Đa số trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra vấn đáp, làm bài 15 phút online lấy điểm hệ số 1, riêng điểm hệ số 2-3 phải chờ học sinh đi học trở lại.
Cô Nguyễn Minh Hương, giáo viên toán một trường THCS tại quận Đống Đa, Hà Nội, dạy online bằng phần mềm Zoom, giao bài tập cho học sinh bằng Online Math, hệ thống làm bài tập trực tuyến do Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng.
Theo cô Hương, bài tập ở Online Math bám sát chương trình, lại có đánh giá và xếp loại nên rất thuận lợi để theo dõi kết quả của học sinh. Ngoài ra, cô giao thêm bài tập cho học sinh bằng cách gửi file vào nhóm chat Zalo của cả lớp, sau đó yêu cầu các em nhờ bố mẹ quay lại quá trình làm hoặc chụp lại bài.
Mỗi tiết học, các em trình chiếu bài đã làm lên cho cô giáo và cả lớp xem, sau đó nghe nhận xét của cô giáo. Cô Hương sử dụng kết quả kiểm tra ngẫu nhiên này làm điểm hệ số 1. "Môn toán thuận lợi hơn các môn thuộc nhóm xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý ở khía cạnh kiểm tra, đánh giá do có thể lượng hóa kết quả của các em", cô Hương chia sẻ.
Thời gian tới, cô giáo dự định cho học sinh lớp 9 làm bài kiểm tra 15 phút online. Cô Hương sẽ chiếu đề bài lên màn hình Zoom cho học sinh làm, hết 15 phút gỡ và yêu cầu các em chụp lại bài làm gửi lên nhóm.
Cô giáo 16 năm trong nghề chia sẻ, việc kiểm tra, đánh giá khi học online chủ yếu lấy điểm hệ số 1, thay cho điểm kiểm tra miệng và 15 phút khi học trên lớp. Những bài kiểm tra hệ số 2 và 3 sẽ được triển khai sau khi học sinh trở lại trường.
Thầy Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên hóa Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, dùng phương pháp kiểm tra dạng vấn đáp để lấy điểm cho học sinh trong quá trình học online. Thầy giáo 40 tuổi đang dùng phần mềm Zoom để dạy online cho 5 lớp, khi "kiểm tra miệng" một học sinh thì các em còn lại nghe được phần hỏi đáp, tương tự trả bài hàng ngày trên lớp. Điểm này lấy hệ số 1, tương ứng điểm kiểm tra miệng hoặc 15 phút khi học bình thường.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra được thầy Hiếu lưu lại vào sổ, chưa cập nhật lên hệ thống. Thầy giáo giải thích nếu học sinh có thể đi học trở lại sớm, đủ thời gian hoàn thành tất cả bài kiểm tra thì giáo viên sẽ lấy điểm từ các bài này. Ngược lại, nếu thời gian không cho phép, thầy cô Trường THPT Phúc Lợi sẽ sử dụng những điểm hệ số 1 đã có trong quá trình học online, chỉ cho kiểm tra viết các bài một tiết và hết kỳ để lấy điểm hệ số 2 và 3 khi các em trở lại trường.
Trong quá trình học online, thầy Hiếu giao bài tập cho học sinh, sau đó thông báo vào nhóm chat Zalo có phụ huynh các em, nhờ bố mẹ sát sao và chụp lại bài tập của con sau khi hoàn thành để thầy kiểm tra và chữa vào buổi học sau. "Tuy có phần thủ công, tôi nghĩ đây là một trong những cách tốt nhất để kiểm tra, đánh giá, từ đó tạo động lực cho các em trong hoàn cảnh hiện tại", thầy Hiếu nói.
Được triển khai dạy online và trên truyền hình từ sớm, nhiều trường THCS, THPT tại TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra học sinh, nhất là lớp 12 thông qua ứng dụng trực tuyến. Tuy nhiên, việc cho điểm vẫn chưa được nhiều trường thực hiện.
