Những câu hỏi lặng lẽ

27/11/2017 09:45

Khá nhiều bạn đọc khi gặp bài thơ "Xa vắng" của Hữu Thỉnh cứ phải đọc đi đọc lại. Bởi "Xa vắng" là một trong những bài thơ ngắn của nhà thơ có tài viết trường ca, lại gây ám ảnh.

Khá nhiều bạn đọc khi gặp bài thơ "Xa vắng" của Hữu Thỉnh cứ phải đọc đi đọc lại. Bởi "Xa vắng" là một trong những bài thơ ngắn của nhà thơ có tài viết trường ca, lại gây ám ảnh. Đây là sự "Xa vắng" giữa hai người. Một người chừng như đi xa trở về để tìm một người nay đã ra đi. Cả hai nhân vật này, một nam và một nữ, từng có thời thề thốt cùng nhau. Nhưng cả hai đều đứng ngoài các dòng thơ.

Đọc thì biết, chủ thể của bài thơ là người con trai. Anh bồn chồn bởi vì "xa vắng quá", khát khao mong nhớ nên mới về nơi xưa để "hỏi": hỏi cát trên đường, hỏi bến có con đò, hỏi chợ nơi người yêu từng mua gương... Ba câu thơ có ba lần nhắc đến sự day dứt "xa vắng quá" và cả ba lần "đi hỏi". "Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát", nhưng: "Đường đông người đâu chỉ dấu chân em".

Một câu hỏi mong manh và không có lời đáp. May mà còn "dấu chân em". Chắc chắn là có em đi trên đó. Lại đến bến đò để hỏi "Người sang đò có hỏi sóng gì thêm". Hẳn là nơi đây, từng có hai người bịn rịn bên nhau, nên câu thơ nói rõ "một mình đi hỏi bến". Ở bến thì phải có sông, mà sông nào chẳng có sóng. Vì họ từng thủ thỉ trên dòng sông, nên nay mới tìm về hỏi sóng: "Người sang đò có hỏi sóng gì thêm". Chữ "thêm" rất đắt, vì đặt đúng chỗ, nó tạo nên sự vấn vương, để phải đi tìm tiếp những nơi mà nàng đã từng đến. "Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ/Người mua gương dạo ấy có hay về?". Câu thơ được khép lại với dấu hỏi (?), ý thơ được đẩy lên đến cao trào.

Phải tìm được câu trả lời. Nếu lần "đi hỏi" trước còn quá xốc nổi "bồn chồn đi hỏi", thì đến lần hỏi thứ ba này đã trầm lại với hai từ "tần ngần". Sự tần ngần ấy phải chăng bắt nguồn từ dự cảm về câu trả lời đầy hụt hẫng, xa xót này: "Người mua gương đã một lần trở lại/Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi". Thế là mọi sự đã rõ ràng. Em đã có lần quay trở lại vì em chưa quên hẳn hình bóng của người xa. Nhưng lần trở lại "tưng bừng" ấy lại là dấu chấm kết thúc cho những gì luyến thương, nhung nhớ. Em gửi lại tất cả những cái gì đã diễn ra và từ nay thì nên quên đi. Và từ giây phút này, người "xa vắng quá" cũng tự dừng bước... Sự đối lập giữa cách trở lại "tưng bừng" và cách ra đi "lặng lẽ" khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi.

Hữu Thỉnh là nhà thơ đã từng cầm súng trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, hiểu rất rõ tâm trạng của người ra đi và người ở lại. "Xa vắng" là một sáng tạo trong thi pháp Hữu Thỉnh, kiệm lời mà xao xuyến. Bài thơ ngắn với nhiều cung bậc tình cảm, để người đọc nhớ mãi...


NGUYỄN HỮU PHÁCH

Xa vắng


Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát
Đường đông người, đâu chỉ dấu chân em

Xa vắng quá một mình đi hỏi bến
Người sang đò có hỏi sóng gì thêm

Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ
Người mua gương dạo ấy có hay về?

Người mua gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi.

HỮU THỈNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những câu hỏi lặng lẽ