Những cây cầu kết nối vùng miền ở Hải Dương

18/06/2020 20:00

Những cây cầu mới khánh thành hoặc đang chuẩn bị hoàn thiện đã giúp gắn kết các vùng miền, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ở tỉnh Hải Dương.

Dự kiến 1 năm nữa cầu Dinh nối thị xã Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) sẽ hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Trong ảnh: Công trường thi công cầu Dinh phía huyện Thủy Nguyên

Chưa khi nào tại Hải Dương lại có nhiều cầu được xây dựng như mấy năm gần đây. Các cây cầu mới không chỉ giải quyết vấn đề đi lại mà còn kết nối, đánh thức những vùng miền vốn bị ngăn trở bởi sông nước suốt cả trăm năm qua.

Hàng loạt cầu được xây dựng

Năm 2012, cầu Hiệp nối huyện Ninh Giang với huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) thông xe. Sau đó 1 năm, cầu Chanh nối huyện Ninh Giang với huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khánh thành. Cùng năm đó, cũng tại huyện Ninh Giang, cầu Ràm mới đã thay thế cho cầu cũ... Từ đó đến nay, tại nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hàng loạt cầu được xây dựng như cầu Mây, cầu Dinh và cầu Quang Thanh, trong đó cầu Mây đã được hợp long, dự kiến thông xe trong ít ngày nữa.

"Năm 2010, cầu Hợp Thanh nối 6 xã khu đảo Hà Đông với huyện lỵ Thanh Hà được khánh thành thay thế cho phà Gùa. Với người dân, sự kiện đó là một bước ngoặt đặc biệt. Mặc dù cầu nhỏ nhưng đã đáp ứng được niềm mong đợi của người dân suốt nhiều năm. Trước đó, người dân khu đảo qua phà để vào huyện là cả một vấn đề, nhất là vào vụ vải", ông Lê Quý Sự, quyền Chủ tịch UBND xã Thanh Cường (Thanh Hà) cho biết. Cũng theo ông Sự, cầu Quang Thanh vừa được khởi công mang tính kết nối vùng miền nhiều hơn so với cầu Hợp Thanh. Hôm khởi công cầu, ngày 16.5 vừa qua, hàng trăm người dân địa phương đã qua phà sang phía huyện An Lão để chứng kiến sự kiện lịch sử này. "Chỉ hơn 1 năm nữa, cầu Quang Thanh sẽ hoàn thành. Khi đó, việc đi lại, nhất là vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân khu đảo Hà Đông đi các nơi sẽ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Riêng xã Thanh Cường, mỗi năm sản lượng vải đạt khoảng 2.000 tấn đều phải qua cầu Hợp Thanh thì sắp tới chỉ cần đi cầu Quang Thanh là sang tới Hải Phòng, sau đó có thể đi Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội dễ dàng hơn", ông Sự cho biết thêm.

Để phục vụ xây dựng đường dẫn cầu Quang Thanh nối với đường tỉnh 390, xã Thanh Cường có 149 hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất, chủ yếu là đất vườn và đất thổ cư. Nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng khi sắp có cầu mới và cho biết họ đã sẵn sàng bàn giao đất cho đơn vị thi công, không để dự án bị chậm tiến độ. Theo thiết kế, cầu Quang Thanh dài 536 m, rộng 12 m, tổng kinh phí đầu tư 398,6 tỷ đồng.

Cùng thời điểm khởi công cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối thị xã Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng được UBND TP Hải Phòng phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng. Cầu Dinh dài 369,8 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư 269,4 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan chức năng của thị xã Kinh Môn và các địa phương liên quan đang thực hiện các bước giải phóng mặt bằng để xây dựng đường dẫn nối với quốc lộ 17B.

Cầu Mây hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội

Gần hơn với các đầu tàu kinh tế

Do nằm giáp ranh với những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế mạnh là Hải Phòng, Quảng Ninh nên Hải Dương sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội khi kết nối với các địa phương này. Điển hình là cầu Quang Thanh, cầu Dinh, được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn ngân sách của TP Hải Phòng, khoảng 670 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế nên Hải Dương đầu tư kinh phí tương ứng để xây dựng đường dẫn đầu cầu phía huyện Thanh Hà và thị xã Kinh Môn. Hai cây cầu sẽ được thi công trong thời gian ngắn. Cầu Quang Thanh dự kiến 15tháng, còn cầu Dinh 12 tháng.

Đồng chí Sái Thị Yến, Bí thư Thị ủy Kinh Môn cho biết cùng với các cây cầu Đá Vách, An Thái, Hiệp Thượng và cầu Mây (sắp thông xe) thì cầu Dinh sẽ là động lực phát triển mới cho thị xã. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thị xã khai thác thế mạnh về dịch vụ, du lịch, thương mại. Cuộc sống của người dân vốn bao đời bị chia cắt bởi sông nước sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, khi cầu Quang Thanh được hoàn thành vào năm sau, không chỉ người dân 3 xã khu đảo Hà Đông là Vĩnh Lập, Thanh Cường và Thanh Quang đi lại dễ dàng và thuận lợi phát triển kinh tế mà nhiều xã khác trong huyện cũng được hưởng lợi. Thay vì chỉ có một hướng duy nhất là ra quốc lộ 5 rồi mới tỏa đi các nơi thì sắp tới hàng hóa, nông sản của Thanh Hà sẽ theo cầu Quang Thanh sang Hải Phòng vào quốc lộ 10, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để đến được nhiều địa phương khác dễ dàng.

Trong lễ khởi công xây dựng cầu Quang Thanh, cầu Dinh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái từng khẳng định: tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng có truyền thống đoàn kết, gắn bó. Trong những năm gần đây, Ban Thường vụ hai địa phương đã thường xuyên phối hợp ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội. Cầu Quang Thanh, cầu Dinh là kết quả của sự phối hợp tốt đẹp đó. Khi các cây cầu hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn cho các địa phương có tiềm năng. Sau khi kết nối, diện mạo các huyện, thị xã hai bên đầu cầu sẽ thay đổi tích cực, nhất là phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

TIẾN HUY-THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cây cầu kết nối vùng miền ở Hải Dương