Chiến thắng 30-4-1975 đã thống nhất đất nước nhưng có biết bao máu xương cha, anh đã đổ, trong đó có sự hy sinh không nhỏ của những cựu tù Phú Quốc.
Vợ chồng ông Đặng Văn Cửu ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách) với tấm Bằng Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân
Học hết cấp 2, tháng 6-1963, ông Đặng Văn Cửu, một cựu tù Phú Quốc ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung (Nam Sách) tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Năm 1967, ông vào chiến đấu tại chiến trường Phú Yên. Một đêm, đơn vị ông nhận nhiệm vụ đánh vào Tuy An. Bị thất thủ, địch dùng pháo từ biển bắn vào trận địa. Một số chiến sĩ của ta hy sinh. Ông Cửu bị pháo găm vào xương gò má và đùi ngất lịm. Bọn giặc bắt được ông. Năm 1968, ông bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Ông Cửu nhớ lại: “Vừa xuống sân bay, tất cả anh em chúng tôi đều bị bọn cai ngục đánh phủ đầu để uy hiếp. Sau đó, tôi được đưa về Phân khu A4. Là đảng viên, tôi nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức và được bầu là Phó Bí thư Chi bộ nhà tù Phân khu A4”. Trong tù, ông cùng Chi bộ Đảng đã bí mật tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, tuyệt thực đòi quyền lợi, trong đó có việc tổ chức cho anh em đào hầm bí mật và vượt ngục. Đêm Nô-en năm 1970, có 41 chiến sĩ của ta đã theo hầm bí mật vượt ngục. Sau vụ đó, những người còn lại ở Phân khu A4 bị giặc tra tấn dã man. Ông Cửu bị nghi ngờ là người cầm đầu. Chúng dùng nước đổ vào mồm ông rồi nhảy lên người dận. Thấy ông không khai, chúng lại dùng dây thép quất lên người... Vạch áo chỉ cho tôi xem những cục thịt lồi lên bằng ngón tay, ông cho biết, đó chính là dấu tích của những trận đòn năm xưa.
Thực hiện Hiệp định Pa-ri, năm 1973 hai bên trao trả tù binh. Ông Cửu trở về địa phương, giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Ông không bao giờ quên được ngày 30-4 lịch sử trên mảnh đất quê hương. “Trưa hôm đó, tôi đang ở nhà thì nghe tin miền Nam giải phóng được phát đi dõng dạc trên loa truyền thanh. Mọi người đổ cả ra đường tập trung rất đông dưới cột loa, sau đó từng đoàn người mang cờ đỏ sao vàng kéo về UBND xã mít tinh. Ngôi làng yên bình hôm đó vui như hội”, ông Cửu nhớ lại.
Với ông Tạ Kim Khánh, xã Long Xuyên (Bình Giang), hồi ức về thời gian lao tù ở Phú Quốc là những cuộc tra tấn bằng roi cá đuối, phơi nắng, ngâm thùng phuy… Nhập ngũ năm 1963, ông bị địch bắt năm 1967 khi đơn vị tấn công vào Bình Định và bị đưa ra Phú Quốc. Ông Khánh nhớ lại: “Lúc đó tôi bị thương vào đầu. Ra đảo lại bị giặc tra tấn dã man nên mắt phải tôi bị hỏng, mắt trái bị mờ. Mỗi ngày, mỗi tù nhân chỉ được nhận 0,5 lít nước ngọt để đánh răng, rửa mặt, tắm gội và giặt giũ. Ông Khánh là con trai độc nhất trong gia đình nên các cuộc đấu tranh, anh em thường không cho ra mặt. Có lần ông và anh em trong trại đào hầm vượt ngục bị giặc phát hiện tra khảo, tổ chức cử anh em khác đứng ra nhận thay”.
Sau khi ra tù, ông Khánh trở lại quân ngũ, xung phong làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, song là thương binh nên được chuyển về đơn vị bộ đội sản xuất tại Quảng Ninh. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, song ông và đồng đội vẫn hằng ngày dõi theo bước tiến của quân ta. Những thắng lợi dồn dập từ chiến dịch Đà Nẵng, Tây Nguyên… khiến ông và đồng đội vui mừng khôn xiết. Ông Khánh nhớ lại ngày lịch sử 30-4: “Bữa đó, hàng trăm anh em chúng tôi đang làm việc trên công trường xây dựng nhà máy gạch thì đài báo tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, nhiều anh ôm lấy nhau khóc, phần vì vui mừng đất nước thống nhất, phần vì thương những đồng đội đã ngã xuống”.
Trong những ngày quân ngũ, ông Khánh từng tham gia viết báo, làm thơ để động viên tinh thần chiến đấu của anh em. Hiện nay, ông là hội viên Ban thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Trong các tập thơ đã xuất bản của ông, có rất nhiều bài được lấy cảm hứng từ những năm quân ngũ, tù đày.
Có dịp về các vùng quê, chúng tôi còn được nghe biết bao câu chuyện xúc động khác nữa của những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt và tù đày. Là hậu phương vững chắc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất Hải Dương đã có hàng vạn con em không tiếc tuổi thanh xuân lên đường đánh giặc, hàng nghìn chiến sĩ bị giặc bắt tù đày, song vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất.
HẰNG TRẦN