Cho rằng hiệu quả học trực tuyến chỉ bằng 50-70% so với học trên lớp, hiệu trưởng một trường THCS ở Bình Thạnh cho biết việc kiểm tra hàng ngày chỉ mang tính chất "điểm danh" để học sinh tham gia đầy đủ. "Các phần mềm học tập hiện nay khó kiểm soát học sinh có tập trung học hay không, chưa kể Internet ở nhà từng em mạnh yếu khác nhau, buổi học chập chờn. Do đó, việc thi cử chỉ có thể thực hiện khi nào đi học lại", thầy giáo cho biết.
Cũng theo hiệu trưởng này, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả học online, nhưng hướng dẫn về việc đánh giá, cho điểm quá trình học này chưa rõ ràng. Do đó, nếu tổ chức kiểm tra cũng chỉ mang tính đánh giá, tổng kết quá trình dạy học, hoặc dành để cộng điểm 15 phút một tiết khi học trở lại.
Trong khi đó, ở Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú), việc tổ chức học và thi online khá suôn sẻ. Hôm 17.4, trường tổ chức kiểm tra hơn 340 học sinh khối 12 hai môn toán, tiếng Anh thông qua Shub classroom, chỉ một em xin vắng do ốm. Kết quả phần lớn đạt điểm 5-7, một số em được điểm giỏi. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Nguyễn Đình Độ cho biết sẽ chưa lưu kết quả này vào sổ điểm, sau này có thể sử dụng cho cột điểm 15 phút hoặc cộng điểm khuyến khích cho học sinh.
Theo thầy Độ, việc triển khai dạy online là giải pháp tình thế khi dịch bệnh kéo dài. Một số trường có thể tự tin làm tốt, học sinh học tốt nhưng điều này không đồng đều với tất cả học sinh ở từng địa phương cũng như cả nước.
Chưa kể, việc tổ chức học trực tuyến có thể không khó với nhiều trường do có nhiều phần mềm, ứng dụng học online hỗ trợ nhưng tổ chức thi trực tuyến không đơn giản. Nếu không ý thức, tự giác và trung thực, học sinh hoàn toàn có thể gian lận như nhờ người thi giúp, tìm kiếm đáp án trên mạng... Khi đó, kết quả đánh giá học trực tuyến không phản ánh đúng chất lượng dạy và học.
Từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa thi THPT quốc gia, chương trình rút gọn, Trường THPT Thành Nhân dạy theo giáo án mới. Nếu trong tình huống xấu nhất, có thể phải nghỉ hết tháng 5, thầy Độ cho biết trường sẽ tăng cường kiểm tra online. "Với học sinh lớp 12, đề kiểm tra sẽ bám sát đề minh họa, phục vụ cho các em thi THPT quốc gia. Tôi tin học sinh học hành, thi cử nghiêm túc, vì việc học này phục vụ cho mục tiêu quan trọng của các em", thầy chia sẻ.
Ở bậc tiểu học, việc đánh giá học sinh học online nhẹ nhàng hơn do không cho điểm số. Theo quy định đánh giá học sinh tiểu học, các em chỉ được đánh giá các mức độ hoàn thành môn học; riêng lớp 4 và 5 có thêm các bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt và toán vào giữa học kỳ.
Một nữ giáo viên khối 4 trường tiểu học ở quận 5 kể từ giữa tháng 3, trường tổ chức dạy online cho học sinh thông qua các bài giảng video được từng khối sản xuất. Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm gửi cho phụ huynh đường link cùng các hướng dẫn bài học để cha mẹ kèm con học tại nhà. Phụ huynh đôn đốc con học bài mới qua video bài giảng, làm bài tập được giao và chụp hình gửi qua Zalo cho giáo viên bài tập hoàn thành.
Hiện trường đã dạy được tuần 21-24, việc chấm bài hàng ngày chỉ để đánh giá học sinh học tập ra sao, giúp phụ huynh có phương án kèm cặp con em. Một phần dữ liệu này sẽ được sử dụng để đánh giá học sinh, nhưng chỉ mang tính bổ sung. "Khi học sinh đi học trở lại, trường sẽ rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến, từ đó mới điều chỉnh nội dung dạy học, đánh giá sát hơn", cô giáo cho hay.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15.7, thi THPT quốc gia ngày 8-11.8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.
Theo VnExpress