Tổng giá trị thu nhập cả vùng năm 2007 từ mô hình này đạt 1 tỷ 716 triệu đồng, bình quân 130 triệu đồng/ha; năm 2010 đạt 2 tỷ 680 triệu đồng, bình quân 203 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa...
Cánh đồng chuyên canh rau quả của phụ nữ thôn Bái Hạ (Toàn Thắng, Gia Lộc)
Toàn Thắng (Gia Lộc) là xã thuần nông, có 5 thôn với 6.350 nhân khẩu, trong đó 1.762 nữ, 1.560 chị tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, đạt 88%. Xã có 295 ha diện tích canh tác. Trước năm 2007, hội viên Hội Phụ nữ xã chủ yếu canh tác cấy lúa, 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 54 - 58 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi 40 - 50 triệu đồng. Đời sống nông dân nói chung, phụ nữ nói riêng thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn…
Năm 2007, được Hội Phụ nữ huyện chọn làm điểm mô hình “Xây dựng cánh đồng chuyên canh rau màu cho giá trị kinh tế cao”, Hội Phụ nữ xã đã báo cáo với Đảng ủy xã chọn đội 3, thôn Bái Hạ làm điểm. Hội phân công 1 đồng chí Phó Chủ tịch, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Bái Hạ tham gia mô hình, trực tiếp đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Hội Phụ nữ xã chọn vùng, xây dựng được 13,2 ha với 148 gia đình hội viên tham gia mô hình. Qua tuyên truyền, vận động, chị em thấy rõ hiệu quả của việc trồng rau màu. Những chị không có điều kiện trồng rau màu đổi ruộng cho người có nhu cầu. Hội vận động 100% gia đình hội viên tham gia vùng đóng góp 1.865 ngày công đào mương cấp 2, đắp đường thủy lợi nội đồng. Các gia đình hội viên thôn Bái Hạ đóng góp 170 nghìn đồng/khẩu để xây dựng kênh mương kiên cố và làm đường bê -tông phục vụ sản xuất. Hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện, Viện Nghiên cứu ngô Trung ương, Công ty TNHH Thủy Tiên, Thanh Bình, Kim Chính, HTX dịch vụ nông nghiệp mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho toàn thể hội viên. Hội còn trích quỹ, phô - tô toàn bộ tài liệu có liên quan, cung cấp cho cán bộ, hội viên vùng chuyển đổi. Bên cạnh đó, hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 58 hộ trong vùng chuyển đổi vay 1 tỷ 150 triệu đồng vốn sản xuất; phối hợp với Công ty Phân bón NPK Việt Nhật cung ứng 8,5 tấn phân bón trả chậm cho 45 hộ. Nâng cao sự gắn kết giữa các thành viên trong vùng, hội đứng ra thành lập quỹ tình nghĩa, vận động mỗi hội viên đóng góp 10 nghìn đồng, được tổng cộng 4,5 triệu đồng giúp 3 hội viên khó khăn vay không tính lãi. 60 chị em thường xuyên làm đổi công, hỗ trợ người thiếu sức lao động khi mùa vụ. Sau mỗi vụ thu hoạch, Hội Phụ nữ xã lại tổ chức cho chị em trong vùng chuyên canh sinh hoạt để rút kinh nghiệm cho vụ sau, biểu dương những hộ thực hiện tốt quy chế, nội quy vùng. Bằng cách đó, hệ số sử dụng đất của vùng chuyên canh tăng từ 3 lần lên 4 - 5 lần/năm. Tổng giá trị thu nhập cả vùng năm 2007 đạt 1 tỷ 716 triệu đồng, bình quân 130 triệu đồng/ha; năm 2010 đạt 2 tỷ 680 triệu đồng, bình quân 203 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Tiêu biểu là hộ chị Soi, chị Mến, chị Sao… thường xuyên trồng từ 7 - 10 sào rau màu, cho thu hoạch 70-100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, trong thực hiện mô hình “Xây dựng cánh đồng chuyên canh rau quả cho giá trị kinh tế cao”, Hội Phụ nữ xã Toàn Thắng còn gặp một số khó khăn như chưa xây dựng được một loại cây tập trung cho cả vùng. Các hộ còn trồng xen các loại rau màu, do chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Giá các vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn ở mức cao. Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón chưa được kiểm soát chặt chẽ. Lao động sản xuất nông nghiệp tuổi ngày càng cao, do đó việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng còn hạn chế.
THU LAI