Giáo dục

Những “bông hồng” trên bục giảng

THẾ ANH 02/05/2024 11:00

Là những "bông hồng" yêu nghề, không ngừng sáng tạo trên bục giảng, một số cô giáo ở Hải Dương đã được khen thưởng do có thành tích xuất sắc tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024.

_mg_3705.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Duyên (Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Gia Lộc) áp dụng những biện pháp dạy học mới nhằm tạo hứng thú cho học sinh

Phương pháp giảng dạy mới

Cô giáo Đỗ Thị Duyên (sinh năm 1992) gắn bó với Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Gia Lộc) đã gần 9 năm. Đồng nghiệp đánh giá cô Duyên là một giáo viên yêu nghề, trách nhiệm và sáng tạo.

Gia đình không ai làm nghề giáo nên người truyền cảm hứng để chị Duyên theo đuổi ước mơ là cô giáo chủ nhiệm dạy ngữ văn THPT trước đây. Tốt nghiệp Trường Đại học Hải Phòng, năm 2016 chị về Trường Tiểu học Hoàng Diệu dạy môn tin học. Vừa làm tại trường chị vừa học tiếp Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2021, chị Duyên chính thức chuyển sang dạy môn văn hóa. Không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, chị Duyên luôn mang đến những luồng gió mới trong mỗi tiết học.

Bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, chị linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại vào trong mỗi bài giảng như “lớp học đảo ngược”, “kỹ thuật mảnh ghép”, “kỹ thuật khăn chải bàn”… Các phương pháp đều khơi lên sự sáng tạo, ham học của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về cả năng lực và phẩm chất.

Chị Duyên cho biết phương pháp mà chị thường áp dụng hiệu quả nhất là “lớp học đảo ngược”. Đây cũng là phần thi báo cáo biện pháp tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của chị. Học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các tài liệu hỗ trợ. Khi lên lớp, các em đặt câu hỏi để giáo viên giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức. “Mô hình lớp học đảo ngược chính là một phương pháp hội tụ đầy đủ các kỹ thuật dạy học tích cực. Mô hình này tạo hứng thú cho học sinh, nâng cao kỹ năng tự học, giúp các em phát triển tư duy cao hơn như phân tích, tổng hợp, đánh giá và sáng tạo”, chị Duyên nói.

Gần 9 năm qua, cô giáo Duyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều học sinh của cô đã đoạt giải ở các cuộc thi như Violympic toán, Trạng Nguyên nhỏ tuổi trên internet. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024 là lần đầu tiên chị tham gia và đã đạt thành tích cao nhất.

Tạo hứng thú khi học môn hóa

z5352931662467_7df38ba18ddb6e2942ff1140d70cbfa1.jpg
Cô giáo Hồ Thảo Huyền (Trường THCS Phạm Sư Mạnh, Kinh Môn) luôn mang đến cho học sinh những tiết hóa học hấp dẫn và bổ ích

Cô giáo Hồ Thảo Huyền (sinh năm 1990), giáo viên Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) đã đem sức trẻ, lòng yêu nghề, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người và truyền lửa đam mê môn hóa học tới học sinh.

Truyền thống gia đình làm nghề giáo đã tiếp động lực cho chị Huyền xuất sắc trúng tuyển vào hệ cử nhân chất lượng cao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, chị tiếp tục học thạc sĩ sư phạm hóa học. Năm 2014, chị về công tác tại Trường THPT Kinh Môn II. Sau nhiều năm làm giáo viên hợp đồng, năm 2020, chị trúng tuyển viên chức vào Trường THCS Phạm Sư Mạnh, nơi chị đã từng học THCS.

Hóa học được xem là môn học khó, khô khan. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, chị Huyền đã mang đến cho học sinh những giờ học hấp dẫn và bổ ích.

“Trong các bài giảng tôi đưa ra những phương pháp phù hợp cho học sinh dễ tiếp cận, không quá cầu kỳ mà làm thế nào các em nắm được những vấn đề đơn giản nhất của kiến thức cơ bản để xử lý được bài tập. Tôi luôn biến những tiết học khô khan trở nên mềm mại bằng các trò chơi, thí nghiệm vui, gần gũi để tạo hứng thú cho học sinh”, cô Huyền chia sẻ.

Chị Huyền còn đảm nhận bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi hóa học của trường. Nhiều em đã đoạt giải học sinh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh. Những bài giảng của cô giáo Huyền đã truyền lửa cho các em niềm đam mê và yêu thích sáng tạo khoa học. Nhiều sáng kiến của chị đã được công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

Danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh là phần thưởng lớn nhất của cô giáo Huyền sau gần 10 năm gắn bó với nghề. Năm học 2023-2024, chị được đề nghị xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Truyền cảm hứng tình yêu văn học

_mg_3744.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1984), Trường THPT Nam Sách đã truyền cảm hứng, thổi bùng ngọn lửa đam mê văn học cho nhiều thế hệ học sinh

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1984) về công tác tại Trường THPT Phan Bội Châu (Nam Sách). Năm 2008, chị về giảng dạy tại Trường THPT Nam Sách cho đến nay. 16 năm tâm huyết, gắn bó với Trường THPT Nam Sách, chị Hiếu đã truyền cảm hứng, thổi bùng ngọn lửa đam mê văn học cho nhiều thế hệ học sinh.

Với nhiều học sinh, ngữ văn là môn nặng lý thuyết, dài dòng và khó học, vì thế sợ học hoặc học chống đối. Do đó, chị Hiếu thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp truyền đạt, khuyến khích các em bày tỏ quan điểm cá nhân về các tác phẩm văn học để hiểu những giá trị mà văn học mang lại.

Theo chị Hiếu, dạy ngữ văn quan trọng nhất là nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Giáo viên phải đủ “lửa” để “đốt cháy” những đam mê, khao khát của học trò, phải chạm đến được trái tim của các em bởi văn học chính là tiếng nói của tâm hồn, của cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần là một môn học. “Trong mỗi bài giảng tôi luôn liên hệ với thực tiễn cuộc sống, gửi gắm những thông điệp, tình yêu thương, những bài học làm người, tư tưởng sống tích cực tới học sinh, hướng học trò sống đúng, sống đẹp qua mỗi tác phẩm văn học”, chị Hiếu nói.

Danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh vừa qua cũng là thành tích lớn nhất từ trước đến nay để chị Hiếu tiếp tục nỗ lực hơn nữa, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

THẾ ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những “bông hồng” trên bục giảng