phòng ngừa dịch bệnh. Lúc nhớ con quá, cũng chỉ biết gọi Zalo để mẹ con nhìn thấy nhau”, chị Thanh chia sẻ.

Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh là nơi tiếp nhận, theo dõi cách ly và điều trị các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 tuyến cuối của tỉnh. Tại khoa có 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng. Từ Tết đến giờ, các y bác sĩ ở đây chưa có khi nào thảnh thơi. Hằng ngày, họ vừa thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân khác lại vừa phải theo dõi sức khỏe cho các trường hợp cách ly. Có lúc cao điểm, một ngày khoa tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đến theo dõi, cách ly.

Thiếu nhân lực, các y bác sĩ chia làm 2 kíp trực quay vòng. Mỗi tuần bác sĩ Lê Văn Công, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tổng hợp trực 3 buổi. Những ngày này, dù rất nhớ nhà nhưng bác sĩ không dám về gặp con. Bạn bè, người thân biết anh tham gia công tác phòng chống dịch cũng chỉ dám gọi điện hỏi thăm, động viên. Bác sĩ Công chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên ứng phó với dịch Covid - 19 nên đội ngũ y bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm. Có thời điểm, bệnh viện còn thiếu quần áo bảo hộ nên phải chia nhau khẩu trang".

Khi được hỏi việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nguy cơ lây cao thì có lo cho sức khỏe bản thân hay không, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, cán bộ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh khẳng định: “Khi chống dịch, nhân viên y tế cần bảo đảm an toàn cho bản thân, tránh lây nhiễm từ bệnh nhân và thầy thuốc hay giữa bệnh nhân với nhau. Những việc rất đơn giản cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ việc dùng quần áo bảo hộ, sát khuẩn, rửa tay... đều phải bảo đảm an toàn”.

Những nỗ lực hết mình của các y bác sĩ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch đã và đang góp phần tích cực ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm Covid-19.

NGA QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch